TP.HCM: Bệnh tay chân miệng bất ngờ tăng đột biến

Thông tin Y học - Ngày đăng : 20:44, 19/03/2024

Trong tuần qua, số ca mắc tay chân miệng tại TP.HCM tăng cao, lên đến hơn 40% so với các tuần trước đó. Đây cũng là tuần có số ca mắc tay chân miệng tăng cao nhất từ đầu năm đến nay.
Thông tin Y học

TP.HCM: Bệnh tay chân miệng bất ngờ tăng đột biến

Hồ Quang 19/03/2024 20:44

Trong tuần qua, số ca mắc tay chân miệng tại TP.HCM tăng cao, lên đến hơn 40% so với các tuần trước đó. Đây cũng là tuần có số ca mắc tay chân miệng tăng cao nhất từ đầu năm đến nay.

Ngày 19.3, Trung tâm kiểm soát bệnh tật TP.HCM cho biết trong tuần qua (từ ngày 11.3 đến 17.3), TP ghi nhận 107 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 40,8% so với trung bình 4 tuần trước, nâng tổng số ca mắc tay chân miệng từ đầu năm 2024 đến tuần qua là 1.495 ca. Trong đó quận 6, quận 8 và huyện Nhà Bè là những địa phương trên 100.000 dân có ca mắc.

tphcm-benh-tay-chan-mieng-bat-ngo-tang-dot-bien-hinh-anh.png
Bệnh nhi mắc tay chân miệng điều trị tại một cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM - Ảnh: PV

Nếu so với tuần thứ 10, TP ghi nhận 82 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, tăng 7,9% so với trung bình 4 tuần trước, thì số ca mắc tay chân miệng tuần thứ 11 (từ ngày 11.3 đến 17.3) tăng gần gấp đôi.

Như vậy, đây là tuần có số ca mắc tay chân miệng cao nhất từ đầu năm 2024 đến nay.

Trước tình hình trên, Sở Y tế cho biết đã tổ chức tập huấn nâng cao năng lực điều trị cho tất cả cơ sở khám, chữa bệnh từ phòng khám đến các bệnh viện tuyến quận, huyện, bệnh viện đa khoa có khoa nhi trên địa bàn TP, chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế để tiếp nhận điều trị cho bệnh nhi ở TP và cả ở các tỉnh thành khác.

Để phòng bệnh tay chân miệng, Sở Y tế khuyến cáo người dân ăn chín, uống chín; vật dụng ăn uống phải đảm bảo được rửa sạch sẽ trước khi sử dụng (tốt nhất là ngâm tráng nước sôi); đảm bảo sử dụng nước sạch trong sinh hoạt hàng ngày; không mớm thức ăn cho trẻ; không cho trẻ ăn bốc, mút tay; không cho trẻ dùng chung khăn ăn, khăn tay, vật dụng ăn uống như cốc, bát, đĩa, thìa.

Ngoài ra, người dân cần thực hiện các biện pháp phòng bệnh tay chân miệng như rửa tay thường xuyên bằng xà phòng dưới vòi nước chảy; thường xuyên lau sạch các bề mặt, dụng cụ trẻ tiếp xúc hằng ngày; không cho trẻ tiếp xúc với người bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh; khi phát hiện trẻ có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh cần đưa trẻ đi khám hoặc thông báo ngay cho cơ quan y tế gần nhất, phụ huynh tuyệt đối không tự điều trị cho trẻ tại nhà.

Cũng trong tuần qua, TP còn ghi nhận 129 trường hợp mắc bệnh sốt xuất huyết, giảm 10,3% so với trung bình 4 tuần trước, nâng tổng số ca sốt xuất huyết từ đầu năm 2024 đến nay lên 2.067 ca.

Hồ Quang