Những lưu ý về lãi suất khi dùng thẻ tín dụng
Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:16, 16/03/2024
Những lưu ý về lãi suất khi dùng thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng là một giải pháp tài chính được phía ngân hàng cung cấp cho khách hàng với hình thức chi tiêu trước, trả tiền sau.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Thông tư số 19/2016, thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ.
Theo đó, thẻ tín dụng (credit card) là thẻ cho phép chủ thẻ thực hiện giao dịch thẻ trong phạm vi hạn mức tín dụng đã được cấp theo thỏa thuận với tổ chức phát hành thẻ. Có thể hiểu lãi suất thẻ tín dụng chính là một khoản phí mà khách hàng phải trả khi thực hiện rút tiền mặt hoặc không đảm bảo nghĩa vụ thanh toán nợ theo quy định khi sử dụng thẻ tín dụng.
Thông thường, mỗi ngân hàng sẽ quy định thời gian miễn lãi để khách hàng thu xếp và cân đối tài chính. Nếu chủ thẻ thanh toán tiền trong khoảng thời gian này thì sẽ không bị tính phí.
Theo quy định, thỏa thuận về việc cấp tín dụng cho chủ thẻ, bao gồm: Các hạn mức và sự thay đổi hạn mức sử dụng thẻ, bao gồm cả hạn mức thấu chi (đối với thẻ ghi nợ) và hạn mức tín dụng; lãi suất, phương thức tính lãi tiền vay, thứ tự thu hồi nợ gốc và lãi tiền vay (đối với thẻ tín dụng và thẻ ghi nợ được thấu chi); thời hạn cấp tín dụng, mục đích vay, thời hạn trả nợ, mức trả nợ tối thiểu, phương thức trả nợ, phí phạt khoản nợ quá hạn (nếu có). Thỏa thuận về việc cấp tín dụng cho chủ thẻ có thể được nêu trong hợp đồng phát hành và sử dụng thẻ hoặc tại văn bản thỏa thuận riêng.
Theo đó, lãi suất, phương thức tính lãi tiền vay,... đối với thẻ tín dụng là sự thỏa thuận của ngân hàng và khách hàng (chủ thẻ tín dụng). Mỗi ngân hàng sẽ có quy định về mức lãi suất thẻ tín dụng khác nhau đối với khách hàng của mình. Lãi suất thẻ tín dụng có thể phát sinh trong một số trường hợp như sau đây:
Rút tiền mặt: lãi suất sẽ được tính ngay từ thời điểm rút tiền mặt tại ATM hoặc quầy giao dịch; mức lãi suất thường cao hơn nhiều so với lãi suất thanh toán hàng hóa, dịch vụ.
Nếu khách hàng không thực hiện việc chi trả số tiền chi tiêu ở mức tối thiểu thì sẽ bị tính phí trả chậm; không thanh toán toàn bộ nợ trong thời gian miễn lãi thì khách hàng có thể bị tính lãi dựa trên tổng số tiền đã sử dụng với mức lãi suất thường cao hơn lãi suất thanh toán đúng hạn.
Trên thực tế hiện nay, số tiền chi tiêu tối đa nằm trong hạn mức thẻ tín dụng được cấp. Chủ thẻ được hưởng thời gian miễn lãi trung bình từ 45 - 55 ngày. Hết thời hạn miễn lãi, chủ thẻ có 2 lựa chọn thanh toán mỗi tháng (tương đương với mỗi kỳ sao kê): thanh toán dư nợ tối thiểu hoặc thanh toán toàn bộ dư nợ.
Trường hợp chủ thẻ chọn thanh toán dư nợ tối thiểu (khoảng 5% tổng số tiền mà khách hàng đã chi tiêu trong kỳ sao kê) sẽ không bị tính phí phạt trả chậm. Tuy nhiên, khoản nợ còn lại vẫn sẽ bị tính lãi suất lên tới 20% - 40%/năm (tùy ngân hàng) và sẽ được cộng dồn vào kỳ thanh toán kế tiếp.
Trong trường hợp chủ thẻ không thanh toán đủ dư nợ tối thiểu trong 1 kỳ sao kê theo thông báo của ngân hàng, sẽ bị tính lãi dựa trên toàn bộ dư nợ cộng thêm phí chậm trả.
Cụ thể, khách hàng sẽ phải chịu phí phạt trả chậm khoảng 5% tổng dư nợ (tối thiểu là 100.000 đồng, tùy theo quy định của ngân hàng) và lãi suất quá hạn lên đến 20 - 40%/năm, số tiền sẽ được tính tùy theo số ngày quá hạn.
Với những trường hợp chậm trả thanh toán thẻ tín dụng trong thời gian dài, số tiền phát sinh có thể hiểu như sau: số tiền lãi và gốc phải trả của kỳ này được tính dựa trên số tiền gốc và lãi phải trả của kỳ ngay trước đó (không phải tính dựa trên dư nợ gốc).
Mới đây, trường hợp một khách hàng của ngân hàng Eximbank ở Quảng Ninh mở thẻ tín dụng và có phát sinh dư nợ hơn 8,5 triệu đồng nhưng không thanh toán, 11 năm sau khoản dư nợ này lên tới hơn 8,8 tỉ đồng. Thông tin này khiến nhiều người "sốc" trước số tiền lãi mà người đàn ông ở Quảng Ninh phải trả. Đa phần các ý kiến đều thắc mắc về số tiền lãi mà người đàn ông phải trả được tính như thế nào để ra một con số khổng lồ như vậy.