‘Ngành công nghiệp bán dẫn Thái Lan ngang hàng Việt Nam và Ấn Độ, hưởng lợi từ động thái mới của Mỹ’
Thế giới số - Ngày đăng : 19:35, 13/03/2024
‘Ngành công nghiệp bán dẫn Thái Lan ngang hàng Việt Nam và Ấn Độ, hưởng lợi từ động thái mới của Mỹ’
Gina Raimondo, Bộ trưởng Thương mại Mỹ, hôm 13.3 cho biết Thái Lan sẽ được hưởng lợi từ động thái của Mỹ nhằm đa dạng hóa sản xuất chất bán dẫn, đồng thời nói thêm rằng các công ty Mỹ đã sẵn sàng tăng cường đầu tư vào quốc gia Đông Nam Á này.
Ngành công nghiệp điện và điện tử là một trong những nam châm thu hút đầu tư nước ngoài chính của Thái Lan. Đây cũng là lĩnh vực then chốt mà chính phủ của Thủ tướng Thái Lan - Srettha Thavisin đang tìm cách mở rộng nhằm cải thiện nền kinh tế đang trì trệ.
Bà Gina Raimondo phát biểu tại một sự kiện ở Bangkok (thủ đô Thái Lan) hôm 13.3: “Việc sản xuất chất bán dẫn đang tập trung ở một hoặc hai quốc gia trên thế giới”, đồng thời nêu rõ rằng Mỹ sẽ xem xét thúc đẩy đầu tư bổ sung vào các quốc gia nằm trong Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF) khi tìm cách đa dạng hóa sản xuất.
IPEF gồm 14 nước là Mỹ, Việt Nam, Úc, Brunei, Fiji, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Malaysia, New Zealand, Philippines, Singapore, Hàn Quốc và Thái Lan. Do Mỹ dẫn đầu, IPEF nhắm mục tiêu một phần là cung cấp các quốc gia trong khuôn khổ sự lựa chọn thay thế cho việc kết nối với Trung Quốc.
Sẽ hội đàm với ông Srettha Thavisin vào ngày 14.3, bà Gina Raimondo nói: “Tất cả chúng ta cùng tham gia vào việc này. Nó mang lại lợi ích cho tất cả mọi người, Mỹ, Thái Lan, tất cả các nước IPEF, để đa dạng hóa chuỗi cung ứng sản xuất chất bán dẫn”.
Vào năm 2022, chính quyền Biden đã thông qua luật mang tính bước ngoặt Chips and Science, cung cấp 52,7 tỉ USD cho sản xuất, nghiên cứu và phát triển lực lượng lao động trong lĩnh vực bán dẫn của Mỹ.
Ngành công nghiệp bán dẫn Thái Lan, với các công ty đến từ Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hà Lan thống trị, chủ yếu tập trung vào quy trình back-end, đưa nước này ngang hàng Việt Nam và Ấn Độ, theo báo cáo năm 2023 của Ngân hàng Thương mại Siam.
Báo cáo cho biết: “Động lực thay đổi của chuỗi cung ứng sản xuất toàn cầu, bị ảnh hưởng bởi xung đột địa chính trị, đã thu hút các cơ sở sản xuất chất bán dẫn chuyển đến Thái Lan”.
Trong ngữ cảnh của ngành bán dẫn, back-end thường đề cập đến quá trình sản xuất và lắp ráp cuối cùng các sản phẩm bán dẫn, sau khi các linh kiện chính đã được sản xuất và được thử nghiệm. Quá trình này gồm việc lắp ráp, kiểm tra, đóng gói và thử nghiệm cuối cùng trước khi sản phẩm được xuất xưởng và đi vào sử dụng. Đây là giai đoạn cuối của chuỗi sản xuất bán dẫn trước khi sản phẩm được giao cho khách hàng.
Ủy ban Đầu tư Thái Lan cũng đưa ra các ưu đãi như giảm thuế và miễn thuế để thu hút đầu tư vào ngành bán dẫn.
Bà Gina Raimondo cho biết: “Khi các công ty đa quốc gia của Mỹ tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Thái Lan ngày càng trở thành nơi đứng đầu danh sách”.
Bộ trưởng Thương mại Gina Raimondo cũng vừa đến thăm Philippines, nơi bà cho biết các công ty Mỹ chuẩn bị công bố các khoản đầu tư hơn 1 tỉ USD vào quốc gia này, một đồng minh thận cận của Mỹ. Bà Gina Raimondo nói các khoản đầu tư sẽ trải rộng trên các lĩnh vực như năng lượng mặt trời, ô tô điện và chuyển đổi số.
Ngoài chất bán dẫn, Thái Lan đang muốn là trung tâm sản xuất ô tô điện của khu vực Đông Nam Á.
Thái Lan hy vọng sẽ bắt đầu sản xuất lithium từ mỏ ở phía tây nam trong khoảng 2 năm tới, thúc đẩy tham vọng trở thành trung tâm sản xuất ô tô điện của Đông Nam Á, theo các quan chức chính phủ và công ty tham gia dự án.
Lithium (màu trắng bạc) là kim loại quan trọng cho pin ô tô điện và việc thành lập các mỏ lithium sẽ đưa Thái Lan vào vị thế độc đáo so với các nước lớn khác. Lý do vì nước này đang phát triển ngành sản xuất ô tô điện với 1,44 tỉ USD cam kết đầu tư từ các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc.
Công ty khai thác kim loại Pan Asia Metals đã nộp giấy phép khai thác trong tháng 3.2024 cho dự án Reung Kiet ở tỉnh Phang-Nga (Thái Lan), bao gồm địa điểm Reung Kiet và Bang I Tum tiềm năng.
Paul Lock, Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành Pan Asia Metals, nói với hãng tin Reuters rằng công ty lạc quan về việc bắt đầu sản xuất hóa chất lithium từ Reung Kiet vào đầu năm 2026.
Cục Công nghiệp và Mỏ sơ cấp Thái Lan (DPIM) dự báo cơ sở ở Reung Kiet có thể sản xuất khoảng 164.500 tấn lithium cacbonat, được sử dụng trong pin lithium iron phosphate cho ô tô điện.
Nguồn tài nguyên tại Reung Kiet có thể cung cấp đủ lithium cho ít nhất 1 triệu pin ô tô điện có công suất 50 kilowatt giờ, Aditad Vasinonta - Tổng giám đốc DPIM cho biết. Ông nói thêm rằng hoạt động khai thác có thể bắt đầu ở Reung Kiet trong khoảng hai năm tới.
Tài nguyên khoáng sản tại Bằng I Tum có thể lớn hơn Reung Kiet từ 10% - 70%, theo Paul Lock.
Paul Lock cho biết: "Tiềm năng tăng trưởng thông qua việc khám phá sâu hơn là rất đáng kể. Điều này giúp Thái Lan trở thành một quốc gia mới nổi trên thị trường lithium, phù hợp với tham vọng trở thành trung tâm khu vực về sản xuất ô tô điện".
Thông tin về thời gian tiềm năng cho việc khai thác ở Reung Kiet và chi tiết về nguồn tài nguyên tại Bang I Tum chưa được đưa tin trước đây.
Tổng nguồn tài nguyên lithium ở Thái Lan và số lượng có thể khai thác được vẫn chưa rõ ràng. Úc, Argentina, Chile và Trung Quốc hiện là những nước cung cấp lithium lớn trên thế giới.
Việc bắt đầu sản xuất lithium trùng với thời điểm Thái Lan tăng sản lượng ô tô điện. Thái Lan, nước sản xuất và xuất khẩu ô tô lớn nhất Đông Nam Á, muốn chuyển đổi khoảng 30% sản lượng ô tô hàng năm sang xe điện vào 2030.
Đến nay đã có 38 dự án sản xuất pin, gồm cả cho ô tô điện và các mục đích sử dụng khác, với tổng đầu tư 23,6 tỉ baht (659,4 triệu USD), nhận được sự hỗ trợ từ Ban Đầu tư Thái Lan, theo ông Narit Therdsteerasukdi - Tổng thư ký của ban này.
Ông nói: “Mục tiêu của chúng tôi là thúc đẩy Thái Lan trở thành trung tâm sản xuất pin của khu vực, cho cả ô tô điện và lưu trữ năng lượng”.
Chính phủ Thái Lan đang thúc đẩy hoạt động thăm dò lithium ở các khu vực mới, gồm cả việc sửa đổi các quy định để cho phép các công ty tư nhân như Matsa Resources (hãng khai thác Úc đang tìm kiếm lithium ở Thái Lan) thực hiện các nghiên cứu về đất nông nghiệp, theo Aditad Vasinonta.
Ông nói: “Chúng tôi đã nghiên cứu vấn đề này, sửa đổi quy định trong một thời gian. Chúng tôi dự định hoàn thành chúng vào cuối tháng 2 tới”.
Matsa Resources có hai giấy phép thăm dò đặc biệt ở Thái Lan và hơn 100 đơn đăng ký đang được chuẩn bị, công ty cho biết trong một thông báo.
Paul Poli, Chủ tịch điều hành Matsa Resources, nói: “Thái Lan sẽ chỉ là một trong số ít quốc gia có toàn bộ chuỗi cung ứng từ khai thác đến sản xuất trong nước”.
Các mỏ lithium của Thái Lan nằm trong diện thăm dò là nơi có khoáng chất lepidolite, khác với các mỏ của Úc thường sản xuất lithium từ spodumene và các dự án ỡ Chile chiết xuất kim loại từ nước muối.
Matsa Resources và Pan Asia Metals cho biết đang thảo luận với các công ty Trung Quốc để xử lý khoáng chất lepidolite, vốn có thể đắt hơn so với quy trình xử lý spodumene và nước muối. Các công ty Trung Quốc có kinh nghiệm sản xuất lithium từ lepidolite nằm ở tỉnh Giang Tây.
Paul Lock nói: “Các cuộc thảo luận của chúng tôi với công ty khai thác và chế biến lepidolite của Trung Quốc tập trung vào một liên doanh ba bên tiềm năng để khai thác và sản xuất hóa chất lithium ở Thái Lan”.
Theo ông, để thành lập một mỏ và nhà máy chuyển đổi lithium công suất 10.000 tấn mỗi năm ở Thái Lan sẽ cần khoản đầu tư khoảng 180 triệu đến 250 triệu USD.
“Chiến lược này nhằm hỗ trợ các nhà sản xuất pin có trụ sở ở Thái Lan bằng cách đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu thiết yếu tại địa phương”, Paul Lock nói thêm.