Những quốc gia và vùng lãnh thổ đã chặn TikTok
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:57, 14/03/2024
Những quốc gia và vùng lãnh thổ đã chặn TikTok
Trang Firstpost thống kê những quốc gia và vùng lãnh thổ đã đi trước Mỹ trong việc chặn nền tảng TikTok.
Ngày 13.3, Hạ viện Mỹ thông qua dự luật buộc ByteDance thoái vốn khỏi TikTok nếu không nền tảng sẽ bị chặn ở nước này. Dự luật còn phải "qua ải" Thượng viện Mỹ trước khi được Tổng thống Joe Biden chấp thuận.
Động thái mới nhất của Mỹ đã phản ánh lo ngại TikTok cung cấp dữ liệu người dùng trong nước cho Trung Quốc mặc dù công ty này đặt trụ sở ở nước ngoài.
Trong khi khả năng TikTok bị chặn ở Mỹ chưa rõ ràng thì nhiều quốc gia trước đó đã không ngần ngại cấm nền tảng này vì lo ngại an ninh mạng cũng như quyền riêng tư.
Afghanistan
Năm 2022, Taliban ban hành lệnh cấm TikTok cùng trò chơi điện tử PUBG nhằm ngăn giới trẻ Afghanistan “lầm đường lạc lối”.
Taliban tái nắm quyền từ tháng 8.2021. Từ đó đến nay tổ chức này khôi phục không ít quy định hà khắc đồng thời loại bỏ những thứ mà họ cho rằng không phù hợp với một quốc gia Hồi giáo.
Úc
Chính phủ Úc cấm công chức cài TikTok vào điện thoại công vụ. Bộ trưởng Tư pháp Mark Dreyfus cho biết lệnh cấm dựa trên khuyến nghị từ các cơ quan tình báo lẫn cơ quan an ninh quốc gia.
Bỉ
Nước này tạm thời cấm sử dụng TikTok trên thiết bị do chính phủ liên bang tài trợ hoặc sở hữu với lý do lo ngại về an ninh mạng, quyền riêng tư và thông tin xấu độc.
Theo Thủ tướng Alexander de Croo, lệnh cấm kéo dài 6 tháng được đưa ra sau cảnh báo từ trung tâm an ninh mạng quốc gia cùng cơ quan an ninh nhà nước Bỉ.
Canada
Điện thoại do chính phủ cung cấp không được phép cài TikTok vì ứng dụng “đem lại mối nguy không thể chấp nhận được đối với bảo mật và quyền riêng tư”. Công chức cũng bị cấm cài đặt ứng dụng.
Đan Mạch
Bộ Quốc phòng Đan Mạch cấm nhân viên của mình sử dụng TikTok trên điện thoại công vụ. Ai đã cài đặt phải gỡ bỏ ứng dụng càng sớm càng tốt.
Theo cơ quan này, nhu cầu dùng TikTok cho công việc rất thấp cộng thêm cân nhắc về bảo mật là cơ sở khiến họ quyết định ban hành lệnh cấm.
Liên minh châu Âu (EU)
Nghị viện châu Âu, Ủy ban châu Âu cùng Hội đồng châu Âu đều không cho nhân viên sử dụng TikTok. Giới nghị sĩ cũng được khuyến nghị nên gỡ bỏ ứng dụng khỏi thiết bị cá nhân.
Pháp
Công chức Pháp không được phép sử dụng TikTok cũng như một số mạng xã hội như X hay Instagram cho mục đích giải trí, do lo ngại về quyền riêng tư.
Indonesia
Năm 2018, TikTok tạm thời bị chặn ở Indonesia do lo ngại về “nội dung khiêu dâm, nội dung không phù hợp và báng bổ”.
Chưa đầy một tuần sau khi ứng dụng đồng ý kiểm duyệt một phần nội dung, lệnh cấm được gỡ bỏ.
Ấn Độ
Năm 2020, Ấn Độ ban hành lệnh cấm nhắm vào hàng chục ứng dụng Trung Quốc gồm cả TikTok vì lo ngại về quyền riêng tư và bảo mật.
Sau đó các công ty có cơ hội giải quyết loạt lo ngại liên quan. Tuy nhiên, đến tháng 1.2021 cường quốc Nam Á quyết định duy trì lệnh cấm.
Nepal
Nepal chặn TikTok từ tháng 11.2023 với lý do nền tảng gây hại cho “hòa hợp xã hội”. Bộ trưởng Truyền thông - Công nghệ Thông tin Rekha Sharma cho biết ứng dụng lan truyền nội dung độc hại.
Hà Lan
Do lo ngại về bảo mật dữ liệu, chính phủ Hà Lan cấm công chức sử dụng một số ứng dụng trong đó có TikTok trên điện thoại công vụ.
Nước này không nêu đích danh TikTok mà chỉ tuyên bố công chức không được cài đặt ứng dụng cung cấp bởi “quốc gia có chương trình tấn công mạng nhắm vào Hà Lan hoặc lợi ích của Hà Lan”.
New Zealand
Nghị sĩ và nhân viên làm việc cho Quốc hội New Zealand không được phép cài TikTok vào điện thoại công vụ. Tất cả thiết bị kết nối với mạng quốc hội cũng không thể dùng ứng dụng.
Na Uy
Bộ Tư pháp Na Uy khuyến nghị công chức không cài đặt TikTok. Quốc hội nước này cũng cấm dùng ứng dụng trên thiết bị dùng cho công việc, bất cứ thiết bị nào có quyền truy cập hệ thống quốc hội nên gỡ bỏ TikTok ngay.
Hưởng ứng chính phủ, thủ đô Olso cùng thành phố lớn thứ hai Na Uy là Bergen đều yêu cầu công chức địa phương gỡ bỏ TikTok khỏi điện thoại công vụ.
Pakistan
Kể từ tháng 10.2020 đến nay chính phủ Pakistan ban hành lệnh chặn TikTok tạm thời ít nhất 4 lần với lý do ứng dụng lan truyền nội dung trái đạo đức.
Somalia
Tháng 8.2023, Somalia quyết định cấm TikTok vì trên nền tảng có nội dung liên quan đến khủng bố. Chính phủ nước này xác định các tổ chức khủng bố thông qua ứng dụng như Telegram hay TikTok lan truyền hình ảnh khủng khiếp cùng thông tin xấu độc.
Đài Loan
Tháng 12.2022, Đài Loan cấm cơ quan nhà nước sử dụng TikTok trên điện thoại, máy tính bàn lẫn máy tính cầm tay.
Anh
TikTok bị gỡ bỏ khỏi điện thoại công vụ của công chức Anh từ tháng 3.2023. Đảo quốc sương mù tuyên bố đây là động thái phòng ngừa nhằm bảo vệ an ninh quốc gia.
Sau đó, Quốc hội Anh ra lệnh cấm TikTok trên tất cả thiết bị chính thức.