Nguyên nhân nào khiến giá thịt gà rẻ hơn rau, người nuôi lỗ nặng?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 08:15, 17/10/2019
Giá gà giảm kỷ lục
Từ đầu năm đến nay, người chăn nuôi gà lông trắng ở khu vực Đông Nam Bộ gặp nhiều khó khăn do giá gà đột ngột giảm sâu đến mức đáng báo động. Hiện tại, giá gà lông trắng dù đã nhích lên nhưng cũng chỉ đạt 16.000 - 17.000 đồng/kg, sau khi chạm đáy 12.000 - 13.000 đồng/kg. Với mức giá này người chăn nuôi lỗ nặng, do giá thành sản xuất của 1kg gà lông trắng khoảng 25.000 đồng.
Theo Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ, nguyên nhân khiến giá gà giảm sâu là do khi dịch tả heo châu Phi lan rộng, nhiều hộ chăn nuôi heo ở khu vực này dự báo người tiêu dùng sẽ không ăn thịt heo, vì vậy đã chuyển sang chăn nuôi gà công nghiệp ồ ạt, làm tăng đàn tự phát, thiếu kiểm soát.
Việc phát triển “nóng” ngành chăn nuôi gà tại khu vực này đã gây sức ép cho các hộ, các cơ sở chăn nuôi bán giảm giá để cắt lỗ, thu hồi vốn. Có thời điểm mỗi tuần, khu vực này cho xuất chuồng đến 2,5 triệu con gà. Đây là những nguyên nhân chính đẩy giá gà công nghiệp giảm sâu thời gian gần đây.
Tính trong 8 tháng năm 2019, tổng đàn gia cầm của cả nước đã tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm 2018. Đối với tỉnh Đồng Nai – thủ phủ chăn nuôi của cả nước, khi dịch bệnh tả heo châu Phi lan rộng, nhiều cơ sở chăn nuôi heo ở tỉnh này và cả khu vực Đông Nam Bộ đã chuyển sang chăn nuôi gà.
Tính đến giữa tháng 9, tổng đàn gà của Đồng Nai đạt 24,8 triệu con, tăng 16,8% so với tháng 4.2019. Việc này đã khiến giá thịt gà công nghiệp (lông trắng, lông màu) tại các tỉnh thuộc khu vực Đông Nam Bộ đã giảm 35 - 40% so với cùng kỳ 2018.
Gà siêu rẻ vẫn nhập khẩu ồ ạt
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan, trong 8 tháng năm 2019, nhập khẩu thịt gà các loại đạt 195.000 tấn, trị giá 166,6 triệu USD, tăng 51,4% về lượng và tăng 48 % về trị giá so với cùng kỳ năm 2018. Việt Nam nhập khẩu thịt gà các loại từ các nước như Hoa Kỳ, chiếm 61,8% tổng lượng nhập khẩu; tiếp theo là Brazil chiếm 13,1% và Hàn Quốc chiếm 12,3%.
Thịt gà nhập khẩu tập trung vào hai loại là thịt gà đông lạnh nguyên con và thịt gà đông lạnh đã chặt, chiếm 98% tổng kim ngạch nhập khẩu thịt gà. Trong đó, đùi gà chiếm tỷ trọng nhập khẩu lớn nhất (71,5%); tiếp theo là chân gà (8,7%), gà nguyên con (8,2%), cánh gà (5,8%), các bộ phận khác (5,8%).
Giá nhập khẩu bình quân mặt hàng này trong 8 tháng đầu năm là 850 USD/tấn, tương đương 19.500 - 20.000 đồng/kg (chưa tính thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng, bảo quản kho lạnh...) và có xu hướng tăng khá mạnh từ tháng 6.2019 đến nay.
Trước việc nhập khẩu ồ ạt này, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, theo dõi số liệu thống kê trong các tháng đầu năm 2019 so với năm 2018, có thể thấy lượng nhập khẩu thịt gà tăng trong giai đoạn từ tháng 4 đến tháng 6.2019 nhưng đã giảm dần từ tháng 6 đến nay. Ngược lại, giá thịt gà nhập khẩu trong giai đoạn tháng 8 đến đầu tháng 9.2019 luôn cao hơn giá thịt gà công nghiệp sản xuất trong nước tại khu vực Đông Nam Bộ.
Mặt khác, nhu cầu tiêu thụ trong nước đối với thịt gà vẫn không tăng dù có dịch tả heo châu Phi. Nguyên nhân là do việc chuyển đổi thói quen sử dụng từ thịt heo sang thịt gà vẫn khá hạn chế. Còn việc nhập khẩu thịt gà chủ yếu để thực hiện các hợp đồng cung ứng phục vụ các ngành chế biến thực phẩm và bếp ăn công nghiệp.
Do vậy, việc nhập khẩu thịt gà không phải là nguyên nhân chủ yếu tác động tiêu cực đến ngành chăn nuôi trong nước, gây giảm giá gà công nghiệp tại một số tỉnh, thành phố thuộc khu vực Đông Nam Bộ trong thời gian qua.
Từ nay đến cuối năm, Cục Xuất nhập khẩu dự báo giá thịt gà công nghiệp vẫn duy trì ở mức thấp, đặc biệt là tại khu vực Đông Nam Bộ do nguồn cung ứng trong nước vẫn dồi dào. Trước tình hình này, Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo các hộ, các cơ sở chăn nuôi cần cân nhắc việc tăng đàn, tránh tự phát, ồ ạt. Các địa phương chăn nuôi gà trọng điểm tăng cường hướng dẫn, tuyên truyền đến các hộ, các cơ sở chăn nuôi trên địa bàn nhằm kiểm soát tình hình chăn nuôi, đáp ứng đúng quy hoạch, tránh dẫn đến nguồn cung quá lớn, làm giảm giá bán.
Ngoài ra, Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn tiếp tục theo dõi sát tình hình chăn nuôi gia cầm, gia súc các loại, tái cơ cấu ngành chăn nuôi với mô hình tập trung và hiện đại, đảm bảo sản xuất theo đúng quy hoạch, tránh tình trạng dư thừa, thiếu hụt nguồn cung cục bộ, ảnh hưởng tiêu cực đến giá trong nước. Đồng thời, cơ quan này cần tiếp tục đàm phán với cơ quan hữu quan các nước để mở cửa thị trường cho các sản phẩm chăn nuôi của Việt Nam.
Phan Diệu