Mỹ cần 2 tháng để xây cảng dã chiến tại Dải Gaza

Chuyển động - Ngày đăng : 10:55, 09/03/2024

Đài CNN dẫn lời thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder ngày 8.3 tuyên bố cảng dã chiến phục vụ công tác viện trợ nhân đạo Dải Gaza có thể mất 1 - 2 tháng để xây dựng và đi vào hoạt động.
Chuyển động

Mỹ cần 2 tháng để xây cảng dã chiến tại Dải Gaza

Cẩm Bình 09/03/2024 10:55

Đài CNN dẫn lời thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder ngày 8.3 tuyên bố cảng dã chiến phục vụ công tác viện trợ nhân đạo Dải Gaza có thể mất 1 - 2 tháng để xây dựng và đi vào hoạt động.

Hoạt động xây dựng cần khoảng 1.000 nhân sự hải quân cùng lục quân Mỹ. Cảng có thể tiếp nhận tàu lớn chở thực phẩm, nước, thuốc men, lều trú ẩn. Hàng viện trợ sẽ được dỡ ở bến tàu tạm thời, sau đó được binh sĩ chuyển vào Gaza qua một con đường đắp cao cũng do Mỹ xây. Ông Ryder không nêu rõ thời điểm khởi công mà chỉ nói rằng quân đội nước này trong cuộc tập trận Talisman Sabre năm ngoái đã luyện tập năng lực xây cảng dã chiến.

Mốc thời gian Lầu Năm Góc đưa ra cho thấy tính phức tạp của dự án cảng dã chiến. Dự án đối mặt với không ít thách thức. Tất cả hàng đến cảng đều phải trải qua kiểm tra an ninh. Nhà Trắng từng tuyên bố không đưa quân đến Gaza nên chưa rõ ai sẽ phụ trách nhận hàng rồi phân phối. Nguồn tin của CNN nói rằng bên phụ trách có thể là tổ chức nhân đạo nào đó hoặc người Palestine tại chỗ do Liên Hợp Quốc chỉ định.

Cùng ngày, Liên minh châu Âu (EU) thông báo chương trình hành lang hàng hải không cần xây cảng thí điểm do Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) dẫn đầu chuẩn bị bắt đầu chuyển hàng viện trợ từ cuối tuần này. Chương trình hợp tác với tổ chức phi lợi nhuận World Central Kitchen, chỉ sử dụng một tàu đổ bộ nhỏ.

my.jpg
Bột mì viện trợ bị cư dân Gaza lấy sạch - Ảnh: CNN

Trước lúc công bố kế hoạch xây cảng dã chiến, Mỹ triển khai biện pháp dùng máy bay thả hàng viện trợ xuống Gaza. Nhưng quan chức nhân đạo Liên Hợp Quốc Sigrid Kaag nhận xét số hàng vận chuyển bằng đường không chỉ như “muối bỏ bể” không giúp cải thiện đáng kể tình hình.

Vào ngày 8.3, một kiện hàng được thả xuống trại tị nạn Al-Shati gặp sự cố dù giảm tốc không mở nên đâm vào nóc một căn nhà khiến 5 người thiệt mạng. Chưa rõ quốc gia nào thực hiện đợt thả hàng mới nhất.

Cộng đồng quốc tế khẳng định cách tốt nhất để cứu giúp hàng triệu người đang đói khát là chuyển hàng bằng đường bộ. Tuy nhiên các đoàn xe tải viện trợ gặp phải cản trở từ quân đội Israel, công tác kiểm tra mất rất nhiều thời gian và đôi lúc họ không cho xe vào Dải Gaza mà chẳng nói rõ lý do.

Cẩm Bình