Doanh nghiệp ngày càng chú trọng công nghệ tái chế, sản xuất thân thiện môi trường
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 15:57, 13/03/2024
Doanh nghiệp ngày càng chú trọng công nghệ tái chế, sản xuất thân thiện môi trường
Ngành nhựa và cao su Việt Nam ưu tiên giảm thiểu vật liệu nhựa không thể tái chế, tìm nguồn cung ứng thay thế, đầu tư công nghệ tái chế, sản xuất thân thiện với môi trường.
Sáng 13.3, Triển lãm quốc tế lần thứ 11 về công nghệ, nguyên phụ liệu và thiết bị máy móc ngành nhựa và cao su Việt Nam (Plastics & Rubber Vietnam 2024) đã diễn ra tại Trung tâm Hội chợ và triển lãm Sài Gòn (Q.7, TP.HCM).
Plastics & Rubber Vietnam 2024 được Công ty Informa Markets Việt Nam kết hợp cùng Messe Düsseldorf Asia tổ chức. Năm nay, triển lãm thu hút 60 gian hàng đến từ 12 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong đó, có 5 nhóm gian hàng quốc tế đến từ Đức, Ý, Áo, Trung Quốc và Đài Loan. Các doanh nghiệp trong và ngoài nước mang đến những công nghệ mới nhất trong ngành nhựa và cao su. Đặc biệt, họ chú trọng đến công nghệ cải tiến tái chế, công nghệ sản xuất thân thiện với môi trường.
Tham gia triển lãm, ông Đoàn Văn Tùng – CEO Công ty cổ phần công nghệ phát triển IGREEN cho biết: “Hiện nay, công ty đang áp công nghệ tạo hạt nhựa phân hủy sinh học IGREEN là công nghệ mới nhất về tạo hạt nhựa. Trong đó, hạt nhựa phân hủy sinh học IGREEN có vòng tròn sử dụng thân thiện với môi trường. Công nghệ này cũng đáp ứng được các tiêu chuẩn, tín chỉ của các nước trên thế giới như đạt tiêu chuẩn quốc tế EN 13432, ASTM D6400 và có nguồn gốc thực vật tái tạo trong tự nhiên, phân hủy sinh học hoàn toàn, gia công trên máy thổi màng PE…”.
Plastics & Rubber Vietnam 2024 còn tổ chức chuỗi hội thảo chuyên đề xoay quanh về hướng phát triển một ngành nhựa xanh, ứng dụng công nghệ sản xuất, quản trị thúc đẩy tương lai bền vững.
Đại diện Ban tổ chức, ông Ben Wong – Tổng giám đốc Informa Markets Việt Nam thông tin: “Tất cả chúng ta đều mong muốn nâng cao lợi ích kinh tế của ngành nhựa, đồng thời đảm bảo tính bền vững, tìm kiếm cơ hội phát triển mới. Giải pháp nằm ở việc giảm thiểu các vật liệu nhựa không thể tái chế, tìm nguồn cung ứng thay thế, đầu tư vào công nghệ tái chế cải tiến và phát triển nền kinh tế tuần hoàn”.
Thông tin với phóng viên, bà Huỳnh Thị Mỹ - Tổng thư ký Hiệp hội nhựa Việt Nam cho biết: “Các doanh Nghiệp Việt Nam cần phải thường xuyên cập nhật các công nghệ tiên tiến về sản xuất, nguyên phụ liệu, sản phẩm thân thiện môi trường, nguyên liệu tái chế. Hiện tại, các nước trên quốc tế đang để cao vấn đề tín chỉ carbon, chứng chỉ môi trường các doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy đế bắt kịp xu hướng”.
Triển lãm quốc tế lần thứ 11 về công nghệ, nguyên phụ liệu và thiết bị máy móc ngành nhựa và cao su Việt Nam diễn ra trong 3 ngày, từ ngày 13 – 15.3 tại SECC.