Chuyển đổi xanh để tạo môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:27, 26/03/2024
Chuyển đổi xanh để tạo môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng
Ngày 26.3, Công ty QTSC và Trung tâm Hỗ trợ, tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) tổ chức hội thảo về "Sản xuất bền vững hướng đến tăng trưởng xanh".
Cuộc hội thảo nhằm mục tiêu tăng cường nhận thức về tầm quan trọng của sản xuất bền vững và mô hình tăng trưởng xanh; chia sẻ kiến thức và kinh nghiệm về việc xây dựng, thực hiện các mô hình sản xuất xanh, phát triển kinh tế bền vững.
Hiện nay các nước trên thế giới và ngay cả Việt Nam đang đối mặt với những thách thức về biến đổi khí hậu và giới hạn tài nguyên, thì việc chuyển đổi hệ thống sản xuất truyền thống thành mô hình bền vững không chỉ là lựa chọn, mà còn là yêu cầu cấp bách. Đây là sự cần thiết để bảo vệ tương lai cho các thế hệ tiếp theo, là biện pháp thiết thực để bảo vệ môi trường và tạo ra sự phát triển bền vững.
Tại hội thảo, các diễn giả nêu những thông tin, kinh nghiệm thực tiễn và các chiến lược cụ thể để doanh nghiệp có thể áp dụng trong quá trình chuyển đổi sang một mô hình sản xuất bền vững, như: Làm thế để thể thúc đẩy sự chuyển đổi xanh trong sản xuất? Làm thế nào để đảm bảo rằng việc sản xuất không chỉ tập trung vào việc tăng trưởng kinh tế mà còn đảm bảo sự bền vững và bảo vệ môi trường?
Việt Nam cũng đã tham gia vào các công ước quốc tế về kiểm soát ô nhiễm toàn cầu, về biến đổi khí hậu, về bảo vệ môi trường... Chính phủ Việt Nam đang trong quá trình hoàn thiện hành lang pháp lý và chính sách phục vụ cho chuyển đổi xanh. Các quyết định, thông tư được đưa ra nhằm hướng đến mục tiêu Việt Nam "Net to Zero" vào năm 2050 và xu hướng kinh tế ESG (Environmental, Social, Governance).
Ông Phạm Hoài Trung - Trưởng ban vận động Net to Zero 2050 ứng phó biến đổi khí hậu khái quát chủ đề “Chuyển đổi xanh hướng đến phát triển bền vững”. Trong đó, trụ cột và nền móng ESG là yếu tố quan trọng trong quyết định đầu tư và chọn lựa đối tác kinh doanh. Trước tiên phải chuyển đổi trong tất cả các lĩnh vực như: kinh tế, tài chính, sản xuất, sản phẩm, tiêu dùng, thương mại, doanh nghiệp, công nghệ, vận tải, năng lượng… sang chuyển đổi xanh để hướng đến phát triển bền vững trên cơ sở kết hợp chặt chẽ, hài hòa giữa tăng trưởng kinh tế, giải quyết các vấn đề xã hội và bảo vệ môi trường.
Bà Nguyễn Thị Thanh Phượng - Viện trưởng Viện Công nghiệp, môi trường TP.HCM cho rằng kinh tế số được hiểu là một nền kinh tế vận hành chủ yếu dựa vào công nghệ số, còn kinh tế tuần hoàn là một mô hình mà trong đó các hoạt động thiết kế, sản xuất, dịch vụ đặt ra mục tiêu kéo dài tuổi thọ của vật chất, và loại bỏ tác động tiêu cực đến môi trường. Gắn kết kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, chúng ta sẽ chuyển đổi thành nền kinh tế xanh, từ đó hướng đến phát triển bền vững.
Trong bối cảnh hiện nay, chuyển đổi kép bao gồm chuyển đổi số và chuyển đổi xanh đã trở thành yếu tố quan trọng hướng đến phát triển bền vững. Chuyển đổi số không chỉ mang lại hiệu quả và sự linh hoạt trong quản lý sản xuất mà còn giúp tối ưu hóa tài nguyên, giảm sự lãng phí. Đồng thời, chuyển đổi xanh giúp giảm thiểu tác động đến môi trường, tạo ra một môi trường sống lành mạnh cho cộng đồng.
Liên quan đến nội dung làm thế nào để “Chuyển đổi số trong sản xuất xanh”, ông Phí Anh Tuấn - Trưởng ban Chuyển đổi số mảng doanh nghiệp, Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM cho rằng các doanh nghiệp đang gặp nhiều thách thức khi chuyển sang sản xuất xanh.
Ông Tuấn nêu các vấn đề liên quan đến sản xuất xanh và các thách thức mà doanh nghiệp gặp phải khi chuyển sang sản xuất xanh. Các giải pháp kiểm soát giúp tăng hiệu quả trong sản xuất xanh như ứng dụng MES - tự động dụng hóa dây chuyền sản xuất; tăng cường khai thác hiệu quả quản trị doanh nghiệp, tập trung đáp ứng các chỉ tiêu trong lộ trình ESG cũng như giảm lượng khí thải carbon từ hoạt động sản xuất, doanh nghiệp có thể tiết kiệm chi phí vận hành, tăng cường hiệu quả năng suất và giảm rủi ro về quy định và chính sách liên quan đến biến đổi khí hậu.
Hướng tới mục tiêu chuyển đổi số xu hướng chuyển đổi xanh, ông Trần Hữu Dũng – Giám đốc Công ty QTSC cho biết “Mô hình đô thị xanh - thông minh tiên tiến không chỉ là một hình mẫu phát triển đô thị trong tương lai mà còn là một cơ hội cho doanh nghiệp tham gia vào môi trường kinh doanh bền vững và hấp dẫn. Với việc tập trung vào các giải pháp công nghệ tiên tiến trong các lĩnh vực: quản trị thông minh, môi trường thông minh, năng lượng thông minh, giao thông thông minh, tòa nhà thông minh, an ninh công cộng và hệ sinh thái dữ liệu mở… QTSC cũng sẽ tối ưu hóa sử dụng tài nguyên, giảm thiểu lượng chất thải và sự tác động đến môi trường, thu hút đầu tư và tạo ra một môi trường làm việc tốt nhất cho các doanh nghiệp...”.