ByteDance, công ty mẹ của TikTok đã phát triển thế nào?
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 11:15, 14/03/2024
ByteDance, công ty mẹ của TikTok đã phát triển thế nào?
Từ khi ra đời tại Bắc Kinh 12 năm trước, ByteDance đã phát triển thành một trong số các công ty công nghệ lớn nhất thế giới. Tập đoàn nổi tiếng ở nhiều quốc gia với tư cách đơn vị sáng tạo nền tảng chia sẻ video ngắn TikTok.
Giờ đây ByteDance phải đối mặt với thách thức chưa từng có. Hạ viện Mỹ vừa thông qua dự luật buộc tập đoàn thoái vốn khỏi TikTok, nếu không nền tảng sẽ bị chặn ở nước này.
Quy mô ByteDance
Theo công ty phân tích thị trường CP Insights, nhờ tăng trưởng vượt bậc vài năm gần đây mà giá trị của ByteDance lên đến khoảng 225 tỉ USD - vượt xa công ty công nghệ vũ trụ SpaceX lẫn công ty trí tuệ nhân tạo OpenAI (chủ sở hữu ChatGPT).
ByteDance ra mắt TikTok vào năm 2017. Ứng dụng nhanh chóng tạo nên cơn sốt toàn cầu, vượt mốc 1 tỷ người dùng chỉ sau 4 năm. TikTok là phiên bản quốc tế của Douyin được phát hành tại Trung Quốc năm 2016. Douyin hiện có hàng trăm người dùng.
Dựa trên hai nền tảng chia sẻ video ngắn, ByteDance lấn sân sang lĩnh vực thương mại điện tử và đặt chỗ du lịch, đồng thời tung ra ứng dụng chỉnh sửa video.
ByteDance tuyên bố có hơn 150.000 nhân viên ở gần 120 thành phố trên thế giới. Tập đoàn không công bố số liệu doanh thu lẫn lợi nhuận, nhưng giới truyền thông ước tính thu nhập của họ ngang bằng với không ít “ông lớn” công nghệ lớn nhất thế giới. Tháng 12 năm ngoái, trang Bloomberg đưa tin doanh thu ByteDance năm 2023 vượt 110 tỉ USD - cao hơn doanh thu tập đoàn công nghệ hàng đầu Trung Quốc Tencent cùng kỳ.
Cổ đông ByteDance
TikTok cho biết 60% cổ phần ByteDance nằm trong tay các tổ chức đầu tư trong đó có BlackRock và General Atlantic của Mỹ. Đội ngũ sáng lập giữ 20%, còn lại do nhân viên nắm giữ. Cũng theo TikTok, 3 trong số 5 thành viên hội đồng quản trị ByteDance là người Mỹ.
Trên trang web của mình, ByteDance ghi rõ một thực thể nhà nước Trung Quốc sở hữu 1% cổ phần Douyin. TikTok nói rằng đây là yêu cầu theo luật pháp Trung Quốc, không ảnh hưởng đến mảng hoạt động quốc tế của tập đoàn mẹ.
Khi được hỏi tại phiên điều trần trước Quốc hội Mỹ vào năm ngoái rằng có quan chức Trung Quốc nào trong hội đồng quản trị ByteDance hay không, Giám đốc điều hành TikTok Châu Thụ Tư trả lời: “Tôi tin là có”. Tuy nhiên ông khẳng định TikTok không bị chính phủ nào thao túng.
Mỹ lo ngại gì?
Nhiều nghị sĩ Mỹ không tin TikTok không liên quan gì đến nhà nước Trung Quốc, mặc dù công ty đặt trụ sở ở nước ngoài. Họ lo ngại nền tảng cung cấp dữ liệu người dùng Mỹ cho Trung Quốc theo luật an ninh của quốc gia châu Á.
Không phải đến nay nền tảng này mới trở thành vấn đề nóng. Cựu Tổng thống Donald Trump lúc nắm quyền từng muốn chặn TikTok, nhưng loạt nỗ lực trước đây bị đình trệ hoặc bị tòa án chặn lại. Hiện tại Mỹ, Canada, Úc cùng vài nước khác đều cấm công chức cài TikTok vào điện thoại công vụ. Ấn Độ năm 2020 tiến hành chặn truy cập hàng trăm ứng dụng Trung Quốc gồm cả TikTok với lý do bảo vệ chủ quyền.
Cả ByteDance lẫn TikTok đều khẳng định dữ liệu người dùng Mỹ không gặp rủi ro nào cả. TikTok nói rõ tất cả truy cập ở Mỹ đều lưu vào hạ tầng mạng tại chỗ, công ty đang xóa dữ liệu thu thập trước đó. Douyin không được phép tiếp cận dữ liệu người dùng Mỹ của TikTok.
Theo Bloomberg, TikTok sẵn sàng đưa vụ việc ra tòa nếu dự luật Hạ viện Mỹ vừa thông qua tiếp tục vượt qua ải Thượng viện Mỹ. Tổng thống Joe Biden từng tuyên bố sẽ ký ban hành dự luật nếu phía cơ quan lập pháp đồng ý.
Trung Quốc lâu nay luôn phản đối động thái ép buộc bán TikTok, chỉ trích Mỹ không ngừng đàn áp. Bất cứ thương vụ chuyển nhượng nào cũng có thể phải được nước này chấp thuận.