Chính phủ Mỹ kiện Apple phản ánh chiến lược từng đánh bại Microsoft, nhưng ngành công nghệ đã thay đổi
Thế giới số - Ngày đăng : 18:58, 22/03/2024
Chính phủ Mỹ kiện Apple phản ánh chiến lược từng đánh bại Microsoft, nhưng ngành công nghệ đã thay đổi
Việc chính phủ Mỹ kiện Apple vi phạm luật chống độc quyền dựa trên vụ kiện mang tính bước ngoặt năm 1998 đã phá vỡ sự thống trị của Microsoft với phần mềm máy tính để bàn, nhưng nó có thể là bản sao không hoàn hảo để giải quyết vấn đề cạnh tranh trên thị trường smartphone.
Thị trường iPhone hiện nay trông rất khác so với thời kỳ gần như độc quyền của hệ điều hành Windows từ Microsoft hai thập kỷ trước, do đó chính phủ Mỹ có thể phải đối mặt với khó khăn hơn khi kiện Apple, các chuyên gia pháp lý cho biết.
Bộ Tư pháp Mỹ, 15 bang và quận Columbia cáo buộc Apple độc quyền bất hợp pháp thị trường smartphone thông qua các hạn chế với các nhà phát triển ứng dụng nhằm hạn chế sự lựa chọn và đổi mới, khiến người tiêu dùng phải trả giá cao hơn.
Apple đáp trả vụ kiện của Bộ Tư pháp Mỹ bằng cách gọi đó là “sai lầm về thực tế và pháp luật”. Công ty cảnh báo rằng hành động này sẽ “đặt ra một tiền lệ nguy hiểm, trao quyền cho chính phủ can thiệp sâu vào việc thiết kế công nghệ của con người” và tuyên bố sẽ “mạnh mẽ chống lại nó”.
Theo một số chuyên gia pháp lý, chính phủ Mỹ phải chứng minh rằng các hoạt động kinh doanh của Apple là “độc quyền” và gây hại cho người tiêu dùng bằng cách làm giảm chất lượng sản phẩm của đối thủ.
Chính phủ Mỹ cáo buộc Apple ngăn chặn các công nghệ có thể làm tăng sự cạnh tranh giữa các smartphone trong 5 lĩnh vực gồm siêu ứng dụng, ứng dụng chơi game trực tuyến trên nền tảng đám mây, ứng dụng nhắn tin, đồng hồ thông minh và ví kỹ thuật số.
Bộ Tư pháp Mỹ cáo buộc rằng Apple đã sử dụng quyền lực của mình trong việc phân phối ứng dụng trên iPhone để ngăn cản những đổi mới có thể giúp người tiêu dùng chuyển đổi điện thoại dễ dàng hơn.
Theo Bộ Tư pháp Mỹ, Apple đã từ chối hỗ trợ các ứng dụng nhắn tin đa nền tảng, ví kỹ thuật số hạn chế của bên thứ ba và đồng hồ thông minh không phải của công ty, đồng thời chặn các ứng dụng game phát trực tuyến trên nền tảng đám mây.
Theo tờ New York Times, đơn kiện từ Bộ Tư pháp Mỹ là kết quả sau nhiều năm giám sát danh mục thiết bị và dịch vụ của Apple. Thay vì chỉ tập trung vào App Store như châu Âu, chính phủ Mỹ nhắm đến toàn bộ hệ sinh thái sản phẩm và dịch vụ của Apple, với trọng tâm là iPhone.
Theo đơn kiện, Apple đã "làm suy yếu" khả năng nhắn tin của người dùng iPhone với điện thoại thương hiệu khác. Sự phân biệt được thể hiện bởi bong bóng tin nhắn màu xanh lá, đại diện tin nhắn gửi đến người dùng smartphone Android, dẫn đến những trở ngại như ảnh gửi qua tin nhắn bị mờ. Điều này không xảy ra khi nhắn tin giữa hai iPhone chạy hệ điều hành iOS của Apple. Đơn kiện cho rằng đó là tín hiệu "ám chỉ" điện thoại khác chất lượng kém hơn iPhone.
Tiếp theo, Apple bị cáo buộc gây khó khăn trong kết nối iPhone với đồng hồ thông minh không phải Apple Watch. Nếu mua Apple Watch, sẽ rất khó để người dùng từ bỏ iPhone.
Chính phủ Mỹ cũng cho rằng Apple muốn duy trì thế độc quyền bằng cách không cho công ty khác phát triển ví điện tử riêng. Trên iPhone, Apple Wallet là ứng dụng duy nhất có thể dùng chip NFC để thanh toán.
Ngoài ra, ứng dụng stream game từng không được phát hành trên iPhone bởi có thể khiến thiết bị trở thành "phần cứng kém giá trị hơn". Nhà phát triển cũng không được cung cấp các siêu ứng dụng trên iPhone.
Bộ Tư pháp Mỹ cho rằng, bằng cách kiểm soát chặt chẽ trải nghiệm người dùng trên iPhone và thiết bị khác, Apple tạo ra "sân chơi không bình đẳng". Tại đây, sản phẩm và dịch vụ của Apple được truy cập nhiều tính năng cốt lõi, điều mà đối thủ không thể tận dụng.
Trong đơn kiện, Bộ Tư pháp Mỹ yêu cầu tòa án cấm Apple tham gia các hành động như chặn ứng dụng stream game, phá hoại tính năng nhắn tin trên các hệ điều hành của smatphone, chặn ví điện tử thay thế.
Apple gần đây đã hỗ trợ cho các dịch vụ chơi game dựa trên đám mây và cho biết sẽ bổ sung tính năng nhắn tin đa nền tảng RCS vào cuối năm 2024.
“Tại Apple, chúng tôi đổi mới mỗi ngày để tạo ra công nghệ mà nhiều người yêu thích, thiết kế các sản phẩm hoạt động liền mạch với nhau, bảo vệ quyền riêng tư và bảo mật của người dùng, đồng thời tạo ra trải nghiệm tuyệt vời cho người dùng của chúng tôi. Vụ kiện này đe dọa bản sắc của chúng tôi và các nguyên tắc khiến sản phẩm của Apple khác biệt trên các thị trường cạnh tranh khốc liệt", công ty cho biết trong một tuyên bố.
Các nhà thực thi chống độc quyền cho biết Apple đang nhanh chóng mở rộng ảnh hưởng và quyền lực của mình trong các ngành, gồm cả sáng tạo nội dung và dịch vụ tài chính.
Để so sánh, Microsoft bị cáo buộc lạm dụng vị thế thống lĩnh thị trường để cản trở người dùng tự do cài đặt phần mềm trên máy tính sử dụng hệ điều hành Windows của công ty. Điều đó nghe có vẻ giống với việc Apple kiểm soát cửa hàng ứng dụng, nhưng các chuyên gia pháp lý nói rằng có những khác biệt quan trọng.
Theo các chuyên gia pháp lý, Apple có thể ký hợp đồng với bất kỳ ai hãng muốn và thiết kế các sản phẩm mà họ thấy phù hợp.
Douglas Ross, học giả chống độc quyền tại trường luật của Đại học Washington (Mỹ), cho biết vấn đề trở nên nghiêm trọng khi một công ty có quyền lực độc quyền thực hiện các bước nhằm giảm lợi nhuận ngắn hạn nhằm loại bỏ các đối thủ trong dài hạn.
Douglas Ross nói: “Giả định cơ bản mà Bộ Tư pháp Mỹ đưa ra là Apple phải hợp tác với các đối thủ của mình để cho phép các đối thủ cạnh tranh với Apple. Điều này là ngược lại với luật chống độc quyền”.
Thị phần
Microsoft buộc phải mở Windows của mình vì hãng này kiểm soát 95% hệ điều hành máy tính để bàn vào những năm 1990. Để so sánh, Apple chiếm 55% thị trường smartphone ở Bắc Mỹ vào cuối tháng 9.2023 dựa trên lượng máy xuất xưởng, phần còn lại chủ yếu là điện thoại chạy hệ điều hành Android của Google, theo công ty phân tích thị trường Canalys.
Bộ Tư pháp Mỹ muốn định nghĩa thị trường là “thị trường điện thoại thông minh ở Mỹ”. Đại diện Apple cho biết sẽ cố gắng thuyết phục tòa án xác định thị trường này là “thị trường smartphone toàn cầu”.
Dữ liệu của Canalys cho thấy Apple và đối thủ Samsung Electronics mỗi hãng chiếm khoảng 20% thị phần smartphone toàn cầu vào năm 2023, dù gã khổng lồ công nghệ Mỹ hơn tập đoàn điện tử Hàn Quốc một chút về số lượng máy xuất xưởng.
Douglas Ross nói: "Microsoft rõ ràng là một nhà độc quyền và không có đối thủ cạnh tranh hiệu quả nào trong lĩnh vực hệ điều hành PC. Trong khi Android rất phổ biến, đặc biệt là ở phần còn lại của thế giới và là đối thủ cạnh tranh rất hiệu quả với iOS”.
Douglas Ross dự đoán Bộ Tư pháp Mỹ sẽ khó thắng được Apple hơn so với vụ kiện Microsoft.
Một số cáo buộc này đã được đề cập trước đây tại tòa án.
Vào năm 2021, trong vụ kiện chống độc quyền do Epic Games (hãng sản xuất game Fortnite) đưa ra, một thẩm phán liên bang Mỹ đã phán quyết rằng Epic Games không chứng minh được người dùng Apple bị "giam hãm" trên iPhone và sẽ không chuyển sang thiết bị Android.
Tất nhiên, các luật sư của chính phủ Mỹ biết những khác biệt này và vẫn khởi kiện.
Các chuyên gia pháp lý cho rằng điều đó phản ánh quan điểm của Bộ Tư pháp Mỹ và Ủy ban Thương mại Liên bang thuộc chính quyền Biden với việc đối mặt và giải quyết các vụ kiện pháp lý.
Luật sư Patrick McGahan của nguyên đơn, người có công ty liên quan đến vụ kiện chống lại Apple, cho biết: “Họ rất vui khi chấp nhận rủi ro trong một vụ án thực sự lớn”.
Luật sư Melissa Maxman ở Washington nói vụ kiện Microsoft đã thay đổi cục diện công nghệ. Bà gọi vụ kiện Apple của chính phủ Mỹ là một bước hướng tới sự cạnh tranh lớn hơn trên thị trường smartphone.
Melissa Maxman lý giải: “Nếu mở cửa thị trường cho các đối thủ khác tham gia, bạn sẽ thấy giá giảm và chất lượng tăng lên. Đó chính xác là những gì đã được nói trong vụ kiện Microsoft và nó đã đúng".