‘Thống kê kinh tế chưa quan sát chỉ để chứng minh nợ công thấp thì chẳng ích gì’
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 15:08, 02/11/2019
Tại một hội thảo về tính toán lại GDP cho Trường đại học Kinh tế quốc dân tổ chức mới đây, PGS.TS Ngô Trí Long cho biết, với các nền kinh tế phát triển, quy mô khu vực kinh tế chưa được quan sát ở mức thấp, chỉ 2-3%. Nhưng với những nền kinh tế mới nổi, đang phát triển thì quy mô khu vực này có khi lên tới 20-30%.
Với đề án thống kê khu vực kinh tế chưa quan sát được của Tổng cục Thống kê, các chuyên gia kinh tế cho rằng đề án này rất khó cả về lý luận và thực tiễn.
Theo chuyên gia Ngô Trí Long, trước hết, việc xác định phạm vi, ranh giới các thành tố rất khó và thực tiễn thu thập số liệu cũng không đơn giản. Ở Việt Nam, dễ nhận thấy là hoạt động kinh tế phi chính thức xuất hiện khắp mọi nơi, song những thống kê và hiểu biết về khu vực này vẫn còn hạn chế. Việt Nam chưa có một nghiên cứu bài bản và chưa tính toán được các hoạt động này.
Theo cơ quan thống kê, từ năm 2020 sẽ tính toán khu vực kinh tế chưa quan sát vào GDP. Việc này khiến một số chuyên gia lo ngại làm tăng nợ công, tăng chi tiêu...
Trên thực tế, hiện nay GDP của Việt Nam đang tính từ nền kinh tế quan sát được vẫn còn bị nghi ngờ.
Ví dụ, theo ông Ngô Trí Long, trong lĩnh vực hải quan, có những chênh lệch số liệu không được thừa nhận. Chẳng hạn, giữa Hải quan Việt Nam và Trung Quốc, năm 2016, thống kê số liệu nhập khẩu của hải quan Việt Nam thấp hơn 20 tỉ USD so với xuất khẩu của Trung Quốc sang Việt Nam, con số này nửa đầu năm 2017 là 18 tỉ USD…
“Vì thống kê cũng đang dựa nhiều vào ước lượng (có sai số). Nếu tính thêm khu vực kinh tế chưa quan sát được vào GDP nghĩa là lại ước lượng thêm một khoản không chuẩn xác, không có độ tin cậy nữa thì rất nguy hiểm”, ông Long nói.
Vấn đề quan trọng hơn, chuyên gia này cho rằng, nếu cộng cả khu vực kinh tế chưa quan sát được vào GDP sẽ phải điều chỉnh chuỗi thời gian tính GDP ít nhất là 10 năm.
“Đó là nguyên tắc, nếu không số liệu sẽ “gãy” hết. Khi điều chỉnh một chuỗi thời gian cho các dãy số liệu nó sẽ ảnh hưởng đến cấu trúc ngành nghề theo 10 năm điều chỉnh đó, dẫn đến tốc độ tăng trưởng GDP sẽ khác, cấu trúc GDP sẽ khác, cấu trúc ngành sẽ khác. Việc này kéo theo cấu trúc của nhu cầu, tiêu dùng, tích luỹ, xuất nhập khẩu sẽ khác... dẫn đến tất cả các báo cáo, công trình nghiên cứu từ trước đến nay sẽ không còn giá trị”, ông Long nhấn mạnh.
Theo đó, chuyên gia này cho hay, các con số tăng trưởng hay dự tính tăng trưởng hằng năm mà Quốc hội đưa ra bàn thảo sẽ là hình thức, không đúng bản chất, vì dự tính tổng đầu tư, thu – chi ngân sách… chỉ dựa trên khu vực kinh tế quan sát được, nhưng tăng trưởng thực tế lại gồm cả kinh tế chưa quan sát được.
“Khi tính kinh tế chưa quan sát được vào GDP thành tích tăng trưởng GDP lúc đó lại không thực chỉ là ảo, nó cho thấy thu nhập bình quân đầu người tăng lên (do quy mô GDP lớn hơn), tỷ lệ bội chi, tỷ lệ nợ công giảm đi… nhưng thực tế không phải vậy. GDP tăng từ cách tính mới này cũng do thuế tăng, phí tăng… tất yếu sẽ liên quan đến người dân”, ông Long chia sẻ.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, nước nào cũng có khu vực kinh tế chưa được quan sát, tỷ lệ bao nhiêu phụ thuộc vào trình độ quản lý và mức độ tham nhũng. Tham nhũng càng cao khu vực kinh tế chưa được quan sát càng lớn.
“Nếu tìm cách đo lường kinh tế chưa quan sát được chỉ để làm tăng quy mô GDP, chứng minh tỷ lệ nợ công thấp hơn, bội chi/GDP không lớn... thì không mang lại lợi ích gì, nếu không thực sự quyết tâm khắc phục các vấn đề về nợ công, thu chi, đặc biệt là chi ngân sách”, ông Long nêu quan điểm và cho rằng, dù có thống kê hay không, bản chất sức khỏe nền kinh tế vẫn thế, chỉ khác là trước chưa ước tính, nay làm thôi”, ông Long nhấn mạnh.
Theo đó, việc tăng nợ công, chi tiêu của khu vực nhà nước như thế nào còn phụ thuộc khả năng trả nợ của chính phủ, cũng như phụ thuộc vào hiệu quả chi tiêu công.
“Nếu ngân sách nhà nước cứ thâm hụt mãi, nợ nần liên tục tăng trong khi tăng trưởng không tương xứng thì không thể gia tăng nợ công, chi tiêu công. Thêm nữa là phải triệt tiêu hoạt động tham nhũng liên quan chi tiêu công, chứ không phải cứ bày vẽ ra rồi làm thất thoát tài sản và gây lãng phí”, ông Long nói.
PGS.TS Ngô Trí Long nêu giải pháp, cách tốt nhất để quản lý kinh tế chưa quan sát được là Chính phủ tạo điều kiện thuận lợi, tạo môi trường kinh doanh minh bạch, lâu dài hơn nữa cho doanh nghiệp, người dân. Khi còn lót tay, tham nhũng thì kinh tế ngầm còn dư địa phát triển và cũng không thể thống kê được, chưa nói tới việc lượng hoá nó để đưa vào GDP.
Bên cạnh việc ban hành các chính sách, quy định, chế tài đủ mạnh và thực thi nghiêm cần có các biện pháp để khuyến khích các tổ chức và cá nhân đang hoạt động trong khu vực kinh tế phi chính thức từng bước chuyển sang hoạt động trong khu vực kinh tế chính thức
“Không thể dùng biện pháp hành chính để can thiệp, buộc khu vực kinh tế phi chính thức trở thành chính thức, mà phải rà soát, đơn giản hóa các thủ tục hành chính mà khu vực kinh tế chính thức đang phải gánh chịu”, ông Long nói.
Chuyên gia này cũng nhấn mạnh, việc thống kê hoạt động kinh tế chưa quan sát được và đặc biệt kinh tế bất hợp pháp là rất khó khăn vì đối tượng không khai báo.
Về nguyên tắc để thống kê, chỉ những hoạt động kinh tế tạo ra hàng hóa và dịch vụ trong khu vực kinh tế chưa được quan sát mới đủ điều kiện cần để được tính vào GDP. Tuy nhiên, không phải cái nào tạo ra hàng hóa và dịch vụ cũng được đưa vào GDP, mà phải tương đồng với các nước, phù hợp chuẩn mực quốc tế.
Lam Thanh