Tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 18:25, 13/03/2024
Tăng cường giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng
Thời gian qua, chính quyền ở 10 tỉnh đã kiểm tra 20 doanh nghiệp trò chơi điện tử có thưởng, phát hiện một số địa điểm (khách sạn Sheraton Nha Trang, Pullman Vũng Tàu...) lợi dụng để đánh bạc.
Bộ Tài chính vừa có báo cáo gửi Quốc hội về các nhóm vấn đề chất vấn tại phiên họp thứ 31 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội ngày 18.3. Trong đó, Bộ Tài chính có đề cập đến việc thực hiện pháp luật đối với lĩnh vực trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài.
Kể từ năm 2012, sau khi được Ủy ban Thường vụ Quốc hội chấp thuận chủ trương và căn cứ quy định của pháp luật về đầu tư, pháp luật về doanh nghiệp (DN), Chính phủ đã ban hành 3 nghị định về kinh doanh trò chơi điện tử có thưởng dành cho người nước ngoài (gọi tắt là TCĐTCT) và 1 nghị định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực trò chơi có thưởng. Bộ Tài chính đã ban hành 3 thông tư hướng dẫn chi tiết.
Các văn bản này đã quy định khung pháp lý đầy đủ đối với hoạt động kinh doanh TCĐTCT, theo đó, xác định đây là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, cần quản lý chặt chẽ.
Ngoài ra, chỉ cấp phép kinh doanh cho các khách sạn 5 sao đáp ứng điều kiện về cơ sở vật chất, có vốn điều lệ tối thiểu 500 tỉ đồng và kinh doanh hiệu quả (năm tài chính liền kề kinh doanh có lãi và không lỗ lũy kế); quy mô hoạt động căn cứ vào quy mô của khách sạn (theo tỷ lệ 5 buồng lưu trú tối đa 1 máy TCĐTCT).
“Chỉ cho phép người nước ngoài và người Việt Nam định cư nước ngoài được vào chơi TCĐTCT, nghiêm cấm người Việt Nam vào chơi dưới bất kỳ hình thức nào”, báo cáo nêu.
Hiện nay, thị trường kinh doanh TCĐTCT có 69 điểm kinh doanh trên cả nước, bố trí tại các khách sạn 5 sao tập trung tại các tỉnh, thành phố có kinh tế - xã hội và du lịch phát triển (như Hà Nội, TP.HCM, Khánh Hòa, Đà Nẵng...).
Thời kỳ 2019-2022, hoạt động kinh doanh TCĐTCT bị ảnh hưởng nặng bởi dịch COVID-19, nhiều DN phải đóng cửa dừng kinh doanh. Năm 2023 kết quả kinh doanh đạt kết quả tốt hơn so với năm 2022, nộp ngân sách 2.189 tỉ đồng, tăng 26,5% so với năm 2022. Tuy nhiên, thị trường chưa phục hồi được như năm 2019 (trước khi diễn ra dịch COVID-19).
Các cơ quan liên quan cũng thực hiện kiểm tra định kỳ và quản lý, giám sát từ xa đối với hoạt động kinh doanh này.
Lũy kế đến 2023, đoàn liên ngành đã kiểm tra trực tiếp đối với 61 DN, trong đó, xử phạt vi phạm hành chính đối với 23 DN với tổng số tiền 3,039 tỉ đồng; tước quyền kinh doanh có thời hạn của 1 DN; có 3 công văn chuyển Bộ Công an đề nghị phối hợp theo dõi đối với một số trường hợp cụ thể. Bộ Tài chính thường xuyên có văn bản chấn chỉnh các DN yêu cầu khắc phục các tồn tại, hạn chế.
Hằng năm, UBND cấp tỉnh cũng thường xuyên kiểm tra định kỳ và đột xuất tại DN trên địa bàn, lũy kế đến nay đã có 10 tỉnh thực hiện kiểm tra tại 20 DN TCĐTCT.
Trong đó có một số địa điểm (khách sạn Sheraton Nha Trang, Pullman Vũng Tàu...) lợi dụng điều kiện khách sạn để đánh bạc, công an địa phương đã kiểm tra và xử lý hình sự theo quy định. Cho đến nay, các điểm kinh doanh TCĐTCT cơ bản đáp ứng điều kiện kinh doanh.
Trong thời gian tới, Bộ Tài chính cho biết tiếp tục nguyên tắc quản lý chặt chẽ hoạt động kinh doanh TCĐTCT, là ngành nghề kinh doanh có điều kiện, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội.
Theo nguyên tắc này, Bộ Tài chính đang đánh giá để trong năm 2024 phối hợp với các bộ ngành liên quan rà soát, hoàn thiện cơ chế chính sách liên quan quản lý hoạt động kinh doanh TCĐTCT; hoàn thiện chế tài xử phạt vi phạm hành chính đối với các hành vi vi phạm để nâng cao tính thực thi.
Ngoài ra, Bộ Tài chính sẽ phối hợp Bộ Công an, các cơ quan liên quan và địa phương tăng cường quản lý, giám sát, kiểm tra hoạt động kinh doanh TCĐTCT, đảm bảo an ninh, trật tự xã hội. Trong năm 2024, Bộ Tài chính có kế hoạch kiểm tra hoạt động kinh doanh TCĐTCT tại 11 DN.