Khám phá ngôi tháp cổ nghìn tuổi ở Bạc Liêu
Câu chuyện văn hóa - Ngày đăng : 23:19, 19/03/2024
Khám phá ngôi tháp cổ nghìn tuổi ở Bạc Liêu
Tháp cổ Vĩnh Hưng là một trong số các kiến trúc tháp thuộc nền văn hóa Óc Eo còn sót lại ở Nam Bộ. Nơi đây còn lưu giữ nhiều bảo vật quốc gia.
Nằm cách trung tâm TP.Bạc Liêu khoảng 20km, tháp cổ Vĩnh Hưng tọa lạc tại xã Vĩnh Hưng A, huyện Vĩnh Lợi (Bạc Liêu). Năm 1992, ngôi tháp được Bộ VH-TT-DL xếp hạng là di tích lịch sử, kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia. Tháp cổ có kiến trúc khá đơn giản, nhưng điều khiến các nhà nghiên cứu ngạc nhiên là dù đã hơn ngàn năm "dầm mưa dãi nắng" mà ngôi tháp vẫn còn khá nguyên vẹn. Đây cũng là ngôi tháp cổ duy nhất tồn tại ở khu vực Tây Nam bộ hiện nay.
Nhìn chính diện, chân tháp hình chữ nhật, tháp cao hơn 8m tính từ mặt nền, đỉnh tháp đã sập. Trước đây, tháp được liệt vào danh mục các di tích kiến trúc mang số hiệu 902 được nhà cầm quyền Nam Kỳ xếp hạng thứ 14 trong danh mục các di tích lịch sử của xứ Nam Kỳ.
Sau khi được phát hiện, từ năm 1911 đến 1959, những nhà khảo cổ Pháp tìm đến ngôi tháp này để khảo sát, phát hiện rất nhiều hiện vật mà chủ yếu là vật thờ cúng. Một trong những tấm bia tìm thấy ở trong chùa cạnh tháp có khắc chữ Phạn ghi rõ tên của vua Yacovan Man cùng với tháng Karhila năm 814, tương ứng với năm 892 sau Công nguyên.
Trải qua thời gian hơn một nghìn năm, bên ngoài tháp đã bị bong tróc. Ngành chức năng tỉnh Bạc Liêu phải ra tận miền Đông tìm đất mang về nung thành những viên gạch để phục chế một phần phía trước đã bị hư hỏng. Các vật liệu chính xây nên tháp Vĩnh Hưng chủ yếu là gạch, ngói và đá, đặc biệt là các loại gạch hình chữ nhật. Người Khmer cổ đã kết hợp những vật liệu vô cùng khéo léo trong quá trình xây dựng, tạo nên kiến trúc tháp vừa đẹp, vừa chắc chắn. Gạch nung của tháp có sự gắn kết chắc chắn, không hề lộ kẽ hở. Những người thợ đã sử dụng một loại keo được làm bằng thực vật để kết dính các viên gạch lại với nhau mà không cần dùng đến các vật liệu xây dựng như xi măng hiện nay.
Nhiều hiện vật còn sót lại trong tháp và những công trình gạch đá xung quanh cho thấy chúng có nguồn gốc liên quan đến Phật giáo. Phía đỉnh tháp được xây thành hình vòm cuốn. Điều kỳ lạ được các nhà khảo cổ học phát hiện ra khi nghiên cứu địa chất tại khu vực này là toàn bộ phần thân tháp khá nặng, có tải trọng lớn nhưng lại được xây dựng trên một khu vực đất khá yếu. Những người thợ xưa đã khéo léo sử dụng phương pháp làm móng dàn trải trên một khu đất rộng để chống sụt lún. Điều này giúp tháp luôn được vững chãi theo thời gian, một vài vị trí xuống cấp nhưng không đáng kể.
Bà Trần Thái Hằng, Ban quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu cho biết người đầu tiên phát hiện ra tháp vào năm 1911 là ông Lunet De Lajonquiere, ông đặt tên cho tháp là Trà Long. Đến năm 1917, ông Henri Parmentier đến khảo sát và đặt cho tháp tên là Lục Hiền. Đến năm 1990, các nhà khảo cổ thuộc viện Khoa học xã hội phối hợp với bảo tàng tỉnh Minh Hải đến đây đào hố thám sát thì phát hiện một số hiện vật như đầu tượng thần, minh văn, bàn nghiền, linga, yoni và trên cơ sở đó thì các nhà khoa học xác định được niên đại của tháp là từ thế kỷ thứ 7 đến thế kỷ thứ 8.
Vào các năm 2002 và 2011, Trung tâm Nghiên cứu khảo cổ phối hợp với Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu tiến hành khai quật xung quanh tháp. Quá trình khai quật phát hiện móng của tháp được làm bằng một khối gạch nhỏ trộn với một loại keo thực vật, 4 gốc chân tháp được kê 4 tảng đá ong. Việc xây dựng tháp như vậy chứng minh rằng kỹ thuật xây dựng kiến trúc của người xưa đã đạt trình độ rất cao. Những viên gạch được xếp chồng lên nhau, tạo nên một khối tháp vững chắc.
Ông Lê Quốc Dũng, Phó ban quản lý di tích tỉnh Bạc Liêu cho hay, qua các lần khai quật thì các nhà khảo cổ đã phát hiện được nhiều hiện vật trong đó có tượng đồng, linga bằng đá, những mảnh ngói hoặc những viên gạch của thời xưa. Hiện có 4 hiện vật là bảo vật quốc gia. Theo các nhà khảo cổ, tháp Vĩnh Hưng không phải là một di tích đơn lập mà còn có các di tích khác nhau thuộc dạng cư trú, sinh hoạt phân bổ ở nhiều nơi trong vùng Vĩnh Hưng. Tuy nhiên, các di tích ấy đã trở thành phế tích, chứng minh dấu vết của một khu cư dân khá lớn đã phát triển, tồn tại từ cách đây nhiều thế kỷ. Hiện chỉ có tháp Vĩnh Hưng được bảo tồn khá nguyên vẹn cho đến nay.
Nhìn từ phía xa, ngôi tháp cổ đứng sừng sững giữa đồng ruộng, khoác lên mình nét rêu phong cổ kính. Xen kẽ những viên gạch loang lổ là những dấu tích cổ xưa như chứng minh cho việc nó đã đứng tại đây cả nghìn năm. Tất cả đều toát lên vẻ trang nghiêm của một công trình văn hóa tín ngưỡng độc đáo.
Đầu năm 2024, phù điêu Nữ thần Uma có niên đại khoảng thế kỷ IX - X đang lưu giữ tại Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu được công nhận là bảo vật quốc gia. Bức phù điêu được phát hiện ở độ sâu khoảng 1m, nặng 12,7kg có chất liệu bằng đá sa thạch màu xám trắng đã ngả vàng. Mặt trước bảo vật được tạo dáng theo hình lá đề, bên trong có hình Nữ thần Uma được tạc trong tư thế ngồi với dáng vẻ thanh mảnh, đường nét uyển chuyển. Như vậy, Bạc Liêu hiện có 5 bảo vật quốc gia gồm: tượng Nữ thần Laksmi, tượng Thần Sada Shiva, đầu tượng Thần Shiva, tượng Nam thần và phù điêu Nữ thần Uma. Tất cả bảo vật trên đều là những hiện vật gốc được tìm thấy trong các đợt khai quật khảo cổ ở tháp Vĩnh Hưng. Theo các cán bộ quản lý di tích, rất ít di tích nào chứa đựng nhiều bảo vật quốc gia như vậy.
Đến nay, ngôi tháp cổ này đã tồn tại hàng nghìn năm. Trải qua nhiều lần khai quật, các nhà khảo cổ học còn thu được nhiều hiện vật có giá trị thuộc nền văn hóa Óc Eo như: tấm bia khắc chữ Phạn, đồ gốm dùng trong sinh hoạt, tượng linga, tượng yoni… Với những giá trị độc đáo kể trên của tháp cổ Vĩnh Hưng, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đã thống nhất với hồ sơ khoa học và đang trình Thủ tướng Chính phủ ký phê duyệt xếp hạng từ Di tích quốc gia thành Di tích quốc gia đặc biệt.
Đi liền với công tác trùng tu, bảo vệ tháp cổ, chính quyền địa phương cũng quan tâm phát huy giá trị di tích.
Ông Lê Thanh Tự, Giám đốc Bảo tàng tỉnh Bạc Liêu cho biết: “Để các bảo vật quốc gia của tháp cổ đến gần hơn người dân và du khách, Bảo tàng tỉnh đã đề xuất sẽ đưa các bảo vật vào trưng bày trong Bảo tàng tổng hợp tỉnh thuộc khối nhà B, C của Nhà hát Cao Văn Lầu đang được thi công. Sắp tới, đơn vị cũng phối hợp với VNPT Bạc Liêu thực hiện số hóa bảo vật quốc gia, xây dựng website quảng bá hình ảnh để du khách trực tiếp trải nghiệm bằng công nghệ số hoặc không đến Bảo tàng vẫn có thể tìm hiểu giá trị bảo vật quốc gia”.
Để khai thác giá trị của tháp cổ trong phát triển du lịch, chính quyền tỉnh Bạc Liêu đã giao cho ngành chức năng huyện Vĩnh Lợi thực hiện công tác di dời chùa Phúc Bửu ra ngoài khuôn viên di tích để tạo không gian thông thoáng.
Từ đó, nghiên cứu xây dựng các hạng mục, dịch vụ phục vụ khách đến tham quan tìm hiểu tháp cổ. Sau khi được công nhận là di tích quốc gia đặc biệt, Bạc Liêu sẽ lập quy hoạch bảo vệ di tích thông qua các hoạt động trùng tu, tôn tạo; lập kế hoạch thám sát, khảo cổ học diện rộng để tiếp tục sưu tầm những di vật, cổ vật có giá trị, những thông tin sử liệu của nền văn hóa Óc Eo nhằm phục vụ công tác giáo dục lịch sử, văn hóa và phát triển du lịch.