Sầu riêng Việt Nam lên ngôi
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:00, 11/03/2024
Sầu riêng Việt Nam lên ngôi
Theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sau Tết Nguyên đán sầu riêng trái vụ của Việt Nam đang "một mình một chợ" tại thị trường Trung Quốc. Trong khi đó, nguồn cung sầu riêng có số lượng hạn chế nên giá được dự báo tiếp tục tăng.
Cục Bảo vệ thực vật, Bộ NN-PTNT cho biết, vào đầu năm 2023, diện tích sầu riêng ở các tỉnh Nam Bộ là 47.208ha; đến đầu năm 2024 đã là 62.173ha, tăng gần 15.000ha. Các tỉnh duyên hải Nam Trung Bộ và Tây Nguyên hiện có 57.101ha sầu riêng.
Tiến sĩ Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Chợ Lách cho biết, hiện nay ở Nam Bộ diện tích đất trồng sầu riêng phát triển nhanh do nhu cầu từ thị trường Trung Quốc. Hiện nay, kỹ thuật cho sầu riêng ra hoa nghịch vụ đang được người dân áp dụng rộng rãi để nâng cao giá trị trái cây thương phẩm. Tuy nhiên, để sầu riêng trái vụ đạt được kết quả cao, người trồng phải nắm vững những tiêu chuẩn kỹ thuật, tuổi cây, vùng trồng... và các bước tiến hành phải đảm bảo đúng.
Ông Dương Văn Đây, nông dân trồng sầu ở xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy, Tiền Giang cho biết: “Gia đình tôi trồng 2,7ha sầu riêng. Do trồng cây không đồng bộ và dùng 3 giống sầu riêng khác nhau nên thu hoạch nhiều đợt trong năm. Tính ra doanh thu trung bình từ 1ha sầu riêng khoảng 1 tỉ đồng/năm. Nếu vườn sầu riêng của tôi được trồng cùng lúc với giống Monthong, Ri6 và cho ra hoa nghịch vụ thì thu nhập có thể tăng lên gấp 2 lần. Sầu riêng Monthong, Ri6 loại 1 hiện nay có giá từ 160.000 - 200.000 đồng/kg. Hiện nay, sầu riêng là loại cây trồng cho thu nhập rất hấp dẫn, nhưng không biết kéo dài được bao lâu. Ở ĐBSCL, do thời tiết, khí hậu và nước ngọt quanh năm nên trồng sầu riêng cũng thuận lợi hơn các nước khác do thu hoạch trái vụ được”.
Hiện nay do trái cây đang vào vụ nghịch nên các nước như Thái Lan, Indonesia, Philippines… không có hàng đi Trung Quốc. Vì vậy giá sầu riêng nghịch vụ ở các điểm thu mua tại Tiền Giang đang ở mức cao. Sầu riêng Monthong (loại 1) có giá khoảng 200.000 đồng/kg, sầu riêng Ri6 giá gần 160.000 đồng/kg; đây là mức giá cao nhất trong thời gian qua. Với mức giá này, nếu vườn sầu riêng cho năng suất, chất lượng cao thì nhà vườn có thu nhập khoảng 2 tỉ đồng/ha.
Theo số liệu của Hải quan Trung Quốc, năm 2023 nước này nhập khẩu sầu riêng từ Việt Nam tăng 1.107% về lượng và tăng 1.035,8% về trị giá so với năm 2022. Việt Nam có 708 mã số vùng trồng và 168 mã số cơ sở đóng gói sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.
Hiện có 23 địa phương ở Việt Nam được phía Trung Quốc cấp mã số vùng trồng sầu riêng đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch vào quốc gia này. Trong đó, tỉnh Tiền Giang có số lượng mã số vùng trồng được cấp phép nhiều nhất với 155 mã số, tiếp theo là Lâm Đồng 96 mã, Đắk Lắk 68 mã và Bình Phước có 65 mã số vùng trồng.
Dự báo nhu cầu thị trường sầu riêng của Trung Quốc có thể đạt 20 tỉ USD và cả thế giới là 28,6 tỉ USD vào năm 2025. Đây được coi là cơ hội lớn cho sầu riêng Việt Nam nếu phát triển theo hướng bền vững trong thời gian tới. Để mở rộng thị trường xuất khẩu sầu riêng, bên cạnh việc mở rộng diện tích thì các nhà vườn, doanh nghiệp cần tập trung nâng cao chất lượng cũng như các khâu bảo quản, sơ chế, chế biến để gia tăng giá trị của loại trái cây này.
GS-TS Trần Văn Hâu, nguyên Trưởng khoa Nông nghiệp của Trường đại học Cần Thơ cho rằng: “Hiện nay trái sầu riêng đang lên ngôi do thị trường Trung Quốc cần hàng với số lượng lớn. Theo tôi, nông dân không nên chạy theo phong trào nhân rộng diện tích cây trồng này mà phải quan tâm, đầu tư về kỹ thuật trồng để bảo đảm chất lượng. Quan trọng, nông dân nên đầu tư làm sầu riêng trái vụ để phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu. Thời vụ thu hoạch của Việt Nam là từ tháng 4 đến tháng 10 nhưng nông dân vùng ĐBSCL làm nghịch vụ và thu hoạch từ tháng 11 đến tháng 3. Đây là thời điểm vàng trong xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc”.
Theo TS Bùi Thanh Liêm, trái sầu riêng Việt Nam đang có ưu thế lớn ở thị trường Trung Quốc, vì vậy việc cho sầu riêng thu hoạch trái vụ, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm và nâng cao chất lượng trái sầu riêng là việc làm rất cần thiết.
Bên cạnh thông tin phấn khởi về thị trường này, TS Bùi Thanh Liêm cũng khuyến cáo việc ào ạt đốn các loại cây trồng khác để trồng sầu riêng cũng cần xem xét đến những khía cạnh rủi ro như: rào cản kỹ thuật trong xuất khẩu, thiên tai dịch bệnh ở những nước nhập sầu riêng với số lượng lớn... Khi đó, những người trồng cây sầu riêng theo “thời sự” có thể sẽ gặp nhiều khó khăn, nhất là những vườn sầu riêng mới trồng và nhà vườn không có thu nhập gì ngoài diện tích cây trồng hiện có. Ngoài ra, việc một số vùng phá rừng để trồng sầu riêng cũng ảnh hưởng đến hệ sinh thái… Đó là những việc mà chúng ta cần tỉnh táo trước cơn sốt của thị trường sầu riêng xuất khẩu.