Apple mất 113 tỉ USD vốn hóa thị trường sau khi bị Bộ Tư pháp Mỹ và 16 bang kiện
Thế giới số - Ngày đăng : 10:19, 22/03/2024
Apple mất 113 tỉ USD vốn hóa thị trường sau khi bị Bộ Tư pháp Mỹ và 16 bang kiện
Các nhà quản lý ở cả hai bờ Đại Tây Dương đang để mắt tới Apple khiến các nhà đầu tư lo ngại về khoản tiền phạt và đe dọa sự thống trị thị trường của công ty này.
Tại Mỹ, Bộ Tư pháp và 16 bang cùng quận Columbia đang kiện Apple vì vi phạm luật chống độc quyền. Tại châu Âu, nhà sản xuất iPhone đang phải đối mặt với các cuộc điều tra về việc liệu họ có tuân thủ Đạo luật Thị trường Kỹ thuật số (DMA) của khu vực này hay không.
Cổ phiếu Apple đã giảm 4,1% hôm 21.3 (giờ Mỹ), xóa đi khoảng 113 tỉ USD vốn hóa thị trường. Tính từ đầu năm 2024 đến nay, cổ phiếu Apple giảm 11%. Từng là công ty có giá trị nhất thế giới với vốn hóa hơn 3.000 tỉ USD, nay Apple đang có hiệu suất kém hơn cả chỉ số Nasdaq 100 và S&P 500 trong năm 2024.
Nasdaq 100 là một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng của thị trường tài chính Mỹ. Được sắp xếp và duy trì bởi Nasdaq Stock Market, chỉ số này bao gồm 100 công ty có vốn hóa thị trường lớn và hoạt động chủ yếu trên sàn giao dịch Nasdaq.
Điều đặc biệt là Nasdaq 100 tập trung chủ yếu vào các công ty trong lĩnh vực công nghệ, truyền thông và dịch vụ trực tuyến. Do đó, Nasdaq 100 thường được xem là đại diện cho hiệu suất của các hãng công nghệ lớn và đang phát triển. Các công ty nổi tiếng như Apple, Nvidia, Amazon, Alphabet, Microsoft thường xuất hiện trong danh sách các thành viên của chỉ số Nasdaq 100.
S&P 500 là một trong những chỉ số chứng khoán quan trọng và phổ biến nhất ở Mỹ. Nó được xem là một trong những thước đo đáng tin cậy nhất về hiệu suất của thị trường chứng khoán Mỹ.
S&P 500 gồm 500 công ty lớn nhất và có vốn hóa thị trường lớn nhất trong thị trường chứng khoán Mỹ, đến từ nhiều ngành khác nhau, gồm cả công nghiệp, công nghệ, y tế, tài chính. Việc sử dụng số lượng lớn công ty giúp đảm bảo rằng chỉ số này là biểu hiện toàn diện hơn về thị trường chứng khoán Mỹ.
Chỉ số S&P 500 được sắp xếp và duy trì bởi Standard & Poor's, công ty cung cấp các dịch vụ thông tin tài chính và chỉ số chứng khoán. Việc theo dõi và đánh giá hiệu suất của chỉ số này thường được sử dụng để đo lường sức khỏe tổng thể của thị trường chứng khoán Mỹ.
Đây không phải là lần đầu tiên Apple bị giám sát theo quy định. Apple và các công ty cùng ngành trong nhiều năm qua đã phải đối mặt với cáo buộc làm giàu cho bản thân bằng cách đàn áp các đối thủ cạnh tranh. Song khi các sản phẩm Apple ngày càng trở nên phổ biến và trở thành một phần trong cuộc sống hàng ngày của nhiều người trên khắp thế giới, các nhà chức trách trở nên cứng rắn hơn và cảnh giác hơn với sức mạnh của công ty này.
Được đệ trình hôm 21.3 tại tòa án liên bang ở thành phố New Jersey, vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc Apple chặn các đối thủ truy cập các tính năng phần cứng và phần mềm trên các thiết bị phổ biến của họ. Các cuộc điều tra tiềm năng ở Liên minh châu Âu (EU) nhắm vào Apple sẽ tập trung vào các khoản phí, điều khoản và điều kiện mới của công ty với các nhà phát triển trên cửa hàng ứng dụng.
Bill Kovacic, giáo sư luật chống độc quyền tại Trường Luật Đại học George Washington (Mỹ), nhận xét: “Có một thời điểm mà hàng loạt vụ kiện và sự giám sát đi kèm trở thành lực cản thực sự với cách thức hoạt động của các công ty này. Ngay cả khi họ thắng, các vấn đề pháp lý có thể tạo ra áp lực hoặc hậu quả tiêu cực với họ”.
Apple đáp trả vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ bằng cách gọi đó là “sai lầm về thực tế và pháp luật”. Công ty cảnh báo rằng hành động này sẽ “đặt ra một tiền lệ nguy hiểm, trao quyền cho chính phủ can thiệp sâu vào việc thiết kế công nghệ của con người” và tuyên bố sẽ “mạnh mẽ chống lại nó”. Apple không trả lời câu hỏi về các cuộc điều tra tiềm năng ở Liên minh châu Âu.
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc rằng Apple đã sử dụng quyền lực của mình trong việc phân phối ứng dụng trên iPhone để ngăn cản những đổi mới có thể giúp người tiêu dùng chuyển đổi điện thoại dễ dàng hơn. Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Apple đã từ chối hỗ trợ các ứng dụng nhắn tin đa nền tảng, ví kỹ thuật số hạn chế của bên thứ ba và đồng hồ thông minh không phải của công ty, đồng thời chặn các ứng dụng game phát trực tuyến trên nền tảng đám mây.
Bộ Tư pháp Mỹ nêu bật 5 ví dụ về các công nghệ mà họ cho rằng Apple đang kìm hãm sự cạnh tranh gồm siêu ứng dụng, ứng dụng game phát trực tuyến trên nền tảng đám mây, ứng dụng nhắn tin, đồng hồ thông minh và ví kỹ thuật số. Apple gần đây đã hỗ trợ cho các dịch vụ chơi game dựa trên đám mây và cho biết sẽ bổ sung tính năng nhắn tin đa nền tảng RCS vào cuối năm 2024.
Theo tờ New York Times, đơn kiện từ Bộ Tư pháp Mỹ là kết quả sau nhiều năm giám sát danh mục thiết bị và dịch vụ của Apple.
Thay vì chỉ tập trung vào App Store như châu Âu, chính phủ Mỹ nhắm đến toàn bộ hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ của Apple, với trọng tâm là iPhone.
Theo đơn kiện, Apple đã "làm suy yếu" khả năng nhắn tin của người dùng iPhone với điện thoại thương hiệu khác. Sự phân biệt được thể hiện bởi bong bóng tin nhắn màu xanh lá, đại diện tin nhắn gửi đến người dùng smartphone Android. Đơn kiện cho rằng đó là tín hiệu "ám chỉ" điện thoại khác chất lượng kém hơn iPhone.
Tiếp theo, Apple bị cáo buộc gây khó khăn trong kết nối iPhone với đồng hồ thông minh không phải Apple Watch. Nếu mua Apple Watch, sẽ rất khó để người dùng từ bỏ iPhone.
Chính phủ Mỹ cũng cho rằng Apple muốn duy trì thế độc quyền bằng cách không cho công ty khác phát triển ví điện tử riêng. Trên iPhone, Apple Wallet là ứng dụng duy nhất có thể dùng chip NFC để thanh toán.
Ngoài ra, ứng dụng stream game từng không được phát hành trên iPhone bởi có thể khiến thiết bị trở thành "phần cứng kém giá trị hơn". Nhà phát triển cũng không được cung cấp các siêu ứng dụng trên iPhone.
Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng, bằng cách kiểm soát chặt chẽ trải nghiệm người dùng trên iPhone và thiết bị khác, Apple tạo ra "sân chơi không bình đẳng". Tại đây, sản phẩm và dịch vụ của Apple được truy cập nhiều tính năng cốt lõi, điều mà đối thủ không thể tận dụng.
Trong đơn kiện, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu tòa án cấm Apple tham gia các hành động như chặn ứng dụng stream game, phá hoại tính năng nhắn tin trên các hệ điều hành của smatphone, chặn ví điện tử thay thế.
“Tại Apple, chúng tôi đổi mới mỗi ngày để tạo ra công nghệ mà nhiều người yêu thích, thiết kế các sản phẩm hoạt động liền mạch với nhau, bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của người dùng, đồng thời tạo ra trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng của chúng tôi. Vụ kiện này đe dọa bản sắc của chúng tôi và các nguyên tắc khiến sản phẩm của Apple khác biệt trên các thị trường cạnh tranh khốc liệt", công ty cho biết trong một tuyên bố.
Bị giám sát chặt chẽ hơn tại EU
DMA đưa ra một loạt điều nên và không nên làm với một số nền tảng công nghệ lớn nhất thế giới, cho phép Ủy ban châu Âu áp dụng các hình phạt nặng lên tới 10% tổng doanh thu hàng năm trên toàn thế giới của các công ty và lên tới 20% với những công ty liên tục vi phạm các quy định. Sau khi bắt đầu các cuộc điều tra chính thức về Apple và Google, các cơ quan quản lý đặt mục tiêu đưa ra quyết định cuối cùng trong vòng 12 tháng.
Hôm 4.3, Apple đã bị phạt hơn 1,8 tỉ euro trong vụ kiện chống độc quyền của EU liên quan đến Spotify (dịch vụ phát nhạc trực tuyến Thụy Điển).
Đây là mức phạt đầu tiên mà Apple đối mặt ở EU, xuất phát từ hành động ngăn chặn Spotify và các dịch vụ phát nhạc khác thông báo cho người dùng về các phương thức thanh toán nằm ngoài App Store thuộc công ty Mỹ.
Quyết định này được Ủy ban châu Âu đưa ra sau khi có khiếu nại năm 2019 của Spotify về hạn chế từ Apple và khoản phí 30% trên App Store.
Cơ quan chống độc quyền của EU cho biết các hạn chế từ Apple tạo ra điều kiện giao dịch không công bằng, lập luận khá mới mẻ trong một vụ kiện chống độc quyền, nhưng từng được cơ quan chống độc quyền Hà Lan sử dụng trong một quyết định chống lại Apple vào năm 2021 trong vụ kiện do các nhà cung cấp ứng dụng hẹn hò đưa ra.
Apple đã EU bị giám sát chặt chẽ kể từ khi DMA có hiệu lực đầy đủ vào ngày 7.3.