Công nghệ mới giúp truyền dữ liệu nhanh hơn internet 4,5 triệu lần
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 13:30, 28/03/2024
Công nghệ mới giúp truyền dữ liệu nhanh hơn internet 4,5 triệu lần
Trang Interesting Engineering đưa tin một nhóm nhà nghiên cứu của Đại học Aston vừa đạt tốc độ truyền dữ liệu nhanh hơn 4,5 triệu lần so với băng thông rộng trung bình cho hộ gia đình.
Đây là tốc độ nhanh nhất từng được ghi nhận, đạt được bằng cách sử dụng các dải bước sóng chưa từng dùng trước đây trong hệ thống cáp quang.
Cụ thể, nhóm thành công truyền dữ liệu với tốc độ 301 terabit (301.000.000 megabit) mỗi giây chỉ bằng một cáp quang tiêu chuẩn duy nhất. Báo cáo hiệu suất băng thông rộng cho hộ gia đình tại Anh công bố tháng 9.2023 cho biết tốc độ trung bình hiện tại là 69,4 megabit mỗi giây.
Đây là thành quả từ sự hợp tác giữa GS Wladek Forysiak, TS Ian Phillips với nhà nghiên cứu từ Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông quốc gia Nhật Bản (NICT) Nokia Bell Labs ở Mỹ. Công nghệ mới sẽ đáp ứng được nhu cầu truyền dữ liệu ngày càng tăng trong tương lai.
Để đạt tốc độ kỷ lục, nhóm sử dụng các dải bước sóng mới. Chúng tương đương với màu sắc khác nhau của ánh sáng truyền xuống cáp quang. Họ phát triển thêm bộ khuếch đại quang và bộ cân bằng khuếch đại quang để truy cập băng tần này.
Ông Philippines giải thích: “Dữ liệu truyền qua cáp quang giống kết nối internet tại nhà hoặc công sở. Tuy nhiên bên cạnh băng thông C và L hiện hành thì chúng tôi sử dụng hai dải bổ sung E và S. Vài năm qua, Đại học Aston đã phát triển bộ khuếch đại hoạt động ở băng thông E nằm liền kề băng thông C nhưng rộng hơn khoảng 3 lần. Trước chúng tôi, không ai có thể mô phỏng chính xác băng thông E một cách có kiểm soát”.
Theo ông Forysiak: “Bằng cách tăng hiệu suất truyền tải, chúng tôi đem lại kết nối được cải thiện đáng kể cho người dùng. Thành tựu đột phá này nêu bật vai trò quan trọng của việc thúc đẩy công nghệ cáp quang nhằm cách mạng hóa mạng truyền thông, cho phép truyền dữ liệu nhanh hơn”.
“Tăng hiệu suất bằng cách sử dụng thêm băng thông giúp giảm chi phí. Đây cũng là giải pháp xanh hơn triển khai thêm nhiều cáp quang, đồng thời tận dụng tốt hơn mạng lưới cáp quan hiện có”, ông Forysiak nói thêm.