TP.HCM: Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đặc rác, lục bình, ô nhiễm nặng
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 14:28, 10/03/2024
TP.HCM: Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè đặc rác, lục bình, ô nhiễm nặng
Những ngày gần đây, dọc tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè từ quận Tân Bình đến quận 3 rác thải, lục bình dày đặc, phủ kín trên đoạn dài.
Rác thải xuất hiện nhiều tại khu vực chân cầu số 1 và số 2 (quận Tân Bình). Ngoài lục bình, các loại rác như thùng xốp, bao nylon, chai nhựa, nệm, tivi hỏng, đồ điện tử cũ (rác cồng kềnh), xác chết động vật, cá chết… bốc mùi hôi thối dồn lại thành từng mảng lớn trôi dọc tuyến kênh.
Người của đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc (Công ty TNHH một thành viên Môi trường đô thị TP.HCM) cho biết do đơn vị chưa ký biên bản đấu thầu hợp đồng mới với Trung tâm Quản lý đường thủy TP.HCM, nên từ giữa tháng 2 đến nay rác không được xử lý.
Theo đại diện đội, hợp đồng cũ đã hết hạn từ ngày 31.12.2023, sau đó đội vẫn làm thêm một thời gian trước khi buộc phải ngừng do không có kinh phí.
Thông thường, đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc phải vớt hơn 10 tấn rác mỗi ngày để ngăn ô nhiễm dòng kênh. Lượng rác tồn đọng ở kênh đến nay ước đã hơn 100 tấn. Nếu có hợp đồng mới, đội vớt rác kênh Nhiêu Lộc phải mất khoảng nửa tháng để xử lý.
"Trung tâm đã trình phương án, hiện Sở Tài nguyên - Môi trường đang có ý kiến. Khi có ý kiến từ sở, chúng tôi sẽ thực hiện các bước tiếp theo để sớm có đơn vị vớt rác mỗi ngày trên tuyến kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè", ông cho biết.
Kênh Nhiêu Lộc-Thị Nghè dài gần 10km chảy qua các quận 1, 3, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, đổ ra sông Sài Gòn. Sau khi hoàn thành cải tạo hơn 10 năm trước, đây được xem là dòng kênh đẹp nhất nội đô TP.HCM.
Theo Sở Tài nguyên - Môi trường, trong thành phần rác thải trôi nổi trên kênh, rạch có tới 70% là rác thải sinh hoạt, mút xốp, nylon, thậm chí có cả bàn ghế sofa, xác động vật, phần còn lại là rong cỏ, lục bình. Toàn bộ lượng rác trên đều được đưa về khu xử lý rác Đa Phước, huyện Bình Chánh để chôn lấp.
TP.HCM hiện có khoảng 170 kênh rạch với gần 700km bị lục bình, cỏ dại phát triển ngăn cản dòng chảy, gia tăng ô nhiễm khu vực nội thành và tăng nguy cơ phát sinh dịch bệnh. Ngoài số lục bình tại chỗ, số khác theo dòng nước di chuyển từ đầu nguồn thuộc các tỉnh lân cận đã khiến sông rạch Sài Gòn ngập tràn lục bình.
Theo Sở Tài chính, mỗi năm ngân sách thành phố bố trí khoảng 1.132 tỉ đồng cho công tác duy tu hệ thống thoát nước và 2.848 tỉ đồng cho thu gom rác...
Trước đó, UBND TP.HCM đã có văn bản giao UBND quận, huyện và TP.Thủ Đức tập trung lãnh đạo, chỉ đạo tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác triển khai thực hiện Quyết định số 3709 về ban hành kế hoạch triển khai thực hiện cuộc vận động “Người dân TP.HCM không xả rác ra đường và kênh rạch, vì thành phố sạch, xanh và thân thiện môi trường” giai đoạn năm 2022-2025.
Theo đó, UBND TP yêu cầu UBND các quận, huyện và TP.Thủ Đức chủ động phối hợp với Sở GTVT, Sở Xây dựng rà soát, dự báo lượng chất thải phát sinh tại các khu vực công cộng để kịp thời điều chỉnh, xây dựng dự toán kinh phí thu gom, vận chuyển lượng chất thải phát sinh tại các khu vực.
Đồng thời, các địa phương được giao nhiệm vụ kiểm tra, giám sát khối lượng chất thải phát sinh tại nguồn và chất lượng dịch vụ của các đơn vị đang thực hiện thu gom, vận chuyển trên địa bàn để đảm bảo toàn bộ chất thải phát sinh được thu gom, vận chuyển đến nơi xử lý theo quy định nhằm tránh nguy cơ ùn ứ, gây ô nhiễm môi trường tại các điểm hẹn, trạm trung chuyển và các nơi công cộng trên địa bàn.
Các cơ quan đơn vị tăng cường rà soát, quản lý chặt các chủ nguồn thải nhỏ lẻ, hộ gia đình, đảm bảo tất cả các chủ nguồn thải nêu trên tham gia ký hợp đồng thu gom rác thải đầy đủ với các đơn vị cung ứng dịch vụ thu gom rác tại nguồn nhằm tránh hiện tượng vứt rác bừa bãi ra môi trường.
UBND TP.HCM cho rằng, bên cạnh công tác tuyên truyền, cần đẩy mạnh biện pháp xử phạt hành chính (thông qua việc trích xuất hình ảnh từ các camera trên địa bàn) để tăng tính răn đe.
Các địa phương cần chủ động phối hợp với các sở ngành liên quan để đề xuất phương án bố trí, sử dụng nguồn kinh phí thu được từ việc xử phạt vi phạm hành chính về bảo vệ môi trường để chi bồi dưỡng phụ cấp cho các lực lượng tại địa phương tham gia ngăn chặn các hành vi xả rác, đổ trộm chất thải trái phép…