Nếu không có sự hỗ trợ, Việt Nam có thể mất ngành sợi
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 14:10, 14/03/2024
Nếu không có sự hỗ trợ, Việt Nam có thể mất ngành sợi
Hiện nay các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, trong khi các quốc gia khác lại hỗ trợ rất mạnh. Do đó, nếu không có sự hỗ trợ thì Việt Nam có thể mất đi ngành sợi.
Hàng dệt may của Việt Nam đắt hơn khoảng 15%
Theo ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), trong 2 năm 2022, 2023, sau đại dịch COVID-19 và trở lại phục hồi, các quốc gia xuất khẩu dệt may lớn như Trung Quốc, Việt Nam, Ấn Độ, Bangladesh, Thổ Nhĩ Kỳ thì đều có xu thế kích thích xuất khẩu.
Bốn quốc gia (trừ Việt Nam) sử dụng công cụ khá mạnh là giảm giá đồng nội tệ để xuất khẩu. Trong 2 năm 2022, 2023, nước giảm giá đồng nội tệ nhiều nhất là Thổ Nhĩ Kỳ (giảm 50%); thứ 2 là Bangladesh giảm 21% trong 2 năm, Trung Quốc giảm 11% từ 6,2 nhân dân tệ xuống 7,2 nhân dân tệ, và Việt Nam khoảng hơn 3%.
“Đứng riêng về tương quan tỷ giá hối đoái, 2 năm 2022, 2023, hàng dệt may của Việt Nam nói chung đã đắt so với các quốc gia trong Top 5 cỡ khoảng 15%. Nó cũng là một trong những nguyên nhân 2 năm 2022, 2023, ngành xuất khẩu dệt may giảm đến 10%, và là nước giảm nhiều nhất trong 5 nước xuất khẩu dệt may”, ông Trường nêu.
Về chính sách lãi suất và tín dụng, theo ông Trường, lãi suất của các quốc gia ở mức 3,5%. Tại Việt Nam với Vinatex hiện nay, mức vay trung bình khoảng 7% với doanh nghiệp (DN) hoạt động tốt và khoảng 9% đối với DN hoạt động kém.
Bangladesh hiện nay lãi suất khoảng 8%, nhưng họ lại lạm phát trên 10%, nên xét về lãi suất thực dương thì Việt Nam đang là lãi suất thực dương nhất trong các nước xuất khẩu dệt may.
“Riêng ở Việt Nam thì lãi suất phải trả cho các ngân hàng năm 2023 của Vinatex trên báo cáo hợp nhất tăng 10% so với năm 2022, trong khi tổng dư nợ giảm 11%. Dư nợ giảm 11% nhưng lãi phải trả tăng 10%, tức là so với năm 2022 thì giá vốn đắt hơn, so với năm 2021 có hỗ trợ thì lãi phải trả tăng 30%”, ông Trường nói.
Nếu không có sự hỗ trợ, Việt Nam có thể mất ngành sợi
Theo ông Lê Tiến Trường, các DN dệt may không khó trong tiếp cận tín dụng khi có đơn hàng, nhưng trong suốt 18 tháng qua ngành bị khó khăn là ngành sản xuất nguyên liệu cho dệt may.
Trong đó ngành sợi toàn thế giới là lỗ, không chỉ riêng ở Việt Nam. Năm 2022 tiếp cận vốn dễ, năm 2023 thì khó hơn và đặc biệt cuối năm 2023, đầu năm 2024, khi xem xét hạn mức tín dụng 2024 đối với các DN ngành sợi rất khó khăn.
“Hiện nay tất cả các ngân hàng đều cắt giảm hạn mức cho vay với công ty sợi, hoặc yêu cầu có tài sản đảm bảo 100% với khoản vay ngắn hạn năm 2024. Năm 2023 tính chung giá trị tài sản đảm bảo này các khoản vay chỉ khoảng 20%, còn năm nay yêu cầu phải 100% hoặc là áp dụng chính sách trả được 10 thì chỉ được vay lại 8 hoặc 9”, ông Trường nói.
Trong khi đó, các nước, ví dụ Trung Quốc, đang duy trì hỗ trợ rất mạnh giá điện. Đối với ngành sợi, Trung Quốc hiện nay áp dụng 4 cent/kw, chỉ bằng 50% của Việt Nam và áp dụng hỗ trợ 50% giá vận tải nội địa, kể từ ngày 1.3.2023 khi mở cửa đến giờ; Bangladesh vẫn đang áp dụng chính sách không bắt buộc bảo hiểm y tế và lương tối thiểu rất thấp, 15USD/tháng…
"Do đó, nếu không có sự hỗ trợ của ngân hàng, chỉ đạo của Chính phủ và các bộ ngành thì chúng ta có thể mất đi ngành sợi", ông Trường nhận định, và dẫn chứng: "Ngành sợi của chúng ta hiện nay có 10 triệu cọc sợi. Giá trị tài sản như đầu tư mới khoảng 6 tỉ USD, giá trị còn lại khoảng 3 tỉ USD và hiện nay mỗi năm đang trả ngân hàng khoảng 300 triệu USD.
Thêm nữa, ngành sợi cũng đang duy trì 150.000 người lao động, tiền lương trả cho công nhân khoảng 1 tỉ USD, đặc biệt ngành sợi dùng điện nhiều, 1 năm đang trả khoảng 500 triệu USD tiền điện. Nếu chúng ta tiếp tục huy động công suất với tỷ lệ thấp thì sẽ rất khó khăn.
Ông Trường cho rằng đây là câu chuyện của chu kỳ kinh tế toàn cầu, các DN sợi đều bị. Như vậy, nên cần tiếp tục hỗ trợ DN sợi trong năm 2024, không giảm hạn mức tín dụng và cũng không yêu cầu tài sản bảo đảm cố định, để duy trì được sản xuất quay trở lại tỷ lệ huy động của họ.
“Hiện nay lãi suất giảm nhưng tiếp cận giải ngân rất khó. Mặt khác, thực tế thị trường năm 2023 khó khăn hơn nhiều so với năm 2021, 2022 do Trung Quốc mở cửa và họ là quốc gia canh tranh lớn nhất của thế giới. Đến tháng 12.2023, báo cáo của Trung Quốc cũng mới chỉ huy động được 60% công suất ngành dệt may nên họ tiếp tục chính sách hỗ trợ để nâng cao tỷ lệ huy động này”, ông Trường nêu.