Hàng lậu, hàng giả về TP.HCM ngày càng nhiều
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:52, 15/11/2019
Mới đây vào ngày 6.11, Cục Quản lý Thị trường TP.HCM đã kiểm tra Saigon Square và chợ Bến Thành, phát hiện và thu giữ hàng chục ngàn mẫu quần áo, giày dép, đồng hồ, túi xách… với đủ các thương hiệu nổi tiếng thế giới. Hầu hết các sản phẩm đều nghi là hàng hóa nhập lậu, có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm sở hữu trí tuệ. Tất cả số hàng hóa trên đều không có hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ, không có đăng ký kinh doanh tại thời điểm lực lượng chức năng yêu cầu xuất trình để kiểm tra.
Ngày 4.11, Chi cục Hải quan cửa khẩu Cảng Sài Gòn khu vực 1 kiểm tra container hàng nhập khẩu của Công ty TNHH Cao su Talalay Viet Nam (TP Nha Trang, Khánh Hòa) khai báo hàng hóa gồm 317 kiện (7,2 tấn) là chăn, nệm, gối trị giá gần 600 triệu đồng. Mặc dù trên nhãn từng sản phẩm đều được ghi xuất xứ Việt Nam nhưng phía bên ngoài thùng carton chứa hàng lại được ghi “Made in China”. Ngoài giả mạo xuất xứ, ước tính chủ lô hàng này còn gian lận trên 100 triệu đồng tiền thuế.
Trước đó, ngày 9.10, lô hàng gần 8.500 sản phẩm quần áo nhập khẩu từ Trung Quốc của Công ty TNHH Thịnh Hòa (quận 10) giả mạo xuất xứ Việt Nam và Hàn Quốc cũng bị lực lượng hải quan TP.HCM phát hiện ngay tại cảng Cát Lái.
Số liệu của Cục Hải quan TP.HCM cho thấy, tính đến 31.10, toàn Cục đã phát hiện và ngăn chặn 1.149 vụ buôn lậu và gian lận thương mại, trị giá hàng vi phạm 1.513 tỉ đồng, tăng hơn 3 lần so cùng kỳ năm 2018 (491,7 tỉ).
Trong khi đó, thống kê sơ bộ từ đầu năm 2019 đến nay, Tổng cục Quản lý thị trường cũng đã phát hiện, xử lý hàng chục ngàn vụ vi phạm, thu nộp ngân sách nhà nước trên 430 tỉ đồng.
Trước tình trạng gian lận thương mại và hàng giả ngày càng diễn biến rất phức tạp; Ban chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP.HCM (Ban chỉ đạo 389 TP.HCM) vừa ban hành kế hoạch khẩn gửi các lực lượng chức năng, quận huyện về mở đợt cao điểm chống hàng gian giả, gian lận thương mại, buôn lậu từ nay tới ngày 28.2.2020
Theo đó, Ban chỉ đạo nhận định có 2 nhóm mặt hàng được “dành” cho Tết là nhóm mặt hàng ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội như vũ khí, ma túy, vật liệu nổ, pháo nổ, động vật hoang dã... Nhóm 2 là mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết như hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, thực phẩm, rượu bia, nước ngọt, thuốc lá, bánh kẹo, xăng dầu, gas, gia súc, gia cầm, thực phẩm tươi sống...
Do vậy, Ban chỉ đạo yêu cầu các sở ngành, UBND quận huyện tập trung điều tra, xử lý kịp thời đối với các hành vi vi phạm. Đồng thời, tăng cường các biện pháp nghiệp vụ, kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ tại các cảng hàng không dân dụng, các tuyến đường bộ, đường sắt, đường thủy, các chợ đầu mối, các trung tâm thương mại, các khu vực buôn bán khác trong nội địa…
Việc này nhằm phát hiện, ngăn chặn các hoạt động buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; buôn bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu, hàng không rõ nguồn gốc; các hành vi trốn thuế, gian lận thương mại; sản xuất, buôn bán hàng giả.
Cạnh đó, các đơn vị cần đưa công tác dự báo, nắm chắc diễn biến tình hình thị trường, hàng hóa, giá cả... là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu, để sẵn sàng đối phó với các tình huống xấu có thể xảy ra…
Phan Diệu