Thắp sáng đất phương Nam
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 16:33, 30/10/2019
Nói đến Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 thì nhiều người sẽ nhớ đến ngay rằng, đây là một công trình nổi tiếng, tiêu biểu và là niềm tự hào của PVN với 4 chữ nhất: Tiết kiệm nhất, an toàn nhất, tiến độ nhanh nhất, hiệu quả nhất. Và cho đến hiện tại, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 vẫn luôn là một điểm sáng của điện lực dầu khí với những kết quả sản xuất kinh doanh vô cùng khả quan.
Song để có những thành quả ấy, ít ai biết rằng hơn 10 năm trước, đội ngũ CBCNV của công ty đã trải qua những khó khăn, thách thức to lớn thế nào. Tiến sĩ Hoàng Xuân Quốc, nguyên Tổng Giám đốc Công ty CP Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2 (PV Power NT2), người đã gắn bó với nhà máy từ những ngày đầu xây dựng chia sẻ rằng, để xây dựng Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 thành công với 4 chữ nhất như đã nói thì ngoài những thuận lợi, ông cùng các đồng nghiệp của mình thời ấy đã trải qua một hành trình nhiều gian nan.
Công ty Cổ phần Điện lực Dầu khí Nhơn Trạch 2
Ngược thời gian về hơn 10 năm trước, vào năm 2007, cụ thể là ngày 15/6 thì PV Power NT2 được thành lập với nhiệm vụ làm chủ đầu tư thực hiện xây dựng và quản lý vận hành khai thác Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2. Công ty khi đó chỉ có 24 người, phương tiện đi lại, trang thiết bị còn thiếu thốn. Nhân lực, vật lực giới hạn nhưng khối lượng công việc lại rất lớn. Đó là gấp rút lập và phê duyệt dự án đầu tư, thu xếp vốn, triển khai thực hiện lựa chọn các nhà thầu chính để sớm khởi công xây dựng Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 tại Khu công nghiệp Ông Kèo, xã Phước Khánh, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai - vùng đất thuộc chiến khu Rừng Sác oanh liệt năm xưa.
Ngày 27/6/2009, khi Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết bấm nút khởi động xây dựng Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2, vùng đất này còn rất hoang sơ, toàn cỏ lau và rừng cây ngập mặn. Trong giai đoạn giải phóng mặt bằng, CBCNV cần mẫn ngày đêm chân trần lội bùn cùng đi đếm cây với bà con địa phương, rồi cùng phát quang mặt bằng nhà máy…
Có thể nói, tiến độ xây dựng nhà máy hết sức cấp bách với khối lượng công việc các gói thầu triển khai đồng bộ là khổng lồ. Với tình trạng nhân lực và vật lực cùng các điều kiện còn hạn chế nhưng kỳ tích về tiến độ đã xảy ra khi mà toàn bộ công tác lập và phê duyệt dự án đầu tư, đền bù giải phóng mặt bằng, rà phá bom mìn, san lấp mặt bằng, lựa chọn tổng thầu EPC đã được hoàn tất trong vòng chưa tới 2 năm, rút ngắn tiến độ giai đoạn tiền EPC được gần 3 năm so với các dự án nhà máy nhiệt điện tương tự.
Bây giờ nhắc lại giai đoạn ấy, ngay cả Tiến sĩ Hoàng Xuân Quốc, người đã trực tiếp tham gia trong mọi công tác cũng không khỏi ngỡ ngàng vì tốc độ giải quyết công việc lại nhanh chóng đến như vậy. Tất nhiên, để mọi việc trở nên hanh thông, trôi chảy như thế không phải là không có lý do, nhất là trong điều kiện mọi thứ đều hạn chế ở thuở ban đầu.
Thứ nhất, theo Tiến sĩ Hoàng Xuân Quốc chia sẻ, mô hình của Nhơn Trạch 2 có nhiều khác biệt so với các dự án nhà máy điện khác. Thay vì thành lập ban quản lý dự án như trước đây thì Nhơn Trạch 2 đã thành lập công ty cổ phần, trong đó PV Power chiếm cổ phần chi phối (62,8%) nên mọi quyết định đều thuộc thẩm quyền của Tổng công ty và Đại hội đồng cổ đông mà không phải chờ đợi xin ý kiến các cấp. Đây cũng chính là mô hình công ty cổ phần đầu tiên của PVN trong việc thi công các dự án điện.
Thứ hai, đó là yếu tố con người. Ông Quốc cho biết, dù bộ máy công ty rất tinh gọn nhưng đa số đều là những người giàu kinh nghiệm, như bản thân ông cũng từng trải qua những dự án trước đó của Tập đoàn. Đặc biệt, ông Quốc nhấn mạnh đến yếu tố đoàn kết, đồng lòng của một bộ máy gọn nhẹ. Mỗi người mỗi tính cách, hoàn cảnh nhưng tất cả cùng nhìn về một hướng, mục tiêu đó là quyết tâm đưa dự án về đích thành công; và mọi người dẹp qua hết những bất đồng, khác biệt để cùng vì cái chung đó.
Trong bất kỳ dự án nào, bề dày kinh nghiệm của người lãnh đạo cũng đóng vai trò then chốt. Với Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 cũng không ngoại lệ, từ những kinh nghiệm mang tầm vĩ mô như thu xếp vốn, quản lý dòng tiền hay những chi tiết rất nhỏ trong vấn đề tổ chức thi công trên công trường đều đã góp phần mang lại thành công rực rỡ của Nhơn Trạch 2.
Thời điểm năm 2010, không ai nghĩ rằng công ty có thể vay được đến 500 triệu USD để đầu tư xây dựng nhà máy, bởi đó là một con số rất lớn. Nhưng công ty đã làm được và ông Quốc chính là người đặt bút ký các hợp đồng vay vốn đó với nhiều ngân hàng nước ngoài. Đây cũng chính là hợp đồng tín dụng lớn nhất Việt Nam trong tất cả các ngành vào năm 2010 và công ty cũng đã đạt một số giải thưởng quốc tế về thu xếp vốn.
Còn trên công trường, việc tổ chức nguồn điện, nguồn nước thi công hay vấn đề thoát nước công trường vào mùa mưa luôn được đảm bảo. Bằng kinh nghiệm triển khai các công trình trước đây của mình, ông Quốc cho biết, để làm những việc đó không hề khó nhưng vấn đề là phải hiểu biết về thi công và có tác phong làm việc tỉ mỉ. Nói đến việc bố trí, tổ chức trên công trường thì ông Quốc rất tự tin về khả năng của mình; đôi khi chỉ cần những tính toán nhỏ thôi nhưng cũng mang lại hiệu quả lớn cho công việc, tiến độ dự án.
Ví dụ như thiết kế văn phòng làm việc của các phòng ban thế nào để việc trao đổi thông tin, liên lạc trực tiếp qua lại không bị gián đoạn khi thời tiết mưa gió; rồi việc bố trí văn phòng làm việc của lãnh đạo công ty ngay tại công trường dự án để có thể giải quyết các vướng mắc, đưa ra các quyết định kịp thời, nhanh chóng, đôi khi là không quá 5 phút; thời gian đi lại, hội họp cũng được giảm thiểu tối đa, toàn bộ quy trình xử lý hồ sơ tài liệu được tối ưu hóa.
Riêng chi tiết này cho thấy, đây không chỉ là một sáng kiến mà còn là sự quyết tâm cao độ của tập thể lãnh đạo công ty; dù ở TP HCM có chi nhánh nhưng ban lãnh đạo công ty vẫn bám trụ trực tiếp trên công trường để làm việc dù ngày đó mọi thứ đều thiếu thốn, khó khăn, công trường lại khá xa trung tâm TP HCM.
Ông Quốc cho biết, kể từ khi khởi công xây dựng, tất cả các hạng mục công trình Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 đều về đích sớm so với mục tiêu đề ra. Các cuộc phát động thi đua lồng ghép với phong trào đoàn thể, được cán bộ, đoàn viên thanh niên công ty hưởng ứng nhiệt tình, cùng phấn đấu, rèn luyện và trưởng thành trên công trường đầy nắng và gió này. Trải qua hơn 5 triệu giờ công lao động an toàn, bằng đôi tay và khối óc, CBCNV công ty đã đưa dự án hình thành đạt chất lượng tốt nhất.
Như vậy, chỉ sau hơn 3 năm thành lập công ty (tháng 6/2007) thì đến tháng 12/2010, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 đã lần đầu phát điện lên lưới điện quốc gia. Sau đó, đến tháng 10/2011 thì nhà máy chính thức đi vào vận hành thương mại theo chu trình hỗn hợp, toàn bộ dòng điện nhà máy hòa chung lưới điện quốc gia; về đích sớm 45 ngày, đảm bảo chất lượng, an toàn và hiệu quả. Theo tính toán, nhà máy đã tiết kiệm được gần 100 triệu USD (khoảng 20%) so với giá chào thầu của nước ngoài.
Nói thêm về các chữ “nhất” của Nhơn Trạch 2, đây là một công trình lớn hiếm hoi không xảy ra một tai nạn lao động đáng kể nào. Bên cạnh đó, đóng góp lớn vào thành công của dự án này là mô hình Liên danh nhà thầu trong nước Lilama - PVC làm Tổng thầu EPC. Họ đã tận dụng tối đa các nguồn lực trong nước như vật tư, nhân công, máy móc, chi phí quản lý dự án, giảm chi phí đáng kể so với mặt bằng chung. Ngày đêm trên công trường đầy nắng và gió, những người thợ áo xanh của Lilama và những người bạn áo vàng của PVC luôn chung vai sát cánh cố gắng từng ngày đưa công trình về đích. Thành công của Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 được coi là mẫu hình đẹp của liên danh nhà thầu trong nước.
Ngoài những yếu tố khách quan, may mắn cũng là một phần không thể thiếu làm nên thành công của Nhơn Trạch 2 mà hầu như chưa một ai nhắc đến. Điều đặc biệt là may mắn đó có gắn liền với yếu tố tâm linh, trên vùng đất giàu cách mạng thuộc chiến khu Rừng Sác năm xưa.
Trong nhiều câu chuyện liên quan, ông Quốc nhớ nhất là chuyện đóng cọc làm nền. Ông kể, hôm đầu tiên bắt đầu đóng cọc đại trà thì cọc không xuống trong khi mới trước đó, khi đóng cọc thử thì bình thường không vấn đề gì. Ông Quốc cho làm lễ xin thần linh và vong linh các liệt sĩ phù hộ cho con cháu thực hiện công việc được suôn sẻ. Rồi sau đó, ông cũng yêu cầu tiến hành xác minh lại tọa độ, lưới cọc xem thế nào.
Kết quả khiến ai cũng giật mình - lưới cọc bị sai, nhầm tọa độ. Có thể nói, đó là một sai sót rất khủng khiếp bởi nếu như từ đầu cọc được đóng xuống bình thường, đến khi hoàn thành công việc mới phát hiện ra sai thì hỏng hết. Gần 90.000 mét cọc bê tông đã đóng xuống độ sâu 40 mét dưới đất thì hầu như không thể nhổ lên được, hoặc nếu được thì cũng cực kỳ tốn kém. “Giống như ai đó cố ý chỉ cho rằng, phải kiểm tra lại lưới cọc, không thì thiệt hại rất lớn”, ông Quốc nhớ lại.
Là người đặc biệt chú trọng vấn đề tâm linh, nhất là ở khu vực thuộc chiến khu Rừng Sác năm xưa như ở Nhơn Trạch 2 thì càng phải “có thờ, có kiêng”. Cho nên ngay từ những ngày đầu, ông Quốc đã cho xây nhà tưởng niệm ngay giữa khu vực nhà máy. Bên trong nhà tưởng niệm này đặc biệt có 3 bàn thờ, giữa là Bác Hồ, một bên là anh hùng liệt sĩ và một bên là thờ vong…
Về thành công của Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2, ông Quốc có kể thêm rằng, theo dự án đầu tư đã được duyệt thì phải sau 3 năm kể từ ngày bắt đầu vận hành thương mại Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 mới có lãi, do chi phí trả gốc và lãi vay còn rất lớn, chi phí mua sắm vật tư dự phòng cho vận hành bảo dưỡng cao. Bên cạnh đó, giá điện bán buôn cho EVN thời điểm đó là giá tạm tính, trong đó một số thông số quan trọng cấu thành đơn giá bán điện như tỷ lệ chi phí bảo dưỡng sửa chữa, lãi vay, trượt giá, tỷ suất thu hồi vốn... chưa được tính đúng, tính đủ để bù đắp các chi phí và tạo lợi nhuận hợp lý cho các nhà đầu tư.
Hơn nữa, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 phải mua khí nhiên liệu với giá cao hơn đáng kể so với giá khí cấp cho các nhà máy điện khác trong khu vực miền Đông Nam bộ, dẫn đến còn bất bình đẳng khi tham gia thị trường phát điện cạnh tranh. Tuy nhiên, ngay năm đầu tiên chính thức hoạt động, PV Power NT2 đã có lợi nhuận, dù rất khiêm tốn. Đó cũng là một kỳ tích của Nhơn Trạch 2.
“Để nhà máy hoạt động đạt được hiệu quả, trước hết là do công ty có bộ máy vận hành trẻ, chuyên nghiệp, trưởng thành nhanh chóng về các mặt. Họ đã vươn lên làm chủ thiết bị, công nghệ turbine khí hiện đại, không ngừng nỗ lực nâng cao trình độ chuyên môn và các mặt”, ông Quốc cho biết.
Bên cạnh đó, từ khi chính thức vận hành thương mại đến nay, nhà máy luôn vận hành tốt, ổn định, chạy đạt và vượt công suất thiết kế. Phương châm vận hành của công ty là phải luôn lập kế hoạch vận hành, lên xuống máy từ trước, lường trước mọi trục trặc, hư hỏng có thể xảy ra để phòng tránh và sớm khắc phục. Song song với sản xuất, nhà máy thường xuyên được kiểm tra bảo trì, bảo dưỡng, vệ sinh công nghiệp, vì vậy từ khi vận hành đến nay, nhà máy không có sự cố nào lớn dẫn đến phải dừng máy lâu.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, hoạt động sản xuất kinh doanh của Nhơn Trạch 2 gặp không ít khó khăn, thử thách. Nguyên nhân do khí hậu, thủy văn diễn biến bất thường, lượng mưa lớn, nước các hồ thủy điện về nhiều dẫn đến bất lợi đối với các nhà máy nhiệt điện; nguồn khí cung cấp cho Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 bị suy giảm; giá khí đầu vào tăng cao so với giá khí đầu vào khi lập kế hoạch; Sản lượng điện theo hợp đồng (Qc) được giao giảm thấp hơn so với các năm trước theo lộ trình của thị trường phát điện cạnh tranh…
Trước tình hình đó, Nhơn Trạch 2 đã luôn chủ động, linh hoạt, cân đối giữa chỉ tiêu sản lượng điện và lợi nhuận nhằm đảm bảo lợi ích tốt nhất cho cổ đông và nhà đầu tư. Bên cạnh đó, Nhơn Trạch 2 cũng tập trung tích cực thực hiện tiết kiệm, tiết giảm chi phí tối đa nên kết quả sản xuất kinh doanh đã được Đại hội đồng cổ đông hằng năm đều đạt và vượt mức kế hoạch. Tỷ lệ chia cổ tức cao và đều đặn hằng năm, khoảng 20-25%; trong đó, năm 2016, NT2 chia cổ tức bằng tiền đến 36% (kế hoạch là 20%).
Có thể nói, Nhà máy Điện Nhơn Trạch 2 không chỉ là niềm tự hào của PVN, PV Power trong lĩnh vực phát triển năng lượng dầu khí mà còn là niềm hạnh phúc của người dân Rừng Sác, là biểu tượng sức vươn lên mạnh mẽ của đất nước sau chiến tranh. Chiến khu Rừng Sác hoang sơ năm xưa giờ đã đổi khác, mọi thứ đã khoác lên mình áo mới của sức sống, sự hiện đại, văn minh kể từ sau khi dòng điện của Nhơn Trạch 2 thắp sáng đất phương Nam.
Lê Trúc