Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 'đứng hình' chờ cát

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 19:35, 15/03/2024

Do thiếu cát, nhà thầu cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chủ yếu làm các công việc như đóng cọc thử, đóng cọc mố cầu đại trà, đổ bê tông bệ móng và trụ cầu.
Kinh tế - đầu tư - dự án

Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng 'đứng hình' chờ cát

Tô Văn 15/03/2024 19:35

Do thiếu cát, nhà thầu cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chủ yếu làm các công việc như đóng cọc thử, đóng cọc mố cầu đại trà, đổ bê tông bệ móng và trụ cầu.

Nhà thầu chủ yếu đổ bê tông bệ móng và trụ cầu

Theo ghi nhận của phóng viên Một Thế Giới vào trưa 15.3, tại công trình xây dựng tuyến cao tốc trục ngang dài nhất miền Tây - Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, dù đã qua nhiều tháng thi công nhưng tại điểm đầu của dự án (Km0+314, thị xã Tịnh Biên, tỉnh An Giang) vẫn không thay đổi gì nhiều.

4-doi.jpg
6-doi.jpg
Dù đã qua nhiều tháng thi công nhưng tại điểm đầu của dự án vẫn không thay đổi gì nhiều - Ảnh: Tô Văn

Tại gói thầu số 42 do liên danh nhà thầu Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn và Công ty cổ phần Thiết bị 624 phụ trách, có hơn 120 công nhân, kỹ sư đang sử dụng máy móc, thiết bị đóng cọc thử và đóng cọc mố cầu đại trà, đổ bê tông bệ móng cùng trụ cầu. Tất cả đều làm việc trong không khí quyết tâm hoàn thành các mốc kế hoạch đề ra.

Vào sâu công trình vài trăm mét, xung quanh vẫn là ruộng lúa, cỏ mọc um tùm. Trên con đường công vụ, 2-3 chiếc xe tải chạy chở sắt, thép bụi tung mù mịt. Riêng nhóm công nhân được chia từng khu vực cặm cụi hàn sắt, đóng cọc nhồi…

5-doi.jpg
1-doi.jpg
2-doi.jpg
7-doi.jpg
Do thiếu cát, nhà thầu cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng chủ yếu làm các công việc như đóng cọc thử và đóng cọc mố cầu đại trà, đổ bê tông bệ móng cùng trụ cầu - Ảnh: Tô Văn

Trung tá Lê Xuân Đại, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn 11 (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn) cho biết, đơn vị phụ trách thi công 87% giá trị hợp đồng gói thầu số 42, tổng chiều dài gần 17km đường, 5 cầu và 62 cống…

“Bây giờ chưa dám bàn đến nguồn cát san lấp nền. Do không đủ cát đá, nhiều tháng qua chúng tôi chủ yếu làm các công việc như đóng cọc thử và đóng cọc mố cầu đại trà, đổ bê tông bệ móng và trụ cầu. Đặc biệt chất lượng cát ở một số mỏ xấu, chiếm 15 - 43% bùn sét, gây thất thoát rất lớn cho công trình”, trung tá Đại bày tỏ.

Cũng theo ông Đại, sau Tết đơn vị cũng chủ động đẩy nhanh tiến độ thi công theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải.

“Chúng tôi giám sát, theo dõi chặt chẽ quá trình thi công để đảm bảo chất lượng. Năm 2024 là quãng thời gian quan trọng, quyết định tiến độ dự án nên tất cả các công việc phải được tiến hành đồng bộ và quyết liệt”, trung tá Đại nói.

Hoạt động đóng cọc thử và đóng cọc mố cầu đại trà, đổ bê tông bệ móng và trụ cầu - Clip: Tô Văn

Trước đó, chiều 16.1, Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông và nông nghiệp tỉnh An Giang phối hợp với Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Huy đã tiến hành lao lắp dầm cầu đầu tiên của dự án xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng bắc qua kênh Ngang Huệ Đức (xã Vĩnh Nhuận, huyện Châu Thành).

Theo Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Huy, sau 4 tháng thi công xây lắp công trình, đoạn từ Km31+280 - Km43+500 (bao gồm khảo sát, thiết kế bản vẽ thi công) gói thầu xây dựng tuyến đường dài 12,2km (trong đó có 9 cầu) đã được triển khai vượt kế hoạch đề ra.

An Giang cấp thêm hơn 15,5 triệu m3 cát

Sở Tài nguyên và Môi trường An Giang thông tin với báo chí vào ngày 12.3, UBND tỉnh An Giang đã cấp quyền khai thác 10 khu mỏ, với hơn 15,5 triệu m3 cát sông phục vụ các công trình cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng và Cần Thơ - Cà Mau.

Sở này đã làm việc với đại diện chủ đầu tư, nhà thầu để hướng dẫn thực hiện các thủ tục cuối cùng trước khi khai thác cát sông. Đồng thời yêu cầu các nhà thầu sớm bổ nhiệm giám đốc điều hành mỏ, lắp đặt thiết bị, định vị phương tiện khai thác và vận chuyển. Lắp đặt màn hình theo dõi tại trụ sở UBND các xã, nơi có khu mỏ khai thác, đăng ký phương tiện khai thác, vận chuyển.

Sở Tài chính An Giang sẽ hướng dẫn, công bố giá khai thác, xuất hóa đơn, chứng từ cho phương tiện vận chuyển, đưa hóa đơn lên phần mềm để ngành chức năng kiểm soát phương tiện, khối lượng vận chuyển đúng địa chỉ.

3-cat-thieu.jpg
Một hoạt động khai thác cát sông - Ảnh: Tô Văn

Cụ thể, UBND tỉnh An Giang cung cấp cho cao tốc Cần Thơ - Cà Mau gần 5,2 triệu m3 cát. Cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng, đoạn qua tỉnh An Giang hơn 4,11 triệu m3; đoạn qua TP.Cần Thơ gần 3,29 triệu m3 và đoạn qua tỉnh Hậu Giang gần 2,63 triệu m3.

Các khu mỏ có trữ lượng cát sông lớn được cấp cho cao tốc lần này gồm mỏ trên sông Hậu thuộc xã Khánh Hòa, huyện Châu Phú và xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân được cấp quyền khai thác cho Công ty cổ phần Hải Đăng hơn 1,1 triệu m3 và Công ty cổ phần xây dựng Tân Nam hơn 816.000 m3.

Mỏ trên sông Tiền thuộc xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới cấp cho Công ty TNHH Tập đoàn Định An khai thác hơn 3,2 triệu m3. Mỏ sông Tiền đoạn thuộc Phú An, huyện Phú Tân cấp cho Tổng công ty 36-CTCP khai thác hơn 724.000 m3.

Hai mỏ sông Hậu đoạn thuộc xã Mỹ Phú, huyện Châu Phú và xã Phú Bình, huyện Phú Tân; mỏ sông Hậu đoạn thuộc xã Bình Thủy, huyện Châu Phú và xã Bình Thạnh Đông, xã Tân Hòa, huyện Phú Tân được cấp cho Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn khai thác với trữ lượng hơn 3 triệu m3.

UBND tỉnh An Giang giao Sở Tài nguyên và Môi trường chịu trách nhiệm toàn diện trước pháp luật về hoạt động thẩm định, đánh giá tác động môi trường và các hoạt động khai thác cát sông tại các khu mỏ.

Phối hợp với Công an tỉnh An Giang và các đơn vị, địa phương liên quan theo dõi, giám sát, kiểm tra chặt chẽ việc khai thác cát đúng vị trí, đúng độ sâu cho phép. Việc khai thác vận chuyển cát phải đến tận công trình, nghiêm cấm việc lợi dụng bán ra ngoài để trục lợi.

Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 có tổng chiều dài 188,2km đi qua 4 tỉnh, thành: An Giang, Cần Thơ, Hậu Giang và Sóc Trăng.

Điểm đầu kết nối quốc lộ 91 thuộc TP.Châu Đốc (An Giang) và điểm cuối giao với quốc lộ Nam Sông Hậu, kết nối đường dẫn cảng Trần Đề (Sóc Trăng), với tổng mức đầu tư 44.691 tỉ đồng. Dự kiến, toàn tuyến hoàn thành và đưa vào sử dụng năm 2027.

Giai đoạn 1, dự án được đầu tư quy mô phân kỳ 4 làn xe, vận tốc thiết kế 100 km/giờ. Giai đoạn hoàn chỉnh, dự án sẽ được đầu tư quy mô 6 làn xe.

Trong đó, dự án thành phần 1 tại tỉnh An Giang có chiều dài 57,2km, dự án thành phần 2 tại TP.Cần Thơ dài 37,2km, dự án thành phần 3 tại tỉnh Hậu Giang dài gần 37km và dự án thành phần 4 tại tỉnh Sóc Trăng dài 56,9km.

Tô Văn