Giải pháp tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của nền kinh tế

Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 17:50, 18/03/2024

Để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của nền kinh tế, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp tác động cả tổng cung và tổng cầu tronng năm 2024.
Thị trường và chính sách

Giải pháp tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của nền kinh tế

Lam Thanh 18/03/2024 17:50

Để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của nền kinh tế, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp tác động cả tổng cung và tổng cầu tronng năm 2024.

TS Cấn Văn Lực và nhóm tác giả tại Viện Đào tạo và nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo về giải pháp tổng thế tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của doanh nghiệp (DN) và người dân trong bối cảnh hiện nay.

Theo nhóm nghiên cứu, để tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của nền kinh tế, cần thực hiện đồng bộ nhiều nhóm giải pháp tác động cả tổng cung và tổng cầu năm 2024.

Theo đó, Chính phủ chỉ đạo tiếp tục nghiêm túc thực hiện các nghị quyết, chỉ thị, nghị định, công điện gần đây của Chính phủ, bình ổn, lành mạnh hóa các thị trường (chứng khoán, bất động sản (BĐS), trái phiếu, vàng…) nhằm củng cố niềm tin nhà đầu tư, DN và người dân.

Ngoài ra, phải nâng cao hiệu quả phối hợp chính sách (đặc biệt giữa chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách vĩ mô khác), phấn đấu tiếp tục giảm lãi suất, bình ổn tỷ giá, giá cả hàng hóa thiết yếu và các thị trường tài chính, đất đai, BĐS… nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.

Trong đó, cần kiến nghị Quốc hội, Chính phủ cho phép áp dụng các chính sách hỗ trợ người dân, DN như đã áp dụng trong năm 2023 (như giãn hoãn, giảm thuế phí; cơ cấu lại nợ, gia hạn Thông tư 02/NHNN, sửa đổi Thông tư 06/NHNN...).

Nhóm nghiên cứu cũng đề nghị thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, trong đó cần tập trung vào các động lực tăng trưởng. Theo đó, cần đẩy mạnh xuất khẩu, kích cầu đầu tư tư nhân (chỉ tăng 2,7% năm 2023 - mức tăng thấp nhấp 5 năm qua) bằng cách quyết liệt cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, kích cầu tiêu dùng, ngoài các giải pháp quyết liệt của Thủ tướng, của Chính phủ về giải ngân đầu tư công, thu hút FDI có chất lượng cao...

Thêm nữa, phải quan tâm thúc đẩy các động lực tăng trưởng mới như liên kết vùng với việc thúc đẩy tăng trưởng của các đầu tàu nền kinh tế, tăng tính lan tỏa, nhất là Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng. 3 địa phương này đóng góp khoảng 32% GDP cả nước năm 2023) và kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, tăng năng suất lao động…

sx-1.jpeg
Tăng khả năng tiếp cận và hấp thụ vốn của nền kinh tế

Nhóm nghiên cứu khuyến nghị cần có đánh giá đúng và trúng thực trạng tình hình DN, từ đó tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc; sớm ban hành cơ chế, chính sách hỗ trợ DN chịu tác động từ việc áp dụng chính sách thuế tối thiểu toàn cầu; giải quyết dứt điểm những vụ việc vi phạm về chứng khoán, BĐS vừa qua nhằm củng cố niềm tin của người dân và DN…

Ngoài ra, cần quyết liệt hơn trong giải quyết vướng mắc, khó khăn của thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường BĐS (nhất là các vấn đề về pháp lý) như các nghị quyết, nghị định và chỉ thị của Chính phủ đã được ban hành thời gian qua; sớm xem xét thành lập Quỹ phát triển nhà ở xã hội (như là một chương trình hỗ trợ mạnh cho thị trường BĐS phục hồi)...

Quốc hội, Chính phủ tiếp tục cho phép các ngân hàng thương mại có sở hữu nhà nước tiếp tục được giữ lại lợi nhuận nhà nước hằng năm để tăng vốn, tạo điều kiện các tổ chức tín dụng dẫn dắt, tham gia tái cơ cấu các tổ chức tín dụng yếu kém, có điều kiện tăng tín dụng, triển khai các gói hỗ trợ và giảm mặt bằng lãi suất cho vay.

Cần ưu tiên tháo gỡ khó khăn cho thị trường trái phiếu doanh nghiệp để giảm bớt gánh nặng cho kênh tín dụng (sớm sửa đổi Nghị định 65 để thay thế cho Nghị định 08 năm 2023 đã hết hạn); đẩy nhanh thực thi các nhóm giải pháp nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam.

DN cũng cần quyết tâm cơ cấu lại, giảm chi phí; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm sử dụng vốn, minh bạch thông tin (theo đúng cam kết, hồ sơ phát hành trái phiếu hoặc vay vốn); giải quyết đúng và đủ các cam kết trả nợ (chủ đầu tư, doanh nghiệp BĐS xem xét tiếp tục giảm giá bán về mức hợp lý hơn, phù hợp hơn với thu nhập của người dân); xây dựng lộ trình niêm yết, áp dụng xếp hạng tín nhiệm trái phiếu doanh nghiệp phù hợp...

Cần đa dạng hóa nguồn vốn (tránh chỉ phụ thuộc vào một nguồn tín dụng, quan tâm hơn đến cả phương thức thuê tài chính, tài trợ chuỗi cung ứng...); tăng cường kiểm soát rủi ro, nhất là rủi ro tài chính, lãi suất, tỷ giá, lừa đảo, an ninh mạng (có thể hợp tác với các DN công nghệ, tổ chức tín dụng, thương vụ, hiệp hội)…

DN cũng cần tính cả bài toán dài hơi hơn như chú trọng chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ trong phát triển, quản lý, vận hành hoạt động DN; đào tạo, phát triển đội ngũ nhân sự chất lượng cao và đẩy mạnh xanh hóa, phát triển bền vững. Đây cũng là xu thế tất yếu hiện nay và trong thời gian tới.

Đối với các tổ chức tín dụng, cần nhất quán, đồng bộ tiết giảm chi phí, cân đối chi phí huy động vốn, phấn đấu tiếp tục giảm mặt bằng lãi suất cho vay; chủ động thực hiện Thông tư 02/2023/TT-NHNN về cơ cấu lại nợ, Thông tư 06 và Thông tư 10 về hoạt động cho vay của các tổ chức tín dụng; triển khai hiệu quả các gói tín dụng đã đề ra, thúc đẩy tăng trưởng đều tín dụng từ đầu năm, không quá dồn vào các tháng cuối năm…

Thêm nữa, cần rà soát, linh hoạt hơn, phù hợp hơn trong việc áp dụng các điều kiện tín dụng (gồm cả việc xem xét, chấp nhận tài sản bảo đảm là hàng tồn kho, đơn hàng, hợp đồng thi công...); tinh giản quy trình, đẩy nhanh tiến độ phê duyệt tín dụng…

Lam Thanh