Bài học kinh doanh đau đớn của Apple và Tesla ở Trung Quốc
Thế giới số - Ngày đăng : 23:10, 11/03/2024
Bài học kinh doanh đau đớn của Apple và Tesla ở Trung Quốc
Đã từng có thời các giám đốc điều hành Mỹ coi Trung Quốc là vùng đất đầy cơ hội. Thời kỳ đó có thể đã qua đi.
Sau nhiều năm tăng trưởng thần tốc, một số tập đoàn công nghệ hùng mạnh nhất Mỹ đã bắt đầu trượt dốc nhanh chóng tại Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, trong bối cảnh thực tế mới của việc kinh doanh tại đây.
Trung Quốc ủng hộ chủ nghĩa dân tộc cực kỳ mạnh mẽ. Như một phản ứng, cảm tình với doanh nghiệp phương Tây đã suy giảm. Điều này đặc biệt đúng khi các công ty trong nước nổi lên như những lựa chọn thay thế khả thi. Tất cả điều đó đã tạo ra cuộc đua khốc liệt để chiếm lĩnh thị trường và người tiêu dùng ở Trung Quốc.
Không có gì ngạc nhiên khi các công ty Mỹ từng coi Trung Quốc là vùng đất đầy cơ hội nhưng nay phải nhận bài học đau đớn về việc kinh doanh ở đây.
Cuộc chiến giành ưu thế về công nghệ
Bạn chỉ cần nhìn xa hơn vào lĩnh vực công nghệ để biết các công ty Mỹ đang gặp khó khăn như thế nào ở Trung Quốc.
Apple đang gặp trở ngại trong việc đưa những chiếc iPhone 15 vào túi người tiêu dùng Trung Quốc, với dữ liệu từ công ty nghiên cứu Counterpoint Research cho thấy doanh số iPhone tại quốc gia châu Á này đã giảm mạnh 24% trong 6 tuần đầu năm 2024.
Trong khi đó, Tesla phải chịu sự sụt giảm lớn về lượng ô tô điện giao cho khách hàng từ nhà máy lớn ở thành phố Thượng Hải vào tháng 2 (chỉ có 60.365 chiếc), trang Bloomberg đưa tin. Con số này thấp hơn 16% so với tháng 1 và thấp hơn 19% so với cùng kỳ năm ngoái, theo dữ liệu từ Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc.
Điều này có thể không gây ra sự hoảng loạn ngay lập tức. Doanh thu ròng của Apple tại Trung Quốc đại lục đã giảm 13% trong ba tháng cuối năm 2023 so với cùng kỳ 2022, nhưng hãng vẫn tạo ra doanh thu 20,8 tỉ USD. Tesla không phải là công ty ô tô điện duy nhất vướng vào tình trạng doanh số bán hàng sụt giảm.
Thế nhưng, điều đó báo hiệu sự trượt dốc thực sự với hai trong những công ty lớn nhất Mỹ ở Trung Quốc. Vậy chuyện gì đang xảy ra?
Nỗi lo về doanh số iPhone và ô tô điện Tesla
Trong trường hợp của Apple, Gene Munster (thành viên quản lý tại hãng Deepwater Asset Management) nói với trang Insider rằng sự sụt giảm doanh số iPhone có liên quan đến việc “các sản phẩm Mỹ không còn được ưa chuộng ở Trung Quốc”.
Đây là điều chắc chắn đã xảy ra. Năm ngoái, chính phủ Trung Quốc đã cấm các quan chức sử dụng iPhone và nhiều cơ quan nhà nước cũng đưa ra yêu cầu tương tự với nhân viên. Việc đó khiến việc sở hữu smartphone Apple trở nên kém hấp dẫn hơn. Các nhà đầu tư phản ứng bằng cách xóa sổ 200 tỉ USD khỏi vốn hóa thị trường của Apple.
Lệnh cấm nêu trên trùng với thời điểm Huawei ra mắt Mate 60 Pro, smartphone 5G sở hữu chip tiên tiến Kirin 9000s do SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc) sản xuất trong nước theo tiến trình 7 nanomet, bất chấp lệnh cấm xuất khẩu ngăn Huawei có được các linh kiện hàng đầu của Mỹ.
Nghiên cứu của Counterpoint Research cho thấy doanh số smartphone Huawei ở Trung Quốc tăng 64% trong 6 tuần đầu năm 2024, cùng khoảng thời gian doanh số iPhone giảm 24%.
Apple phải vật lộn để tái tạo thành công cho iPhone thường thấy ở Trung Quốc, một phần là do tình trạng bất ổn trên thị trường rộng lớn hơn. Để kích thích nhu cầu, Apple đã triển khai các đợt giảm giá hiếm hoi trên cửa hàng trực tuyến của mình vào tháng 1 và các đại lý trực tuyến đang giảm giá mạnh dòng iPhone 15.
Gene Munster nói: “Cả Mỹ và Trung Quốc đều đang trở nên tự chủ hơn. Điều này tạo điều kiện thuận lợi cho các thương hiệu trong nước. Với trí tuệ nhân tạo (AI), xu hướng này có khả năng gia tăng”.
Với trường hợp Tesla, sự suy giảm toàn cầu của thị trường ô tô điện, hình thành vào năm ngoái, có thể được cảm nhận rõ ràng nhất vào tháng 2, khi doanh số bán hàng chậm hơn trong dịp lễ Tết Nguyên đán.
Song nhìn rộng hơn, sự trượt dốc của Apple lẫn Tesla là dấu hiệu cho thấy cuộc chiến giữa Trung Quốc với Mỹ để giành quyền thống trị công nghệ ngày càng căng thẳng hơn.
Trong nhiều năm, các công ty Trung Quốc đã áp dụng chiến lược sao chép khi cố gắng xây dựng các thiết bị điện tử tiêu dùng, ô tô điện và các ngành công nghiệp khác ngay từ đầu. Điều đó có nghĩa là cố gắng sao chép những gì các đối tác phương Tây của họ đã làm, thường ở mức tiêu chuẩn thấp hơn.
Thế nhưng, chuyện này không còn đúng nữa. Như Huawei đã cho thấy, với Mate 60 Pro, người tiêu dùng Trung Quốc hiện có chiếc smartphone nội địa mang lại trải nghiệm tương tự iPhone.
Trong khi đó, các nhà sản xuất ô tô điện địa phương, chẳng hạn BYD, đang tận hưởng thành công khi cố gắng thu hút người tiêu dùng bằng những chiếc xe rẻ hơn nhiều so với Tesla.
Theo trang CarNewsChina, BYD báo cáo doanh số ô tô điện tăng 43% vào tháng 1 dù mất vị trí dẫn đầu thị trường vào tay Volkswagen. Reuters đưa tin BYD đã giảm giá các mẫu ô tô điện bán chạy nhất của mình trung bình đến 17%.
Eric Han, quản lý cấp cao của công ty tư vấn Suolei ở Thượng Hải, nói: “Cạnh tranh về giá đã gia tăng áp lực lên Tesla và các công ty hàng đầu khác trong một thị trường khốc liệt. Doanh số bán hàng mờ nhạt trong hai tháng đầu năm 2024 cho thấy ngay cả những công ty dẫn đầu thị trường như Tesla cũng phải đưa ra các chương trình giảm giá để duy trì mức tăng trưởng doanh số”.
Hôm 6.3, BYD đã tung ra phiên bản cơ bản của mẫu ô tô điện Seagull được tân trang với giá 69.800 nhân dân tệ (9.707 USD), thấp hơn 5,4% so với mẫu trước đó.
Trước đó, Tesla thông báo rằng sẽ trợ cấp 8.000 nhân dân tệ cho những người mua xe và mua bảo hiểm từ đối tác của hãng. Việc trợ cấp này có hiệu lực đến hết tháng 3.
Cuộc chiến giành quyền thống trị công nghệ dự kiến sẽ nhận được sự thúc đẩy lớn từ chính phủ Trung Quốc.
Khi Thủ tướng Trung Quốc – Lý Cường hôm 5.3 tuyên bố mục tiêu tăng trưởng GDP hàng năm của nước này là 5% trong 2024 tại Đại hội Đại biểu Nhân dân Toàn quốc, người ta đã thấy rõ công nghệ quan trọng như thế nào để giúp đạt được điều đó.
Theo trang Insider, chính phủ Trung Quốc dự kiến sẽ đóng vai trò tích cực hơn trong việc thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực công nghệ trong nước và cố gắng đẩy lùi bất kỳ thực thể nước ngoài nào cản đường họ.
Tờ Wall Street Journal đưa tin một chỉ thị có tên Document 79 đang được ban hành nhằm đẩy lùi các công ty phương Tây. Nó yêu cầu các công ty nhà nước trong nhiều lĩnh vực như tài chính và năng lượng “thay thế phần mềm nước ngoài trong hệ thống CNTT của họ vào năm 2027”.
Cách các công ty phương Tây phản ứng có thể sẽ được theo dõi chặt chẽ, vì Trung Quốc vẫn là thị trường quá giá trị để có thể bỏ qua. Điều đó đã được thể hiện rõ ràng khi Suzanne Clark, người đứng đầu Phòng Thương mại Mỹ, tới Trung Quốc vào cuối tháng 2 để giúp bình thường hóa quan hệ kinh doanh. Tuy nhiên, việc "bình thường hóa" từ đây trở đi sẽ có chút khác biệt.