Mạng xã hội khiến Gen Alpha mê mỹ phẩm hơn đồ chơi
Phong cách - lối sống - Ngày đăng : 16:27, 13/03/2024
Mạng xã hội khiến Gen Alpha mê mỹ phẩm hơn đồ chơi
Đài CNN ghi nhận tình trạng Gen Alpha (thuật ngữ dùng để chỉ những người sinh từ năm 2010 - 2024) còn nhỏ tuổi lại bị ám ảnh bởi sản phẩm chăm sóc da. Các em vô cùng tò mò với các loại kem, gel, mặt nạ dưỡng.
Ruby Hale (9 tuổi) tự hào giới thiệu bộ sưu tập mặt nạ dưỡng cùng kem dưỡng môi mà em đang sở hữu. Lúc bằng tuổi em, thứ mà mẹ Monique sưu tầm là nắp sữa hoặc thẻ in hình nhân vật hoạt hình chứ không phải mỹ phẩm.
Theo Hale, chính TikTok khiến em thích sản phẩm chăm sóc da. Cô bé thuộc Gen Alpha, cuộc sống gắn liền với mạng xã hội nên tiếp xúc với nhiều video ghi lại cảnh chăm sóc da hàng ngày hoặc khoe mỹ phẩm vừa mua được.
CNN cho biết trong năm 2022, trẻ vị thành niên chi tiền cho sản phẩm chăm sóc da nhiều hơn bất cứ nhóm dân số nào khác, chiếm đến 4,7 tỉ USD doanh thu. Trên Tiktok hay Instagram có rất nhiều bằng chứng về việc đối tượng khách hàng nhỏ tuổi này “xâm chiếm” các cửa hàng mỹ phẩm như Sephora và Ulta.
Sở dĩ Sephora và Ulta thu hút là vì họ cho phép khách hàng thử trước khi mua hàng.
Tại một cửa hàng Sephora ở TP.New York, Mỹ, một nhân viên kể rằng trẻ vị thành niên thường xuyên ghé vào nhưng không cần tư vấn mà chỉ tìm kiếm những thương hiệu hợp thời trang và đắt tiền như Drunk Elephant, Glow Recipe, Laneige... mà người nổi tiếng trên mạng xã hội (influencer) ra sức quảng cáo.
Trong mục giải đáp thắc mắc trên trang web của mình, Drunk Elephant khẳng định trẻ em có thể sử dụng sản phẩm công ty bán trên thị trường. Tuy nhiên, họ lưu ý không phải dòng sản phẩm nào cũng được dùng chọ khách hàng dưới 12 tuổi, cũng như không khuyến nghị sử dụng sản phẩm chứa hoạt chất nồng độ cao, đồng thời nhãn hàng kêu gọi phụ huynh giám sát con cái.
Bác sĩ da liễu thẩm mĩ Stacey Tull nhận định trẻ vị thành niên thường tiếp nhận thông tin quảng cáo bị thổi phồng và hiểu không đúng về sản phẩm chăm sóc da, chẳng hạn như retinol. Các em chẳng biết công dụng và liệu sản phẩm có phù hợp làn da trẻ em hay không.
Retinol là một dạng vitamin A, thành phần phổ biến trong nhiều sản phẩm chăm sóc da với tác dụng ngăn nếp nhăn xuất hiện khi lão hóa. Theo bác sĩ Tull: “Retinol có nguồn gốc từ axit retinoic trị được mụn trứng cá. Nhưng khoảng 20 năm trước nó trở thành tinh chất chống lão hóa. Nếu trẻ vị thành niên bị mụn trứng cá thì nên đi khám bác sĩ hoặc chuyên gia da liễu thay vì tìm đến tinh chất chống lão hóa chỉ chứa một ít retinol và không phải công thức trị mụn”. Bà nhắc nhở sản phẩm retinol bán trong cửa hàng mỹ phẩm thường phù hợp cho da của người trưởng thành.
Bác sĩ da liễu Lauren Penzi có cùng lo ngại: “Độ tuổi này là lúc các vấn đề về da xuất hiện, do nội tiết tố thay đổi, do căng thẳng hoặc do vệ sinh không tốt. Trong khoảng thời gian này các em tìm hiểu đặc tính da của mình. Biết được da mình ra sao là điều tốt, nhưng các em cũng cần học cả cách chăm sóc nó đúng cách”.
"Đến cửa hàng Sephora và Ulta tìm hàng đắt tiền thực sự là điều không cần thiết", bà Lauren Penzi khuyến nghị và khuyên trẻ vị thành niên chỉ nên sử dụng sửa rửa mặt dịu nhẹ, kem dưỡng ẩm phù hợp làn da cùng kem chống nắng; nếu da nhờn hay dễ nổi mụn sẽ dùng thêm sản phẩm khác.
Gần đây, bác sĩ Penzi tiếp nhận nhiều trường hợp kích ứng, da bị đỏ, ngứa rát, phát ban, đóng vảy. Bà còn ghi nhận số trẻ 10 - 12 tuổi bị mụn trứng cá nghiêm trọng do dùng quá nhiều sản phẩm gây tắc nghẽn lỗ chân lông.
Tâm lý sợ thua kém
Jennifer O’Brien, người có thâm niên trong ngành mỹ phẩm, mừng sinh nhật 12 tuổi của hai cô con gái song sinh tại một cửa hàng Sephora. Cửa hàng có tổ chức hoạt động mừng sinh nhật chẳng hạn như khóa hướng dẫn trang điểm hay hướng dẫn chăm sóc da, diễn ra trước khi mở cửa hoạt động hoặc sau khi đóng cửa.
Sau khi tham gia hoạt động, hai cô con gái có 1 giờ mua sắm. Bà O’Brien đích thân tư vấn cho con và “chiến lợi phẩm” của hai cô con gái chất đầy giỏ hàng.
O’Brien hiểu được vì sao trẻ vị thành niên cuồng Sephora: “Chúng thấy mọi người sử dụng sản phẩm Sephora trên mạng xã hội. Sản phẩm giống như biểu tượng cho địa vị vậy. Trẻ em không biết sử dụng đúng cách nhưng có thể khoe với bạn bè”.
Bác sĩ Penzi nhận định mạng xã hội đã thúc đẩy tâm lý không muốn thua bạn bè ở trẻ vị thành viên: “Bạn của các em đang dùng sản phẩm nên các em muốn làm theo. Chẳng ai muốn bị thua kém cả”.
Sheryl Jorgensen Masowdi không phản đối con đến cửa hàng Sephora mua sắm, nhưng bà đặt ra giới hạn cho cô con gái 11 tuổi của mình. Dù rất am hiểu về chăm sóc da, đôi lúc cô bé vẫn chọn phải sản phẩm không phù hợp.