Thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện thúc đẩy quan hệ thương mại Việt - Úc

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 21:32, 09/03/2024

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Úc đã đánh dấu một chương mới cho 50 năm tiếp theo bằng tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Thiết lập Đối tác chiến lược toàn diện thúc đẩy quan hệ thương mại Việt - Úc

Tuyết Nhung {Ngày xuất bản}

Sau hơn 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, Việt Nam và Úc đã đánh dấu một chương mới cho 50 năm tiếp theo bằng tuyên bố chung thiết lập quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.

Chuyến thăm chính thức Úc đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính được đánh giá là đã thành công mỹ mãn ngay từ ngày 7.3, ngày đầu tiên trong khuôn khổ chuyến thăm, khi nhà lãnh đạo Việt Nam cùng Thủ tướng Úc Anthony Albanese tuyên bố nâng cấp quan hệ.

2024_03_08_10_09_412_6e091.jpg
Bản ghi nhớ được ký kết nhằm xác định phạm vi hợp tác và các điều kiện khung để Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam và Austrade triển khai hoạt động hợp tác đúng theo pháp luật và quy định tại nước sở tại

Vừa qua, Cục Xúc tiến thương mại Việt Nam và Cơ quan Thương mại và Đầu tư Chính phủ Úc tại Việt Nam (Austrade) đã ký kết Bản ghi nhớ nhằm tăng cường hợp tác trong lĩnh vực xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư giữa Việt Nam - Úc.

Bản ghi nhớ về việc hợp tác triển khai các hoạt động xúc tiến xuất khẩu bao gồm những nội dung chính như: Tăng cường trao đổi thông tin, phối hợp triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại; tạo cơ hội, kết nối doanh nghiệp hai bên tìm hiểu thị trường, tìm kiếm đối tác thông qua các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến xuất khẩu. Bên cạnh đó, Bản ghi nhớ còn nhằm xác định phạm vi hợp tác và các điều kiện khung để Cục Xúc tiến thương mại và Cơ quan Thương mại và Đầu tư Úc triển khai hoạt động hợp tác đúng theo pháp luật và quy định tại nước sở tại.

Nội dung hợp tác trong Bản ghi nhớ bao gồm trao đổi thông tin thị trường; trao đổi các phái đoàn thương mại; tham gia hội chợ, triển lãm và các hoạt động xúc tiến thương mại; thúc đẩy công nghệ thông tin và chuyển đổi số; và nghiên cứu, xây dựng chương trình phát triển năng lực chung.

Sau 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Úc đang trên đà phát triển mạnh mẽ, thực chất và hiệu quả trên nhiều lĩnh vực. Các dự án ODA không hoàn lại của Úc cơ bản được thực hiện hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển của Việt Nam. Giai đoạn 2022 - 2023, Chính phủ Úc tăng thêm 18% viện trợ ODA cho Việt Nam từ 78,9 triệu lên 92,8 triệu đô la Úc.

Bên cạnh đó, kim ngạch thương mại hai chiều đã tăng trưởng mạnh. Năm 2022, quy mô thương mại giữa hai nước đã đạt 15,7 tỉ USD, tăng 26,9% so với năm 2021. Hợp tác đầu tư hai chiều đạt được kết quả tốt, Úc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 20 của Việt Nam với 593 dự án có tổng vốn đăng ký đạt hơn 1,99 tỉ USD. Đầu tư của Việt Nam sang Úc đạt trên 593 triệu USD với 90 dự án, đưa Úc trở thành quốc gia lớn thứ 11 trong số 79 quốc gia và vùng lãnh thổ Việt Nam đầu tư trực tiếp ra nước ngoài.

Trong bức tranh thương mại giữa Việt Nam và Úc, thủy sản là mặt hàng được kỳ vọng bứt phá mạnh nhất trong quan hệ giao thương giữa hai nước. Hai tháng đầu năm nay, Úc là một trong những thị trường mà thủy sản Việt Nam có mức tăng trưởng xuất khẩu cao, tăng 33% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là thị trường có dư địa tốt cho doanh nghiệp thủy sản Việt Nam nhờ hiệp định CPTPP, mối quan hệ hợp tác tốt và sự quan tâm tích cực của chính phủ 2 nước cho hoạt động thương mại, trong đó có giao thương thủy sản.

20240306165034061thuong-mai-thuy-san-viet-nam-uc-ky-vong-phat-tri-1600-1.jpeg

Riêng trong tháng 1.2024, xuất khẩu thủy sản sang Úc bứt phá mạnh mẽ với mức tăng gần 90% so với cùng kỳ, đã phản ánh được sức hút của thị trường này với doanh nghiệp Việt Nam cũng như sự hồi phục nhu cầu của thị trường với thủy sản Việt Nam.

Tôm, cá tra và một số loài cá biển là nhóm ngành hàng chủ lực xuất khẩu sang thị trường Úc. Trong đó, tôm chiếm trên 60% với kim ngạch trên 34 triệu USD trong 2 tháng đầu năm nay, tăng 20% so với cùng kỳ. Xuất khẩu cá tra sang Úc tăng gần 70% trong 2 tháng, đạt hơn 6 triệu USD, xuất khẩu các mặt hàng cá biển khác (trừ cá ngừ) tăng mạnh 72%.

Úc là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn thứ 5, chiếm 3,4% tỷ trọng xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Sau khi hiệp định CPTPP có hiệu lực, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang Úc tăng trưởng liên tục từ 197 triệu USD năm 2018 tới mức đỉnh 365 triệu USD năm 2022, sau đó giảm xuống 312 triệu USD năm 2023, trong bối cảnh sụt giảm chung của cả thế giới.

Tuy nhiên, xét về tỷ trọng và vị thế, đã có sự thay đổi đáng kể trong thương mại thủy sản giữa Việt Nam và Úc: từ vị trí thị trường thứ 9 với tỷ trọng 2,2% đã vượt lên vị trí thứ 5 và tỷ trọng lên 3,4%.

Úc là một thị trường tiêu thụ thủy sản tiềm năng với hơn 65% tiêu thụ thủy sản trong nước là từ nguồn nhập khẩu. Thị trường này nhập khẩu thủy sản từ hơn 95 nước trên thế giới. Trong đó, Việt Nam là nguồn cung cấp thủy sản hàng đầu tại Úc, chiếm trên 22% tổng kim ngạch nhập khẩu thủy sản của thị trường này.

Ngoài ra, Úc cũng là đối tác cung cấp thủy sản cho doanh nghiệp Việt Nam, với sản phẩm chủ đạo là tôm hùm đá với khối lượng nhập khẩu khoảng 40.000 tấn/năm.

Trên cơ sở quan hệ hợp tác hơn 50 năm qua, nhất là khi quan hệ Đối tác chiến lược Việt Nam - Úc đã đạt được những thành tựu quan trọng về mọi mặt, kỳ vọng thương mại thủy sản giữa 2 nước sẽ phát triển mạnh mẽ hơn, đặc biệt sau chuyến thăm của Thủ tướng Phạm Minh Chính tới Úc với mong muốn nâng cấp quan hệ song phương trong các lĩnh vực, trong đó có thương mại.

Tuyết Nhung