Viện trợ Gaza bằng đường không hại nhiều hơn lợi
Quốc tế - Ngày đăng : 11:08, 10/03/2024
Viện trợ Gaza bằng đường không hại nhiều hơn lợi
Đài CNN chỉ ra nhược điểm của viện trợ bằng đường không vượt xa lợi ích, nhưng trong bối cảnh viện trợ bằng đường bộ gặp khó khăn thì Mỹ và các nước không thể không dùng đến cách này.
Cuối tuần trước, Mỹ bắt đầu tiến hành dùng máy bay thả hàng viện trợ xuống Dải Gaza. Trước đó một số nước như Jordan và Pháp cũng triển khai biện pháp tương tự.
Trong bối cảnh viện trợ bằng đường bộ gặp khó khăn, viện trợ bằng đường không đem lại chút ít hy vọng. Tuy nhiên, Liên Hợp Quốc cùng các tổ chức khác tỏ ý nghi ngờ hiệu quả của cách này và rủi ro khi thả hàng từ trên cao vừa được thể hiện rõ qua vụ dù giảm tốc không mở khiến một kiện hàng rơi thẳng vào nóc một căn nhà khiến 5 người thiệt mạng ngày 8.3.
Viện trợ bằng đường không
Liên Hợp Quốc thực hiện lần viện trợ bằng đường không đầu tiên vào tháng 8.1973. Kể từ đó rất nhiều tổ chức viện trợ và quốc gia dùng cách này để cung cấp thực phẩm, thuốc men cho dân thường sống trong khu vực xung đột.
Hàng được bọc kỹ bằng 6 lớp bao bì bảo vệ rồi khâu lại với nhau. Các tổ chức dùng màu sắc biểu thị thành phần hàng. Chương trình Lương thực thế giới (WFP) sử dụng màu trắng cho ngũ cốc, màu đỏ cho đậu, xanh lam hoặc xanh lá cây cho thực phẩm dinh dưỡng chuyên biệt. Máy bay sẽ thả chúng từ độ cao 300 - 5.600 mét.
Hoạt động thả hàng xuống Dải Gaza không phải là lần đầu Mỹ viện trợ bằng đường không ở khu vực xung đột. Năm 2001 họ từng thả thực phẩm xuống Afghanistan kèm tờ rơi hướng dẫn phân biệt giữa hàng viện trợ với bom chùm. Năm 2014 khi cuộc chiến chống IS đang diễn ra ác liệt, Washington một lần nữa sử dụng máy bay chuyển viện trợ vào nơi nguồn cung lương thực và nước uống bị cắt.
Tính hiệu quả
Viện trợ bằng đường không né tránh được trạm kiểm soát trên bộ nên rút ngắn thời gian chuyển hàng. Nhưng nhược điểm của cách này vượt xa lợi ích.
Trước hết là chi phí cao, WFP cho biết viện trợ bằng đường không tốn kém gấp 7 lần viện trợ bằng đường bộ. Thứ hai là năng lực giao hàng hạn chế, xe tải vận chuyển được số hàng gấp gần 10 lần máy bay (thường chỉ khoảng 20 - 30 tấn).
Theo giám đốc tổ chức International Crisis Group Richard Gowan, lực lượng nhân viên viện trợ đánh giá thả hàng từ trên cao gây ấn tượng về hình thức nhưng lại là biện pháp tệ hại.
Báo cáo viên Liên Hợp Quốc Michael Fakrhi cũng chỉ ra viện trợ bằng đường không thường dẫn đến hỗn loạn: “Bạn đưa hàng viện trợ đến tay người dân đói khát và bị ngăn tiếp cận nhân đạo nên hỗn loạn chắc chắn xảy ra. Chúng ta không thể đổ lỗi người dân được”.
Đầu tuần qua Nhà Trắng thừa nhận viện trợ bằng đường không không phải biện pháp lý tưởng. Phát ngôn viên John Kirby còn nói các kiện hàng được thả thể hiện rõ tình hình đang tuyệt vọng đến mức phải dùng đến cách này.
Giám đốc tổ chức phi chính phủ Medical Aid for Palestinians (MAP) Mahmoud Shalabi thì cho biết một số thực phẩm viện trợ cần lò vi sống làm chín, trong khi ngay cả điện cư dân Gaza cũng không có. Số hàng chỉ đủ 2 - 3 bữa ăn.
Nhà báo Abdel Qader Al Sabbah thường trú miền Bắc Dải Gaza nói rằng loại thực phẩm viện trợ không phù hợp. Ông kêu gọi gửi bột mì, gạo, dầu, muối, đậu và hạt để cư dân Gaza chia nhỏ cho nhiều bữa ăn.
Không còn cách nào khác
Các đoàn xe tải viện trợ gặp phải cản trở từ quân đội Israel, công tác kiểm tra mất rất nhiều thời gian và đôi lúc họ không cho xe vào Dải Gaza mà chẳng nói rõ lý do.
Theo Tổ chức Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine, từ ngày 10.10.2023 đến ngày 1.2.2024, số xe viện trợ trung bình mỗi ngày giảm từ 500 xuống 95. Tình hình hiện tại buộc phải dùng đến biện pháp viện trợ bằng đường không - cách mà báo cáo viên Fakrhi mô tả là “phương án cuối cùng”.
Khi khủng hoảng nhân đạo ngày càng trầm trọng, các tổ chức không ngừng kêu gọi Mỹ gia tăng áp lực buộc Israel cho nhiều xe viện trợ vào Dải Gaza hơn.
“Vấn đề không nằm ở hậu cần mà ở chính trị. Thay vì trông cậy quân đội Mỹ tiến hành biện pháp viện trợ khác, Mỹ nên tập trung tăng vận chuyển qua loạt tuyến đường bộ hiện tại”, theo giám đốc tổ chức Médecins Sans Frontières (MSF) Avril Benoit.