Trung Quốc coi robot hình người là sự đổi mới mang tính đột phá sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 17:01, 22/03/2024
Trung Quốc coi robot hình người là sự đổi mới mang tính đột phá sẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế
Trung tâm robot mới ở Bắc Kinh (thủ đô Trung Quốc) đã tiết lộ ý định tung ra một nguyên mẫu robot hình người đa dụng được quảng bá là “biểu tượng quan trọng” của sự đổi mới công nghệ và sản xuất cao cấp vào thời điểm mà lãnh đạo Trung Quốc đang thúc đẩy cả hai điều này trong bối cảnh cuộc chiến công nghệ với Mỹ.
Tờ Thanh niên Bắc Kinh dẫn lời một nguồn tin giấu tên của Trung tâm Đổi mới Robot hình người Bắc Kinh cho biết: “Ước mơ của mọi công ty robot là đưa robot hình người đến hàng ngàn hộ gia đình”.
Trung tâm này được thành lập vào cuối năm 2023 trong nỗ lực hợp tác giữa các doanh nghiệp nhà nước và tư nhân sản xuất robot. Những công ty này được cho là bao gồm Xiaomi, UBTech và Jing Cheng Machinery Electric, cùng với Viện Tự động hóa thuộc Viện Hàn lâm Khoa học Trung Quốc.
Theo nguồn tin của tờ Thanh niên Bắc Kinh, các chuyên gia hàng đầu và nhân viên R&D (nghiên cứu & phát triển) của ngành công nghiệp robot đã được tập hợp tại trung tâm nhằm tạo ra “nền tảng công nghệ chung, nền tảng dịch vụ công cộng và các tiêu chuẩn quy định cho ngành công nghiệp robot hình người”.
Nguồn tin cho biết: “Trong tương lai, robot hình người có thể tham gia sản xuất ô tô, sản xuất 3C và các lĩnh vực khác, từ đó nâng cao hơn nữa trình độ sản xuất công nghiệp”. 3C đề cập đến máy tính, truyền thông và điện tử tiêu dùng.
Tuy nhiên có rất ít thông tin chi tiết về dự án của trung tâm, gồm cả thời điểm bất kỳ nguyên mẫu robot hình người nào có thể được phát hành.
Trong bối cảnh khủng hoảng thị trường bất động sản và phải đối mặt với những thách thức nghiêm trọng về nhân khẩu học, gồm dân số già đi nhanh chóng và lực lượng lao động ngày càng thu hẹp, Trung Quốc (nền kinh tế lớn thứ hai thế giới) đang nỗ lực nâng cấp các động lực tăng trưởng của mình bằng “các lực lượng sản xuất mới” do công nghệ dẫn đầu.
Để đạt được mục tiêu đó, trọng tâm của trung tâm là robot hình người - sự hội tụ công nghệ của trí tuệ nhân tạo (AI), sản xuất cao cấp và vật liệu mới - được kỳ vọng sẽ giúp thúc đẩy khả năng tự lực và đổi mới trong nước của Trung Quốc khi sự cạnh tranh với Mỹ ngày càng gia tăng ở lĩnh vực công nghệ cực kỳ quan trọng.
Một số công ty Mỹ như Tesla và Figure AI (được OpenAI cùng nhiều hãng công nghệ lớn của Mỹ đầu tư) đang nghiên cứu robot hình người. Tesla đã tiết lộ nguyên mẫu Optimus của mình vào tháng 9.2022 và Giám đốc điều hành Elon Musk cho biết nó dự kiến sẽ được sản xuất hàng loạt trong vòng 3 đến 5 năm, với giá khoảng 20.000 USD mỗi chiếc.
Trong khi đó, các doanh nghiệp Trung Quốc như Fourier Intelligence, UBTech Robotics và Xiaomi cũng thâm nhập vào ngành công nghiệp đang phát triển nhanh chóng này. Báo cáo tháng 11.2023 của Viện Nghiên cứu thuộc Nhân dân Nhật báo cho biết Trung Quốc là nước nắm giữ bằng sáng chế robot hình người lớn thứ hai (1.699), chỉ sau Nhật Bản.
Tuy nhiên, các báo cáo nghiên cứu đã chỉ ra rằng chuỗi cung ứng nội địa của Trung Quốc cho các thành phần cốt lõi robot hình người vẫn còn hạn chế, trong khi các nhà sản xuất nước ngoài đang thống trị thị trường toàn cầu.
Báo cáo tháng 1 của Tin tức Bưu điện và Viễn thông Nhân Dân, tờ báo thuộc Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc (MIIT), cho biết: “Các chuỗi công nghiệp robot hình người ở nước ngoài nắm giữ lợi thế đi đầu về nghiên cứu và phát triển công nghệ, sự trưởng thành của chuỗi cung ứng và quảng bá thị trường, khiến họ tương đối trưởng thành và tiên tiến hơn ở giai đoạn này”.
Trong một tài liệu dài 9 trang về ngành công nghiệp robot hình người vào tháng 11.2023, MIIT đã đặt ra các mục tiêu liên quan đến đổi mới, đột phá công nghệ và cung cấp an toàn các bộ phận cốt lõi sẽ dẫn đến việc sản xuất hàng loạt những robot như vậy ở Trung Quốc.
MIIT cũng cho biết các robot hình người đang trên đường trở thành một loại “đổi mới mang tính đột phá” khác, giống như máy tính, smartphone và các phương tiện sử dụng năng lượng mới.
Trung Quốc có ý định biến lĩnh vực robot hình người thành “động cơ tăng trưởng kinh tế mới quan trọng” vào năm 2027, theo MIIT.
Khi đó, “một hệ thống chuỗi cung ứng công nghiệp an toàn và đáng tin cậy sẽ được hình thành, một hệ sinh thái công nghiệp có khả năng cạnh tranh quốc tế sẽ được xây dựng, sức mạnh toàn diện sẽ đạt trình độ tiên tiến của thế giới”.
Chính quyền địa phương ở các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải và Thâm Quyến cũng nhấn mạnh lĩnh vực robot hình người trong kế hoạch phát triển gần đây của họ.
Bắc Kinh đã thành lập quỹ robot trị giá 10 tỉ nhân dân tệ (1,4 tỉ USD) vào tháng 1 để xây dựng thủ đô Trung Quốc thành “cao nguyên hàng đầu thế giới về ngành công nghiệp robot hình người”.
Tuy nhiên, tờ Tin tức Bưu điện và Viễn thông Nhân dân thừa nhận rằng dù Trung Quốc đang trở nên cạnh tranh hơn trong một số thành phần cốt lõi dành cho robot hình người, các nhà sản xuất lớn trên thế giới vẫn chủ yếu đến từ Mỹ, Nhật Bản và Châu Âu.
“Về mặt thuật toán, khả năng nghiên cứu và phát triển của Trung Quốc luôn dẫn đầu, nhưng cũng cần chú ý đến năng lực phát triển của các khuôn khổ cơ bản và dự trữ kỹ thuật”, theo tờ báo này.
Xu Lijin, đại biểu của cơ quan tham vấn hàng đầu Trung Quốc, nói tại cuộc họp lưỡng hội gần đây rằng chi phí cao và thiếu các kịch bản ứng dụng đang cản trở tiến trình công nghiệp và thương mại của lĩnh vực robot hình người trong nước.
Xu Lijin, đồng thời là chủ tịch của một công ty chế tạo robot, đề xuất các công ty robot hình người nên hợp tác với các đối tác sẽ ứng dụng các sản phẩm trong giai đoạn đầu của đổi mới, để mở rộng phạm vi sử dụng các robot này.
Hợp tác với Figure AI, OpenAI đặt tham vọng lớn vào robot hình người
OpenAI, công ty tạo ra ChatGPT và Sora, đã ký một thỏa thuận hợp tác với Figure AI để phát triển các mô hình AI thế hệ tiếp theo cho robot vì tin rằng chúng có thể hỗ trợ con người trong cuộc sống hàng ngày.
The trang Insider, Figure AI cho biết thỏa thuận nhằm giúp "tăng tốc độ thương mại của công ty" bằng cách cải thiện khả năng của robot để "xử lý và suy luận từ ngôn ngữ" nhờ dùng các nghiên cứu và mô hình đa phương thức lớn của OpenAI.
Figure AI cũng thông báo đã huy động được 675 triệu USD trong vòng gọi vốn loại B, định giá công ty khởi nghiệp Mỹ này ở mức 2,6 tỉ USD.
Không giấu diếm niềm tin rằng robot có thể định hình lại tương lai của công việc, OpenAI dẫn đầu danh sách tài trợ cho công ty khởi nghiệp chế tạo robot 1X Technologies (Na Uy) trong một vòng gọi vốn trị giá 23,5 triệu USD vào năm ngoái.
Brad Lightcap, Giám đốc vận hành của OpenAI, nói vào thời điểm đó rằng công ty tin tưởng vào "phương pháp và tác động" mà 1X Technologies có thể mang lại cho tương lai của công việc.
Peter Welinder, Phó chủ tịch sản phẩm và đối tác của OpenAI, viết trong thông cáo báo chí của Figure AI cuối tháng 2: "Chúng tôi luôn có kế hoạch quay trở lại với chế tạo robot và nhìn thấy một con đường với Figure AI để khám phá những gì robot hình người có thể đạt được khi tích hợp các mô hình đa phương thức có khả năng cao".
"Chúng tôi rất ấn tượng với sự tiến triển của Figure AI cho đến nay và mong đợi cùng nhau làm mới các khả năng về cách robot có thể giúp đỡ con người trong cuộc sống hàng ngày", Peter Welinder cho biết thêm.
Tại Figure AI, các kỹ sư đang nghiên cứu chế tạo một robot có ngoại hình và cử động giống người. Figure AI hy vọng robot Figure 01 của họ sẽ có khả năng thực hiện các công việc nguy hiểm không phù hợp với con người.
Theo Figure AI, Figure-01 có khả năng hỗ trợ trong các lĩnh vực như "sản xuất, vận chuyển, kho bãi và bán lẻ", giúp giải quyết tình trạng thiếu lao động.
Theo dữ liệu từ Phòng Thương mại Mỹ, có 616.000 việc làm trong lĩnh vực sản xuất vẫn chưa được tuyển dụng tính đến tháng 8.2023.
Tháng 1, Brett Adcock (Giám đốc điều hành Figure AI) chia sẻ một video Figure-01 vận hành máy pha cà phê. Ông nói rằng AI đã học được điều này bằng cách quan sát con người làm công việc tương tự.
Brett Adcock nói rằng đây là "cột mốc đột phá" vì cho thấy ví dụ về AI "từ đầu đến cuối", trong đó mô hình AI học tất cả giai đoạn của ứng dụng, chẳng hạn pha cà phê, trong một lần thực hiện thay vì theo trình tự.
"Điều này mở ra một con đường để mở rộng cho mọi trường hợp sử dụng. Khi đội ngũ mở rộng, dữ liệu tiếp tục được thu thập từ robot, được đào tạo lại và robot sẽ đạt hiệu suất tốt hơn", ông nói thêm.
Robot đã nổi lên như một lĩnh vực tiên phong quan trọng mới trong ngành công nghiệp AI, cho phép áp dụng công nghệ tiên tiến vào các nhiệm vụ trong thế giới thực.
Sau OpenAI và Microsoft, đến lượt Nvidia, Samsung, Jeff Bezos (nhà sáng lập Amazon) và các tên tuổi công nghệ lớn khác đầu tư vào Figure AI trong nỗ lực tìm kiếm ứng dụng mới cho AI. Thông qua công ty Explore Investments của mình, Jeff Bezos đã cam kết đầu tư 100 triệu USD vào Figure AI. Trong khi Nvidia và một quỹ liên kết với Amazon đều đầu tư 50 triệu USD vào Figure AI. Microsoft đang đầu tư 95 triệu USD vào Figure AI.
Từng cân nhắc mua lại Figure AI, OpenAI đang đầu tư 5 triệu USD vào công ty khởi nghiệp robot hình người này. Trang Bloomberg News đưa tin về vòng gọi vốn đó vào tháng 1, bắt đầu với Microsoft và OpenAI là hai nhà đầu tư chính ban đầu vào Figure AI.
Microsoft và OpenAI đã giúp thu hút dòng tiền đổ vào Figure AI từ các thực thể khác. Số tiền huy động được 675 triệu USD là mức tăng đáng kể so với mục tiêu ban đầu 500 triệu USD của Figure AI.