Từ vụ 4,3 tỉ USD nhôm Trung Quốc: Cần bịt các lỗ hổng gian lận xuất xứ
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 13:46, 04/11/2019
Nhiều mặt hàng có nguy cơ cao gian lận xuất xứ
Theo Tổng cục Hải quan, cơ quan này đã xác định các nhóm mặt hàng liên quan đến gỗ dán, gỗ ván ép; xe đạp, xe đạp điện và các linh kiện; da giày và túi xách; máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; điện gia dụng và linh kiện; điện thoại và linh kiện; nhôm và các sản phẩm từ nhôm; sắt thép và các sản phẩm sắt thép… đưa vào diện kiểm soát đặc biệt. Từ đó, Tổng cục Hải quan đề nghị các đơn vị hải quan địa phương trong quá trình thực hiện cần kiểm soát chặt chẽ từ khâu nhập khẩu đến quy trình sản xuất của doanh nghiệp và đến khâu xuất khẩu.
Ví dụ, ngày 2.11, cơ quan chức năng cũng phát hiện một container chứa 2.780 sản phẩm gồm chăn, màn, gối, nệm với tổng số lượng 317 kiện bao bì carton, trọng lượng hơn 7 tấn, trị giá 591 triệu đồng. Tất cả đều được Công ty TNHH Cao su Talalay Việt Nam khai báo và cung cấp giấy chứng nhận là xuất xứ từ Trung Quốc để hưởng thuế suất ưu đãi.
Tuy nhiên, qua thực tế kiểm tra, bên ngoài các kiện hàng đều có dán giấy "Made in China" (xuất xứ từ Trung Quốc) để qua mặt cơ quan hải quan. Nhưng thực tế bên trong toàn bộ nhãn mác đi liền với sản phẩm đều ghi tên và địa chỉ đơn vị sản xuất là Việt Nam. Như vậy, việc in nhãn xuất xứ Việt Nam đã được thực hiện trước khi nhập cảng vào Việt Nam.
Ngoài ra, gỗ dán cũng là mặt hàng có nguy cơ gian lận xuất xứ cao. Mặt hàng này được Bộ Công Thương ấn định cấp độ 4 - cấp độ nguy hiểm cao nhất. Với mặt hàng này, phía Mỹ đã áp thuế với chống bán phá giá gỗ với Trung Quốc lên tới 183,36% và thuế chống trợ cấp với sản phẩm này của Trung Quốc là từ 22,98% - 194,90%. Do đó, các doanh nghiệp Trung Quốc đã tìm cách mượn xuất xứ từ các đất nước chưa bị Mỹ áp thuế hoặc áp ở mức thấp.
Cùng với đó là mặt hàng đá nhân tạo. Mỹ đã khởi xướng điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc vào tháng 5.2018. Thuế chính thức được áp dụng từ tháng 5.2019.
Mức thuế chống bán phá giá đối với sản phẩm Trung Quốc từ 265,81% đến 336,69%. Mức thuế chống trợ cấp đối với sản phẩm Trung Quốc từ 45,32% đến 190,99%. Thống kê cho thấy, nhập khẩu đá nhân tạo của Mỹ đối với Việt Nam đã tăng ở mức hơn 600% trong tháng 8.2019.
Các mặt hàng như xe đạp điện, lốp xe tải và xe khách, thép chống ăn mòn, vành thép không gỉ, thép tấm cán nóng, sản phẩm đúc bằng gang, xơ sợi tổng hợp… cũng được Bộ Công Thương xếp vào cấp độ nguy hiểm 2, 3.
Cần bịt lỗ hổng pháp luật
Nhiều chuyên gia cho rằng, với việc đội lốt hàng hóa diễn biến phức tạp, Việt Nam hoàn toàn có thể bị áp thuế bán phá giá và phải chịu những trừng phạt thương mại và khiến những doanh nghiệp Việt chân chính chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Luật sư Nguyễn Tiến Hòa (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, những lỗ hổng xuất phát từ việc quản lý, chính sách lỏng lẻo cộng với sự chủ động vi phạm luật pháp, lách luật của các đối thủ ngày càng tinh vi. Trong khi đó, hệ thống văn bản pháp luật Việt Nam chưa có quy định điều chỉnh việc hàng hóa được ghi nhãn sản xuất tại Việt Nam.
Nghị định số 31/2018/NĐ-CP quy định chi tiết Luật Quản lý ngoại thương về xuất xứ hàng hóa xuất nhập khẩu không quy định cụ thể về quy tắc xuất xứ và tiêu chí xuất xứ thế nào là hàng hóa sản xuất tại Việt Nam, mà việc ghi xuất xứ hàng hóa như cụm từ “sản xuất tại” hoặc “chế tạo tại”, “nước sản xuất”, “xuất xứ” hoặc “sản xuất bởi” được giao cho tổ chức, cá nhân sản xuất, nhập khẩu tự xác định.
“Lợi dụng kẽ hở này, không ít doanh nghiệp nhập khẩu linh kiện, cụm linh kiện, cụm chi tiết về Việt Nam chỉ cần lắp ráp đơn giản thành sản phẩm hoàn chỉnh bằng việc lắp ráp và gắn nhãn “xuất xứ Việt Nam”, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng và gian lận khi xuất khẩu. Lỗ hổng về chính sách pháp luật chính là lỗ hổng lớn nhất để gian lận xuất xứ hàng hóa có nguy cơ gia tăng”, ông Hòa nói.
Luật sư Hòa nhận định, nhiều doanh nghiệp nước ngoài đang lợi dụng Việt Nam để trốn tránh xuất xứ và mong được hưởng lợi về thuế, điều này vô tình làm các đối tác nghi ngờ và thực hiện các biện pháp phòng vệ đối với hàng nhập khẩu từ Việt Nam, từ đó ảnh hưởng tiêu cực tới hoạt động xuất khẩu. Hàng Việt sẽ mất uy tín trên thị trường quốc tế, doanh nghiệp Việt giảm sức cạnh tranh.
Ông Hòa nêu quan điểm, các cơ quan có thẩm quyền cần tăng cường công tác kiểm tra, xác định chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O), nhãn mác hàng hóa. Tăng cường giám sát hàng hóa có nguy cơ cao chuyển tải bất hợp pháp, gian lận C/O.
Đối với hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc, kiểm tra cụ thể tên hàng, mã số HS, xuất xứ hàng hóa, nhãn hàng hóa; đảm bảo phải phù hợp với tên hàng, mã số HS xuất xứ hàng hóa trong bộ hồ sơ lô hàng nhập khẩu, giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa.
PGS-TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng phía cơ quan quản lý cần phải quản lý chặt chẽ, có giải pháp bịt các lỗ hổng gian lận xuất xứ. Các cơ quan quản lý xem xét những mặt hàng nào có tốc độ tăng đột biến thì phải chú ý kiếm tra ngay, xem có thực sự tăng do nhu cầu thị trường hay không, hay là tăng do đội lốt xuất xứ.
“Vừa rồi hải quan bắt được rất nhiều, mở contairner toàn "Made in Vietnam" dù đó là hàng nhập, như vậy họ đã in ngay nhãn mác từ nước ngoài để gian lận xuất xứ rồi”, ông Thịnh nói.
Đồng thời, chuyên gia Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng cần khuyến cáo để các doanh nghiệp tỉnh táo, thận trọng trong hợp tác làm ăn, tránh cách làm ăn chụp giật, chạy theo những lợi ích trước mắt, tiếp tay cho các hành vi lợi dụng, núp bóng, gian lận thương mại, gây ảnh hưởng đến uy tín, thậm chí thiệt hại đến các ngành sản xuất trong nước.
Lam Thanh