Doanh nghiệp kêu khổ vì Nghị định 09, ‘tố’ Bộ Y tế thờ ơ
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:20, 07/03/2024
Doanh nghiệp kêu khổ vì Nghị định 09, ‘tố’ Bộ Y tế thờ ơ
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM cho rằng Chính phủ đã thấu hiểu những bất cập mà doanh nghiệp (DN) đang phải chịu đựng từ Nghị định 09. Tuy nhiên, Bộ Y tế lại thờ ơ trong việc thực thi các chỉ đạo của Chính phủ.
Doanh nghiệp khó khăn, “bán mình”
Chính phủ xác định cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh là một nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên. Tuy vậy, nhiều DN, chuyên gia cho rằng động lực cải cách của các bộ ngành, địa phương đang mờ nhạt hơn.
Trong khi đó, năm 2023 và 2024, DN tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức cả từ bên ngoài cũng như lực cản trong nước, nhiều lĩnh vực rào cản đầu tư, kinh doanh trở nên nặng nề hơn… Điều này tác động không nhỏ tới niềm tin và động lực của nhà đầu tư, DN.
Minh chứng là năm 2023, số DN thành lập mới, quay trở lại hoạt động, vốn đăng ký và lao động đều giảm so với cùng kỳ năm 2022. Trong khi đó, số DN dừng hoạt động cao hơn nhiều so với cùng kỳ. Riêng trong tháng 1.2024, số DN dừng hoạt động gấp gần 2 lần số DN gia nhập thị trường.
Dự báo năm 2024, các thuận lợi, khó khăn vẫn tiếp tục đan xen, nhưng khó khăn nhiều hơn.
Bà Lý Kim Chi - Chủ tịch Hội Lương thực, thực phẩm TP.HCM cho rằng thời gian gần đây, cải cách thể chế và môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại. Thậm chí có lĩnh vực còn tạo thêm thủ tục không cần thiết, khiến DN đối mặt với những rủi ro, có thể dẫn tới giảm niềm tin và động lực kinh doanh...
Nữ doanh nhân này cho hay thời gian gần đây xảy ra tình trạng một số DN lớn trong ngành thực phẩm đã chuyển nhượng, hợp tác với các DN, quỹ đầu tư nước ngoài.
“Đối với các mặt hàng trọng yếu, ảnh hưởng đến an ninh lương thực quốc gia thì tình trạng dịch chuyển ấy rất đáng ngại. Do đó, với ngành lương thực, thực phẩm, nếu không có một chính sách đồng bộ, nhất quán từ Chính phủ để hỗ trợ DN trong nước giảm bớt áp lực, yên tâm phát triển thì sợ rằng chúng ta sẽ mất mát rất lớn khi xu hướng chuyển nhượng, hợp tác này ngày càng gia tăng trong thời gian tới”, bà Chi nói.
TS Nguyễn Đình Cung, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cũng nhìn nhận: "Cải cách môi trường kinh doanh có xu hướng chậm lại, thậm chí có lĩnh vực còn tạo thêm rào cản, tăng thêm chi phí tuân thủ cho người dân và DN".
Ông Cung cho biết có không ít vấn đề nhức nhối, DN kiến nghị nhiều, song vẫn chưa có những thay đổi thực sự. Trong bối cảnh đà suy giảm của các động lực tăng trưởng (xuất khẩu, tiêu dùng, đầu tư) và những khó khăn phải đối mặt năm 2024, việc cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh đang trở thành "mệnh lệnh không thể chần chừ".
Chính phủ thấu hiểu, Bộ Y tế thờ ơ?
Theo các DN, có rất nhiều quy định đang khiến họ phải chịu khó khăn, tổn thất nhưng không được khắc phục.
Bà Lý Kim Chi nêu ví dụ vướng mắc tại Nghị định 09/2016/NĐ-CP của Chính phủ về tăng cường vi chất dinh dưỡng vào thực phẩm.
Theo bà Chi, bất cập này đã kéo dài dai dẳng gần 7 năm, kể từ năm 2017 đến nay. Các DN ngành lương thực, thực phẩm đã và đang từng ngày phải chịu đựng rất nhiều khó khăn, tổn thất từ việc yêu cầu bắt buộc tất cả các DN phải bổ sung i ốt vào muối và bổ sung sắt, kẽm vào bột mì dùng trong chế biến thực phẩm.
Bà Chi cho rằng yêu cầu này đang đi ngược lại nguyên tắc quản lý rủi ro, không đúng với các khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới, thiếu hiệu quả và không phù hợp với quốc tế. Đặc biệt quy định này thậm chí gây nguy hiểm sức khỏe khi bắt tất cả những người đủ hoặc thừa vi chất phải ăn thực phẩm bổ sung vi chất.
"Quy định này gây tốn kém và rất nhiều khó khăn cho DN sản xuất, chế biến thực phẩm", bà Chi nói.
Ngày 15.5.2018, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 19-2018/NQ- CP và chỉ đạo Bộ Y tế “Nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung Nghị định 09 theo hướng: bãi bỏ quy định “muối dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường i ốt” và bãi bỏ quy định “bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm”. Thay vào đó, chỉ nên khuyến khích DN chế biến thực phẩm sử dụng”.
Ngày 26.6.2018, Bộ Y tế đã ban hành kế hoạch số 618 sửa đổi Nghị định 09, nhưng đến nay Bộ Y tế vẫn chưa triển khai việc sửa đổi nghị định này.
“Chính phủ đã thấu hiểu những bất cập DN đang phải chịu đựng từ các quy định của Nghị định 09. Tuy nhiên, thực tế này cũng cho chúng ta thấy sự thờ ơ Bộ Y tế trong việc thực thi các chỉ đạo của Chính phủ”, bà Chi nêu.
Bà Chi cho hay DN hết sức quan ngại khi Bộ Y tế cứ trì hoãn và kéo dài việc sửa đổi, gây cho DN rất nhiều tổn thất. Những tổn thất này không chỉ bằng tiền bạc, thời gian, mà trong nhiều trường hợp DN mất cả thị trường xuất khẩu, ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của một ngành hàng.
“Tình trạng này đang ảnh hưởng tới niềm tin của DN đối với các chính sách và hiệu lực quản lý của Chính phủ. Với những khó khăn dai dẳng từ thị trường, cộng thêm những chi phí phát sinh trong việc tuân thủ các quy định, thủ tục hành chính, phần đông những DN nhỏ và vừa cũng đang ở trạng thái ít có cơ hội phục hồi”, bà Chi nêu.
Ông Đậu Anh Tuấn, Phó tổng thư ký Liên đoàn Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết các DN phản đối rất mạnh mẽ khi Nghi định 09/2016/NĐ-CP yêu cầu tăng cường i ốt vào muối dùng để ăn trực tiếp, chế biến thực phẩm; bột mì dùng trong chế biến thực phẩm phải được tăng cường sắt và kẽm.
“DN cho rằng quy định này gây rất nhiều khó khăn cho sản xuất kinh doanh, tăng chi phí và giảm năng lực cạnh tranh của DN, thiếu hiệu quả và không phù hợp với quốc tế. Chính phủ đã yêu cầu sửa đổi quy định này nhưng đến nay vẫn chưa có nghị định sửa đổi”, ông Tuấn nói.