Thứ trưởng Bộ Công Thương lên tiếng vụ 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc đội lốt hàng Việt
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:45, 06/11/2019
Liên quan đến 1,8 triệu tấn nhôm Trung Quốc đội lốt hàng Việt, trả lời báo chí tại cuộc họp báo chính phủ thường kỳ chiều 5.11, Thứ trưởng Bộ Công Thương Cao Quốc Hưng cho hay Bộ Công Thương đã cho tổ chức kiểm tra đầy đủ và thấy không có vi phạm trong vấn đề cấp giấy chứng nhận xuất xứ C/O cho doanh nghiệp.
Theo ông Hưng, ở đây tính chất không phải xuất xứ mà vấn đề là lẩn tránh thương mại, lẩn tránh xuất xứ.
“Nghĩa là khi nhập hàng nguyên liệu về thì chúng ta có thể đầy đủ cơ sở để xác định là với một tỷ lệ phần trăm nhất định, với mức độ gia công chế biến vẫn không thể qua được xuất xứ. Tuy nhiên, lẩn tránh xuất xứ tức là một nước nào đấy không muốn xuất xứ từ chính họ thì có thể vòng qua nước thứ ba để lẩn tránh xuất xứ”, ông Hưng nói.
Theo ông Hưng, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục hỗ trợ các doanh nghiệp trong các vụ việc phòng vệ thương mại và sản phẩm của Việt Nam là đối tượng bị điều tra. Đồng thời, sẽ làm việc với các nước để nắm bắt các đối tượng trong quy định về phòng vệ thương mại hay là các biện pháp phòng vệ thương mại để kịp thời cảnh báo cho doanh nghiệp.
“Chúng tôi cũng đang tăng cường các vấn đề liên quan khác về gian lận xuất xứ và lẩn tránh xuất xứ. Chúng tôi đang triển khai quyết liệt đề án tăng cường biện pháp quản lý chống vi phạm trong việc lẩn tránh xuất xứ và gian lận thương mại. Việc này còn phụ thuộc vào các cơ quan, các nước nhập khẩu, như theo quy định của EU, Mỹ yêu cầu về chứng nhận xuất xứ và yêu cầu các doanh nghiệp tự khai xuất xứ”, ông Hưng nói.
Về việc xử lý trách nhiệm, ông Hưng cho biết Bộ sẽ tiến hành kiểm tra thêm phía doanh nghiệp bởi họ chưa xuất khẩu sang Mỹ.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cũng cho hay, trong chiến tranh thương mại Mỹ-Trung, vấn đề cán cân thương mại giữa Việt Nam và Mỹ là vấn đề phải suy nghĩ. Thủ tướng Chính phủ rất quyết liệt trong việc này.
“Nếu chúng ta quản lý không tốt thì chính đây là những cơ sở khiến chúng ta sẽ thiệt hại rất lớn. Quy định của chúng ta giá trị gia tăng phải 30%, nhưng nếu chúng ta để bị lợi dụng xuất xứ hàng hóa, lấy thương hiệu Việt để xuất khẩu sang những nước mà sau này có sự áp thuế lên những mặt hàng của chúng ta thì rất nguy hiểm”, ông Dũng nói và cho hay xuất nhập khẩu hai chiều chúng ta đạt 60 tỉ USD, chiếm một tỷ trọng rất lớn, khoảng 20% kim ngạch của cả nước. Thế nhưng với những nước lớn thì quy mô 500 tỉ USD lại rất nhỏ.
Thủ tướng đã có chỉ thị các cơ quan chức năng, đặc biệt là cấp C/O của Bộ Công Thương với những nước liên quan đến FTA, cấp C/O còn lại giao cho VCCI. Trong thời kỳ ban đầu, khi có chiến tranh thương mại, chúng ta cũng tạo điều kiện cho các doanh nghiệp về thủ tục xuất nhập khẩu. Nhưng bây giờ chúng ta phải nhìn nhận lại vấn đề cấp C/O.
“Nếu chúng ta cấp dễ dãi, đánh giá mà không có kiểm tra, chỉ kê khai lên là cấp thì chính chúng ta sẽ chịu hậu quả rất lớn là bị áp thuế và chúng ta sẽ chịu thiệt. Vậy phải thẳng thắn thực hiện nghiêm túc điều này”, ông Dũng nhấn mạnh.
Cùng với đó, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho rằng các cơ quan chức năng, nhất là các cơ quan hải quan thuộc Bộ Tài chính rồi các cơ quan cửa khẩu, yêu cầu khi kiểm tra phải có xem xét đánh giá. Tránh việc đầu tư trước đây là một dự án có nhiều triệu đô la nhưng bây giờ một dự án có thể 2-3 triệu đô, chỉ bằng cái nhà xưởng, chỉ có mang hàng hóa đến sau đó dán nhãn, đóng gói thì đó không gọi là đầu tư mà là núp bóng đầu tư, lợi dụng để làm nhà xưởng chuyển giao, tập kết, đóng gói, dán mác.
“Tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng là giao Bộ Công Thương là cơ quan chủ trì báo cáo với Chính phủ để trình Chính phủ ban hành văn bản liên quan đến nhiệm vụ và các giải pháp chống gian lận thương mại. Đây là chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng. Nhìn kinh tế vĩ mô, nếu chúng ta để lợi dụng từ các nước bên cạnh chúng ta, chúng ta sẽ bị thua thiệt rất nhiều”, ông Dũng nêu.
Lam Thanh