Trung Quốc tìm ra cách mới gây bất lợi cho các công ty Mỹ
Thế giới số - Ngày đăng : 21:45, 18/03/2024
Trung Quốc tìm ra cách mới gây bất lợi cho các công ty Mỹ
Trang Bloomberg đưa tin Trung Quốc đã bắt đầu yêu cầu các hãng ô tô điện trong nước tăng cường chi tiêu cho các nhà sản xuất chip địa phương, gây bất lợi cho các công ty Mỹ.
Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc mới đây đã trực tiếp hướng dẫn các công ty tránh sử dụng chất bán dẫn nước ngoài nếu có thể. Chỉ thị này gây ra sự không chắc chắn với hoạt động kinh doanh của Nvidia và Texas Instruments (Mỹ), NXP Semiconductor (Hà Lan), Renesas Electronics (Nhật Bản) - các công ty nước ngoài đang cạnh tranh với đối thủ địa phương để cung cấp chip cho thị trường ô tô điện lớn nhất thế giới.
Trung Quốc ngày càng hỗ trợ nhiều hơn cho ngành công nghiệp chip nước này, vốn rất quan trọng trong việc thúc đẩy phát triển nền kinh tế và duy trì lợi thế địa chính trị.
Trung Quốc đã tán thành nỗ lực của các công ty lớn trong nước, chẳng hạn Huawei, thông qua trợ cấp và các chính sách có mục tiêu. Trung Quốc đang thành lập một quỹ trị giá hơn 27 tỉ USD để thúc đẩy đầu tư vào chip và tăng chi tiêu cho nghiên cứu trên toàn quốc lên hơn 51 tỉ USD.
Chỉ thị nêu trên là sự mở rộng của nỗ lực không ngừng nhằm khơi dậy tinh thần dân tộc bằng cách khuyến khích tập trung vào ngành công nghiệp trong nước thay vì phụ thuộc vào Mỹ.
Nỗ lực đó đã ảnh hưởng đến doanh số iPhone của Apple, giảm 24% trong 6 tuần đầu năm 2024 do sự phổ biến ngày càng tăng của smartphone thay thế từ Huawei. Nó cũng làm tổn thương Tesla trong cuộc chiến giành thị phần với các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc vốn đang cạnh tranh về giá.
Trong trường hợp mới đây, Trung Quốc cố gắng thay đổi chuyện phụ thuộc vào chip Mỹ của các nhà sản xuất ô tô trong nước bằng cách khuyến khích khả năng tự cung tự cấp.
Những chiếc ô tô điện ngày nay giống như máy tính gắn trên bánh xe, với chip từ các công ty Mỹ thường đóng vai trò then chốt trong việc phát triển những chiếc xe mới được sản xuất tại Trung Quốc.
Ví dụ, BYD (đối thủ của Tesla) vào tháng 3.2023 đã hợp tác với Nvidia (gã khổng lồ chip Mỹ) để sử dụng các thiết kế chip Orin chuyên dụng của mình trong các mẫu ô tô điện Dynasty và Ocean EV nhằm hỗ trợ mọi thứ, từ lái xe và đỗ xe tự động cho đến giải trí bên trong.
Vì vậy, bằng cách yêu cầu các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc như BYD và Geely hướng chi tiêu vốn cho các nhà sản xuất chip địa phương, Bắc Kinh đang đặt ra một rào cản khác với các hãng công nghệ Mỹ đang tìm cách kinh doanh tại thị trường quan trọng với sự tăng trưởng của họ những năm gần đây.
Ví dụ, Apple đã tạo ra gần 20% doanh thu từ việc bán hàng tại Trung Quốc vào năm ngoái. Nvidia báo cáo doanh thu 10,3 tỉ USD từ Trung Quốc trong năm tài chính 2023, tăng từ mức 5,8 tỉ USD của năm 2022.
Các nhà sản xuất chip Mỹ đã có thời gian chuẩn bị cho cuộc sống không có Trung Quốc. Chẳng hạn, Nvidia đã thừa nhận trong hồ sơ rằng “vị thế cạnh tranh của họ đã bị tổn hại” sau khi Mỹ đưa ra các yêu cầu vào năm ngoái nhằm hạn chế xuất khẩu sang Trung Quốc.
Thời gian qua, Mỹ đã áp dụng nhiều cách trừng phạt Trung Quốc và các công ty nước này.
Những biện pháp kiểm soát xuất khẩu cứng rắn từ chính quyền Biden gây khó khăn cho doanh số bán hàng của Nvidia cũng như các công ty Trung Quốc lo ngại rằng năng lực công nghệ của các hãng trong nước tụt hậu so với các đối tác Mỹ.
Tuần qua, Hạ viện Mỹ đã bỏ phiếu ủng hộ dự luật đe dọa cấm TikTok, trừ khi công ty mẹ ByteDance (Trung Quốc) thoái vốn khỏi nó trong vòng 6 tháng. Điều này đe dọa sẽ là một cú đánh lớn với TikTok và ByteDance. Trong đó TikTok có nguy cơ mất hơn 170 triệu người dùng ở Mỹ và ByteDance có thể mất một ứng dụng cực kỳ phổ biến đã đạt doanh thu 16 tỉ USD vào năm 2023 ở nước này, theo trang Financial Times. Trung Quốc chắc chắn không hài lòng về điều này.
Cuối tháng 2, Nhà Trắng cho biết Mỹ đang mở một cuộc điều tra về việc liệu ô tô nhập khẩu từ Trung Quốc có gây ra rủi ro an ninh quốc gia hay không và có thể áp đặt các hạn chế do lo ngại về công nghệ ô tô “được kết nối”.
Nhà Trắng tuyên bố cuộc điều tra của Bộ Thương mại Mỹ là cần thiết vì các phương tiện "thu thập lượng lớn dữ liệu nhạy cảm về tài xế và hành khách, thường xuyên sử dụng camera và cảm biến để ghi lại thông tin chi tiết về cơ sở hạ tầng của Mỹ".
Vì các ô tô tự lái có thể "được điều khiển hoặc vô hiệu hóa từ xa", Bộ Thương mại Mỹ cũng sẽ xem xét các loại xe này.
Tổng thống Mỹ - Joe Biden cho biết trong một tuyên bố: “Các chính sách của Trung Quốc có thể làm thị trường Mỹ ngập tràn xe của họ, gây ra rủi ro cho an ninh quốc gia. Tôi sẽ không để điều đó xảy ra dưới dưới sự quản lý của tôi".
Các quan chức Nhà Trắng nói với phóng viên rằng còn quá sớm để nói hành động nào có thể được thực hiện và cho biết chưa có quyết định nào về lệnh cấm hoặc hạn chế với các phương tiện được kết nối của Trung Quốc.
Ngoài ra, các quan chức Nhà Trắng nói rằng chính phủ Mỹ có quyền lực pháp lý rộng rãi và có thể thực hiện những hành động với "tác động lớn".
Ông Biden gọi nỗ lực này là “hành động chưa từng có nhằm đảm bảo rằng ô tô trên đường phố Mỹ từ các quốc gia đáng quan ngại như Trung Quốc không làm suy yếu an ninh quốc gia của chúng ta”.
Có tương đối ít ô tô hạng nhẹ do Trung Quốc sản xuất được nhập khẩu vào Mỹ. Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết: “Chính quyền đang hành động trước khi chúng (ô tô Trung Quốc – PV) trở nên phổ biến và có khả năng đe dọa quyền riêng tư cũng như an ninh quốc gia của chúng ta”.
Các nhà sản xuất ô tô điện Trung Quốc đang coi Đông Nam Á, Trung Đông và châu Âu là thị trường xuất khẩu lớn nhất của họ. BYD, hãng sản xuất ô tô điện lớn nhất Trung Quốc, đã nhiều lần thông báo không có kế hoạch bán xe của mình tại thị trường Mỹ.
Cui Dongshu, Tổng thư ký Hiệp hội Xe chở khách Trung Quốc, cho rằng trong số tất cả phương tiện được trang bị cảm biến thông minh, việc nhắm mục tiêu ô tô từ một quốc gia cụ thể và áp đặt các hạn chế riêng với chúng là không công bằng.
Ngoài ra, chính quyền Biden đang xem xét áp đặt mức thuế mới với ô tô do Trung Quốc sản xuất và các quan chức phải đối mặt với áp lực mới nhằm hạn chế nhập khẩu xe điện Trung Quốc từ Mexico.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington nhiều lần chỉ trích đề xuất của chính quyền Biden nhằm áp đặt các hạn chế mới với thương mại Trung Quốc và kêu gọi “Mỹ ngưng thổi phồng lý thuyết về 'mối đe dọa Trung Quốc' và đàn áp không chính đáng với các công ty Trung Quốc".
Tháng 11.2023, một nhóm các nhà làm luật lưỡng đảng của Mỹ đã đưa ra cảnh báo về việc các công ty Trung Quốc thu thập và xử lý dữ liệu nhạy cảm trong khi thử nghiệm ô tô tự lái ở Mỹ.
Bộ Thương mại Mỹ sẽ lấy ý kiến trong 60 ngày và sau đó xem xét soạn thảo các quy định để giải quyết những lo ngại. Cuộc điều tra cũng sẽ tìm kiếm thông tin chi tiết về những chiếc xe Trung Quốc hiện được lắp ráp tại Mỹ, gồm cả phần mềm cấp phép của các nhà sản xuất ô tô.
Mỹ trước đây đã cấm các công ty viễn thông Trung Quốc tham gia thị trường của mình với lý do lo ngại về dữ liệu và chỉ định Huawei cùng ZTE là mối đe dọa an ninh quốc gia, yêu cầu các nhà mạng Mỹ loại bỏ thiết bị của họ khỏi mạng của nước này.
Nhà Trắng cho biết Trung Quốc đặt ra những hạn chế đáng kể với ô tô Mỹ và các nước ngoài khác hoạt động tại Trung Quốc. “Vậy tại sao các phương tiện được kết nối từ Trung Quốc lại được phép hoạt động ở nước ta mà không có biện pháp bảo vệ?”, ông Biden nói.
Những năm gần đây, Trung Quốc đã tăng cường giám sát việc quản lý dữ liệu trong nước và hầu hết các ngành phải xin phép trước khi dữ liệu có thể được chuyển ra nước ngoài. Hồi tháng 5.2023, các nhà chức trách Trung Quốc đã thắt chặt các quy định về dữ liệu với ngành công nghiệp ô tô và đề xuất cấm các phương tiện thông minh ở Trung Quốc truyền dữ liệu trực tiếp ra nước ngoài, thay vào đó buộc chúng phải sử dụng các dịch vụ đám mây trong nước.
Việc trừng phạt và hạn chế qua lại của Mỹ cùng Trung Quốc sẽ khiến doanh nghiệp cả hai nước phải chịu tổn thương nhiều hơn trong tương lai. Các hãng công nghệ Mỹ cũng có thể chịu tổn thất nhiều hơn so với họ dự kiến.