Mỹ xem xét trừng phạt các công ty Trung Quốc thuộc mạng lưới chip bí mật của Huawei
Thế giới số - Ngày đăng : 19:18, 20/03/2024
Mỹ xem xét trừng phạt các công ty Trung Quốc thuộc mạng lưới chip bí mật của Huawei
Chính quyền Biden đang xem xét việc đưa một số công ty bán dẫn Trung Quốc liên quan đến Huawei vào danh sách đen thương mại (danh sách thực thể) sau khi tập đoàn viễn thông này đạt được bước tiến công nghệ quan trọng vào năm ngoái, theo nguồn tin của trang Bloomberg.
Một động thái như vậy sẽ đánh dấu bước leo thang khác trong chiến dịch từ Mỹ nhằm kiềm chế tham vọng về trí tuệ nhân tạo (AI) và chất bán dẫn của Trung Quốc. Điều này sẽ tăng thêm áp lực lên Huawei - hãng công nghệ hàng đầu Trung Quốc từng đạt được những tiến bộ bất chấp các lệnh trừng phạt hiện có, gồm cả việc sản xuất chip Kirin 9000s tiên tiến cho dòng smartphone Mate 60 vào năm ngoái khiến chính quyền Biden ngỡ ngàng.
Theo những người quen thuộc với vấn đề này, hầu hết thực thể Trung Quốc có thể bị Mỹ đưa vào danh sách đen từng được xác định là các cơ sở sản xuất chip mà Huawei mua lại hoặc được liệt kê trong bài thuyết trình của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn có trụ sở tại Washington. Trang Bloomberg đưa tin về bài thuyết trình của Hiệp hội Công nghiệp Bán dẫn vào năm 2023.
Những công ty Trung Quốc có thể bị Mỹ đưa vào danh sách đen thương mại là Qingdao Si’En, SwaySure và Pengjin, theo nguồn tin của Bloomberg. Các quan chức Mỹ cũng đang cân nhắc biện pháp trừng phạt với ChangXin Memory Technologies (nhà sản xuất chip nhớ hàng đầu Trung Quốc).
“Việc thêm nhiều công ty Trung Quốc vào danh sách thực thể của Mỹ là một sự kiện rất có thể xảy ra. Điều này rất dễ triển khai và giải thích, đồng thời sẽ tiếp tục ngăn cản một số công ty chủ chốt của Trung Quốc khai thác những lỗ hổng hiện tại trong các hạn chế xuất khẩu”, nhà phân tích Edison Lee tại ngân hàng Jefferies viết sau khi ChangXin Memory Technologies bị Mỹ xác định là mục tiêu tiềm năng.
Ngoài các công ty thực sự sản xuất chip, các quan chức Mỹ cũng có thể trừng phạt Shenzhen Pengjin High-Tech Co (PST) và SiCarrier. Mối lo ngại của Mỹ là hai công ty sản xuất thiết bị bán dẫn này đang đóng vai trò là đại lý để giúp Huawei có được thiết bị bị hạn chế. Bloomberg lần đầu đưa tin về mối quan hệ của hai công ty này với Huawei vào cuối năm 2023.
Chính phủ Mỹ đang thúc giục các đồng minh gồm Hà Lan, Đức, Hàn Quốc và Nhật Bản thắt chặt hơn nữa các hạn chế nhằm ngăn Trung Quốc tiếp cận công nghệ bán dẫn tiên tiến. Huawei là một trong những công ty nằm ở trung tâm của chiến dịch đó.
Không rõ liệu Bộ Thương mại Mỹ, cơ quan quản lý danh sách thực thể, có thêm bằng chứng nào liên kết các công ty nêu trên với Huawei hay không. Mỹ có thẩm quyền xử phạt các doanh nghiệp có nguy cơ gây tổn hại đến an ninh quốc gia trong tương lai và những quan chức không nhất thiết phải chứng minh hoạt động có hại hoặc bất hợp pháp trong quá khứ.
Hội đồng An ninh Quốc gia của Nhà Trắng, Cục Công nghiệp và An ninh của Bộ Thương mại Mỹ từ chối bình luận. Đại diện các công ty Trung Quốc đã không trả lời các câu hỏi của Bloomberg.
Bộ Ngoại giao Trung Quốc nhắc lại rằng họ “kiên quyết phản đối” các hành động của Mỹ phá vỡ trật tự thị trường và gây tổn hại cho doanh nghiệp Trung Quốc, nhưng không bình luận cụ thể về các động thái tiềm tàng mà chính quyền Biden đang được cân nhắc.
Chưa rõ khi nào các quan chức Mỹ sẽ đưa ra quyết định cuối cùng và thời điểm có thể sẽ phụ thuộc vào tình trạng quan hệ giữa Mỹ với Trung Quốc, điều mà cả hai bên đã nỗ lực cải thiện trong những tháng gần đây.
Janet Yellen (Bộ trưởng Tài chính Mỹ) dự kiến sẽ thăm Trung Quốc vào năm 2024 và các quan chức hàng đầu đã thảo luận về khả năng Tổng thống Mỹ - Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc - Tập Cận Bình sẽ có cuộc điện đàm vào mùa xuân này.
Ngoài ra, còn có những cân nhắc chính sách khác, chẳng hạn thời điểm Nhà Trắng sẽ công bố điều chỉnh về thuế quan với hàng hóa Trung Quốc - lần đầu tiên được áp dụng dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump. Các quan chức Mỹ cũng đang xem xét tăng thuế với chip thế hệ cũ từ Trung Quốc, theo những người quen thuộc với vấn đề này.
Huawei bị chính quyền Trump đưa vào danh sách thực thể hồi năm 2019, nên không thể mua công nghệ của Mỹ trừ khi người bán có được giấy phép xuất khẩu đặc biệt từ Bộ Thương mại Mỹ. Dù các biện pháp trừng phạt đó đã ảnh hưởng đến hoạt động kinh doanh smartphone của Huawei nhiều năm, gã khổng lồ viễn thông Trung Quốc vào tháng 8.2023 bất ngờ giới thiệu Mate 60 Pro tích hợp chip Kirin 9000s hỗ trợ 5G và bắt đầu bán smartphone này khi Bộ trưởng Thương mại Mỹ - Gina Raimondo đến thăm Trung Quốc.
Kirin 9000s được SMIC (hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc) tạo ra theo quy trình 7 nanomet, dù vẫn phụ thuộc nhiều vào công nghệ nước ngoài, gồm cả các thiết bị từ ASML (công ty bán thiết bị sản xuất chip số 1 thế giới, có trụ sở ở Hà Lan) cùng nhà cung cấp Mỹ như Applied Materials và Lam Research Corp.
Việc sử dụng những công cụ đó, được mua trước khi các quy định kiểm soát xuất khẩu của Mỹ và Hà Lan có hiệu lực, cho thấy Trung Quốc vẫn không thể hoàn toàn thay thế các thành phần nước ngoài ngay cả khi cố gắng xây dựng một chuỗi cung ứng chip nội địa đầy đủ.
Bà Gina Raimondo tuyên bố sẽ thực hiện các hành động “mạnh nhất có thể” để bảo vệ an ninh quốc gia Mỹ. Trong khi đó, các nhà làm luật đảng Cộng hòa đã yêu cầu chính quyền Biden cắt hoàn toàn quyền tiếp cận của Huawei và SMIC với các nhà cung cấp Mỹ.
Chính quyền Biden đang gây áp lực lên SMIC bằng cách chặn nhà máy tiên tiến nhất của họ nhập khẩu thêm linh kiện từ Mỹ.
Cuối năm 2023, Bộ Thương mại Mỹ đã gửi hàng chục lá thư tới các nhà cung cấp Mỹ cho SMIC, đình chỉ việc cấp phép bán hàng cho nhà máy tiên tiến nhất của hãng này mang tên SMIC South, hai người quen thuộc với vấn đề này nói với Reuters.
Một trong những nguồn tin cho biết nhiều công ty đã ngừng bán hàng cho SMIC South. Hơn nữa, các bức thư đã dẫn đến việc tạm dừng các lô hàng vật liệu và linh kiện sản xuất chip trị giá hàng triệu USD từ ít nhất một nhà cung cấp của Mỹ, đó là Entegris.
Reuters không tìm thấy bằng chứng nào cho thấy Entegris đã vi phạm bất kỳ luật hoặc quy định nào của Mỹ.
Entegris cho biết đã thực hiện việc xuất khẩu lô hàng này theo giấy phép hợp lệ và tạm dừng việc này sau khi nhận được thư từ Bộ Thương mại Mỹ đình chỉ cấp phép gửi sản phẩm đến SMIC South.
Có trụ sở tại bang Massachusetts (Mỹ), Entegris chuyên sản xuất bộ lọc, khí, hóa chất và sản phẩm để xử lý đĩa bán dẫn (wafer) - thành phần chính để sản xuất chip. Công ty cho biết đang theo dõi và tuân thủ “các yêu cầu pháp lý đang phát triển nhanh chóng” với thương mại quốc tế ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chip.
Động thái nêu trên từ Bộ Thương mại Mỹ cho thấy chính quyền Biden có hành động chống lại SMIC trong bối cảnh áp lực ngày càng tăng từ phía đảng Cộng hòa nhằm ngăn chặn dòng công nghệ từ Mỹ đến hãng sản xuất chip số 1 Trung Quốc và làm suy giảm khả năng sản xuất các chip tiên tiến của công ty này.
SMIC đã bị Mỹ đưa vào danh sách đen vào năm 2020 vì cáo buộc có quan hệ với tổ hợp công nghiệp quân sự Trung Quốc.
Việc bị đưa vào danh sách đen thương mại thường khiến Huawei và SMIC không thể nhận thêm hàng từ các công ty Mỹ nếu chính phủ không cho phép. Thế nhưng, chính quyền Trump đã bật đèn xanh để vận chuyển một số mặt hàng nhất định đến Huawei và SMIC, cho phép hàng tỉ USD hàng hóa của Mỹ tới hai công ty Trung Quốc này vài năm qua.
Chính quyền Biden đã công bố các quy định mới vào tháng 10.2022, trong đó cấm các nhà cung cấp của Mỹ gửi các công cụ và vật liệu bán dẫn đến các nhà máy sản xuất chip tiên tiến do các công ty Trung Quốc điều hành ở nước này, gồm cả SMIC South. Thế nhưng, các quy tắc của Mỹ cho phép các công ty có giấy phép từ trước đó, thường có hiệu lực trong 4 năm, tiếp tục cung cấp cho các nhà máy này.
Một người quen thuộc với vấn đề nói Entegris đã vận chuyển các bộ phận và vật liệu sản xuất chip đến SMIC South từ tháng 10.2022 đến cuối năm 2023.
Trung Quốc chiếm 16% doanh thu ròng trong năm tài chính 2023 (khoảng 3,5 tỉ USD) của Entegris, công ty cho biết trong báo cáo thường niên. Entegris lưu ý rằng các quy định xuất khẩu gần đây của Mỹ “làm giảm khả năng bán sản phẩm của công ty tại Trung Quốc và có thể quy định trong tương lai sẽ làm giảm thêm nhu cầu với các sản phẩm của chúng tôi”.
Lita Shon-Roy, Giám đốc điều hành hãng nghiên cứu thị trường Techcet, nói SMIC South có thể sẽ chuyển sang các nguồn cung từ Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản và Hàn Quốc cho hầu hết các hóa chất và linh kiện được sử dụng trong quá trình sản xuất chip.
Tuy nhiên, nếu nhà máy hàng đầu của SMIC “chứng kiến chuỗi cung ứng tại Mỹ đột ngột bị cắt đứt, điều đó có khả năng làm gián đoạn hoạt động sản xuất của họ từ 3 đến 9 tháng tùy thuộc vào lượng hàng tồn kho”, bà Lita Shon-Roy nói. Bà lưu ý rằng sẽ mất thời gian để tìm và tiến hành thử nghiệm nghiêm ngặt các nhà cung cấp mới trừ khi SMIC đã thực hiện việc này trước đó.
Các chuyên gia khẳng định SMIC South là nhà máy duy nhất của SMIC có khả năng sản xuất chip 7 nanomet cho dòng Mate 60.
Vào tháng 9.2023, công ty phân tích Techsights (Canada) cũng tiết lộ việc tháo rời chiếc smartphone này cho thấy SMIC đã sản xuất chip tiên tiến để cung cấp sức mạnh cho Mate 60 Pro.
Doug Fuller, chuyên gia ngành công nghiệp chip của Trường Kinh doanh Copenhagen (Đan Mạch), nói: “Tôi không nghĩ có gì để nghi ngờ rằng SMIC South là nhà máy đó”.