Nắng nóng gay gắt, TP.HCM khuyến cáo người dân cách phòng chống, xử lý ngộ độc thực phẩm

Thông tin Y học - Ngày đăng : 17:49, 12/03/2024

Khu vực phía Nam và TP.HCM đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm khiến người dân có nguy cơ cao bị ngộ độc.
Thông tin Y học

Nắng nóng gay gắt, TP.HCM khuyến cáo người dân cách phòng chống, xử lý ngộ độc thực phẩm

Hồ Quang {Ngày xuất bản}

Khu vực phía Nam và TP.HCM đang bước vào đợt nắng nóng gay gắt, không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe mà còn ảnh hưởng đến an toàn thực phẩm khiến người dân có nguy cơ cao bị ngộ độc.

Theo Sở An toàn thực phẩm TP.HCM, vào mùa hè, thời tiết nắng nóng kéo dài là môi trường thuận lợi để vi khuẩn sinh sôi, phát triển dẫn đến thực phẩm mất an toàn vệ sinh và có thể gây ra ngộ độc thực phẩm.

nang-nong-gay-gat-tphcm-ra-khuyen-cao-nguoi-dan-cach-phong-chong-xu-lyngo-doc-thuc-pham-hinh-anh.png
Bảo quản thực phẩm trong mùa nắng nóng - Ảnh: PV

Do đó, việc đảm bảo an toàn thực phẩm là điều hết sức cần thiết đối với các cơ sở chế biến và kinh doanh. Bên cạnh đó, người tiêu dùng cần có thói quen sử dụng thực phẩm an toàn để đảm bảo sức khỏe trong mùa nắng nóng.

Đặc trưng thời tiết của mùa nắng nóng là nhiệt độ cao cùng với độ ẩm cao. Môi trường này là điều kiện thuận lợi cho các loại vi khuẩn phát triển, dẫn tới ô nhiễm hoặc dễ làm cho thức ăn ôi thiu nếu không bảo quản cẩn thận.

Phân tích của các chuyên gia về an toàn thực phẩm cho thấy, nhiều người dân có thói quen xử lý thực phẩm, nấu ăn không đúng cách hoặc bảo quản chưa đúng, thức ăn để ở điều kiện nhiệt độ thông thường quá lâu.

Nắng nóng, nhiều người ngại nấu ăn nên hay mua các loại thức ăn đường phố không đảm bảo vệ sinh, thực phẩm bày bán không bảo quản đúng cũng gây ra ngộ độc thực phẩm.

Trước tình hình trên, ngày 12.3 Sở An toàn thực phẩm TP.HCM đã khuyến cáo các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải đảm bảo các điều kiện sau đây để phòng chống ngộ độc thực phẩm như: có địa điểm, diện tích thích hợp, có khoảng cách an toàn đối với nguồn gây độc hại, nguồn gây ô nhiễm và các yếu tố gây hại khác; có đủ nước đạt quy chuẩn kỹ thuật phục vụ sản xuất, kinh doanh thực phẩm; có đủ trang thiết bị phù hợp để xử lý nguyên liệu, chế biến, đóng gói, bảo quản và vận chuyển các loại thực phẩm khác nhau; có đủ trang thiết bị, dụng cụ, phương tiện rửa và khử trùng, nước sát trùng, thiết bị phòng, chống côn trùng và động vật gây hại; có hệ thống xử lý chất thải và được vận hành thường xuyên theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Ngoài ra, các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm phải duy trì điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và lưu giữ hồ sơ về nguồn gốc, xuất xứ nguyên liệu thực phẩm và các tài liệu khác về toàn bộ quá trình sản xuất, kinh doanh thực phẩm; tuân thủ quy định về sức khoẻ, kiến thức và thực hành của người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm; nơi bảo quản và phương tiện bảo quản phải có diện tích đủ rộng để bảo quản từng loại thực phẩm riêng biệt, theo dõi chặt chẽ điều kiện bảo quản và bảo đảm vệ sinh trong quá trình bảo quản.

Ngăn ngừa được ảnh hưởng của nhiệt độ, độ ẩm, côn trùng, động vật, bụi bẩn, mùi lạ và các tác động xấu của môi trường; đảm bảo đủ ánh sáng; có thiết bị chuyên dụng điều chỉnh nhiệt độ, độ ẩm và các điều kiện khí hậu khác, thiết bị thông gió và các điều kiện bảo quản đặc biệt khác theo yêu cầu của từng loại thực phẩm.

Đối với tổ chức, cá nhân vận chuyển thực phẩm thì phương tiện vận chuyển được chế tạo bằng vật liệu không làm ô nhiễm thực phẩm hoặc bao gói thực phẩm, dễ làm sạch; bảo đảm điều kiện bảo quản thực phẩm trong suốt quá trình vận chuyển theo hướng dẫn của tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh; không vận chuyển thực phẩm cùng hàng hoá độc hại hoặc có thể gây nhiễm chéo ảnh hưởng đến chất lượng thực phẩm.

Riêng người dân, Sở An toàn thực phẩm khuyến cáo cần chú ý thực hiện tốt 10 nguyên tắc vàng trong chế biến thực phẩm an toàn. Trong đó, người dân cần chọn thực phẩm tươi; rau, quả ăn sống phải được ngâm và rửa kỹ bằng nước sạch; quả nên rửa sạch gọt vỏ trước khi ăn.

Thức ăn cần nấu chín kỹ hoàn toàn, đảm bảo nhiệt độ bên trong khối thực phẩm phải đạt tới trên 70°C; ăn ngay sau khi vừa nấu xong, vì để lâu thức ăn càng dễ bị nhiễm vi khuẩn có hại cho sức khỏe.

Khi muốn giữ thức ăn quá 5 tiếng đồng hồ, người dân cần phải giữ nóng liên tục trên 60°C hoặc lạnh dưới 10°C; thức ăn cho trẻ nhỏ không nên dùng lại; các thức ăn chín dùng lại sau 5 tiếng, phải được đun kỹ lại; thức ăn đã được nấu chín có thể bị nhiễm mầm bệnh do tiếp xúc trực tiếp với thức ăn sống hoặc gián tiếp với các bề mặt bẩn.

Người chế biến thức ăn phải rửa tay sạch trước khi chế biến; giữ sạch các bề mặt chế biến thức ăn; che đậy thực phẩm để tránh côn trùng và các động vật khác; sử dụng nguồn nước sạch an toàn.

Trường hợp có xảy ra ngộ độc thực phẩm, Sở An toàn thực phẩm đề nghị tổ chức và cá nhân cần thực hiện sơ cứu bằng cách gây nôn nhằm hạn chế độc tố ngấm vào cơ thể, biện pháp sơ cứu đầu tiên nên làm là kích thích để người bị ngộ độc nôn những thức ăn trong dạ dày ra ngoài.

Tiến hành gây nôn cho người bệnh còn tỉnh, cần để người bệnh nằm nghiêng, kê hơi cao phần đầu để chất thải nôn ra không bị trào ngược vào phổi, không gây sặc cho người bệnh. Với người bệnh bị ngộ độc thực phẩm đã hôn mê thì không nên kích thích gây nôn vì sẽ dễ gây sặc, ngạt thở.

Sau khi người bệnh nôn và đi ngoài thì cơ thể sẽ bị mất nước. Chính vì vậy cần tiến hành bù nước cho người bệnh bằng cách cho uống nhiều nước lọc, nước oresol để bù nước cho người bệnh.

Sau khi tiến hành sơ cứu ban đầu nhưng bệnh nhân vẫn có thể gặp nguy hiểm bất cứ lúc nào. Vậy nên cần đưa bệnh nhân đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu 115.

Giữ và bảo quản lạnh thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc thực phẩm để gửi mẫu kiểm nghiệm tìm nguyên nhân; không sử dụng thực phẩm nghi ngờ gây ngộ độc và cảnh báo những người thân xung quanh.

Nếu trong trường hợp có nhiều người cùng bị ngộ độc thực phẩm phải khẩn trương tổ chức cấp cứu cho người bệnh và khai báo ngay đến cơ quan chức năng gần nhất.

Hồ Quang