TSMC chạy đua đào tạo nhân sự cho sản xuất chip
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 14:37, 24/03/2024
TSMC chạy đua đào tạo nhân sự cho sản xuất chip
Đài CNN cho biết nhu cầu toàn cầu không ngừng tăng là “cơn đau đầu” với đơn vị sản xuất chip số 1 thế giới TSMC (Đài Loan). Tập đoàn đang phải chạy đua đào tạo nhân sự cho tất cả các nhà máy của mình.
Vài năm trước, TSMC áp dụng cách thức đào tạo vô cùng đơn giản: giao kỹ sư cấp cao kèm người mới để chỉ dẫn họ những kỹ năng cần thiết. Nhưng 3 năm qua tình trạng thiếu hụt chip cùng căng thẳng địa chính trị giúp tập đoàn đạt tăng trưởng mạnh mẽ, đồng thời cũng buộc họ phải xây dựng chương trình đào tạo chuyên sâu để có được hàng nghìn “tân binh” nhanh chóng làm việc. TSMC vào năm 2021 thành lập trung tâm đào tạo bên trong một công viên khoa học trên địa bàn thành phố Đài Trung, giờ đây cơ sở này đóng vai trò chủ chốt giúp công ty mở rộng hoạt động trên toàn cầu.
Với nhu cầu chip tăng theo cấp số nhân, TSMC cùng các khách hàng của mình (gồm Apple, Nvidia, AMD) đều cần nhanh chóng giao hàng. Việc đảm bảo nguồn cung không đứt gãy cũng rất quan trọng đối với Tổng thống Mỹ Joe Biden do ông đang trông cậy vào đơn vị sản xuất chip số 1 thế giới này để vực dậy ngành sản xuất tại bang Arizona.
Hiện nay, tất cả kỹ sư mới ở Đài Loan cùng một số kỹ sư tuyển ở nước ngoài đều phải trải qua thời gian đào tạo 8 tuần tại trung tâm. Giảng viên Marcus Chen nói với CNN: “Bây giờ chúng tôi dạy người mới theo cách có hệ thống hơn, giúp họ học nhanh hơn và xây dựng nền tảng vững chắc. Làm mọi thứ thật hiệu quả là giá trị cốt lõi của TSMC”.
Trung tâm đào tạo mô phỏng hoạt động của nhà máy sản xuất, trong đó có cánh tay robot đang quay để đánh bóng đĩa bán dẫn cũng như máy vận chuyển đĩa bán dẫn đi khắp cơ sở.
Nhu cầu tăng, nhân sự thiếu hụt
Kỹ sư được đào tạo tại trung tâm không chỉ làm việc ở Đài Loan mà còn có thể ra nước ngoài. Phó chủ tịch TSMC Lora Ho cho biết: “Chúng tôi luôn gửi đến mỗi nhà máy vừa đi vào hoạt động một lượng nhân sự nhất định từ Đài Loan, sau đó giảm dần và tăng số lượng lao động tại chỗ”.
90% lượng chip tiên tiến trên thế giới do TSMC sản xuất. Để đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng cũng như sức ép rút ngăn khoảng cách địa lý với khách hàng, tập đoàn này xây thêm nhà máy ở Mỹ, Nhật Bản và Đức, ngoài những nhà máy hiện có tại Đài Loan, miền Đông Trung Quốc và bang Washington (Mỹ).
Tháng trước, nhà máy TSMC đầu tiên tại Nhật chính thức khai trương. Cơ sở này dự kiến bắt đầu sản xuất loạt chip có công nghệ hoàn thiện (gồm cả chip 12 nanomet dùng cho ô tô và thiết bị công nghệ) từ quý 4 năm nay.
Một nhà máy nữa tại bang Arizona phải vài năm mới hoàn thành. Tập đoàn TSCM còn cam kết đầu tư 3,8 tỉ USD xây nhà máy tại thành phố Dresden (Đức) - cơ sở sản xuất TSMC đầu tiên tại châu Âu.
Thiếu hụt nhân sự ảnh hưởng đến kế hoạch mở rộng. Năm ngoái TSMC thông báo dự án xây nhà máy Arizona bị chậm tiến độ do thiếu lao động tay nghề cao. Theo chuyên gia điện tử Stewart Randall (công ty tư vấn Intralink): “Tìm kiếm tài năng tốt nhất luôn là vấn đề. Tình hình càng thêm khó khăn khi thế giới bất ngờ nhận ra chip vô cùng quan trọng”.
Bà Lora Ho thừa nhận TSMC đang đối mặt với khó khăn thiếu lao động tay nghề cao. Tập đoàn hiện có khoảng 77.000 nhân viên trên khắp thế giới, vài năm tới có thể tăng lên 100.000.
Sốc văn hóa làm việc
Không chỉ thiếu lao động tay nghề cao, văn hóa làm việc khác biệt giữa phương Đông và phương Tây cũng là vấn đề với TSMC.
Kỹ sư công nghệ tại Đài Loan được trả lương cao, nhưng công việc đòi hỏi họ làm việc nhiều giờ và làm cả cuối tuần. Nếu động đất xảy ra họ phải lập tức quay lại nhà máy bất kể thời gian nào.
Học giả Kristy Hsu (Viện Nghiên cứu kinh tế Trung Hoa) cho biết “Sản xuất chip - gồm cả đóng gói và thử nghiệm - là ngành sử dụng nhiều lao động, vì vậy mọi người phải làm việc ngoài giờ. Bạn phải chuẩn bị tâm lý bị gọi tới làm việc tại nhà máy dù khi ấy đang là lễ Giáng sinh hay Tết Nguyên đán. Đây là văn hóa làm việc tại Đài Loan cũng như một số nước Đông Á như Nhật Bản suốt hàng thế hệ. Đem văn hóa làm việc này sang Mỹ hay Đức sẽ gặp rắc rối”.
Theo bà Ho, TSMC đang học cách quản lý các nhóm làm việc khác nhau một cách hiệu quả: “Chúng tôi cần điều chỉnh theo thông lệ địa phương. Cách quản lý tại Đài Loan không thể được áp dụng y hệt cho đội ngũ ở nước khác”.