Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 16:30, 28/03/2024

Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.
Khoa học - công nghệ

Công nghệ thông tin là ngành luôn ‘khát nhân lực’

Tú Viên 28/03/2024 16:30

Ngày 28.3, Công viên phần mềm Quang Trung (QTSC) cùng Trung tâm Hỗ trợ và tư vấn chuyển đổi số TP.HCM (DXCenter) đã tổ chức hội thảo chia sẻ về xu hướng ngành công nghệ thông tin và cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.

Với chủ đề “Đón đầu xu hướng - Vững bước tương lai”, đại diện các doanh nghiệp lĩnh vực công nghệ thông tin (CNTT) đã chia sẻ những xu hướng công nghệ mới, kiến thức, kỹ năng cần thiết để nâng cao cơ hội nghề nghiệp cho sinh viên.

Việc đón đầu những xu hướng mới như trí tuệ nhân tạo (AI), học máy (machine learning), big data, blockchain, internet of things (IoT)... không chỉ giúp sinh viên ngành CNTT có thể nắm bắt nhiều cơ hội mới mà còn tạo ra lợi thế cạnh tranh cho chính bản thân.

baobvetotnghiep.jpg
Học sinh Trường THPT Thanh Bình, TP.HCM trong giờ công nghệ thông tin - Ảnh: Tường Anh

Theo bà Phạm Thị Kim Phượng, Phó giám đốc QTSC, nhu cầu về nhân lực CNTT vẫn tiếp tục gia tăng, trong đó IT (phần mềm) là một trong 3 nhóm ngành có nhu cầu tuyển dụng cao. Việc thiếu hụt nhân lực hiện nay đang là bài toán nan giải đối với các doanh nghiệp và nhà trường. Trong số sinh viên ngành CNTT tốt nghiệp mỗi năm, chỉ có 35% đáp ứng được ngay yêu cầu về kỹ năng và chuyên môn của nhà tuyển dụng, số còn lại cần phải được đào tạo lại (theo báo cáo thị trường IT Việt Nam năm 2023 của TopDev).

Về thực trạng nguồn nhân lực IT Việt Nam, ông Thái Hoàng Danh, Giám đốc Sản xuất phần mềm Công ty cổ phần Tư vấn và phát triển phần mềm Larion cho biết hiện lực lượng lao động của ngành CNTT khoảng 530.000 người, số sinh viên theo ngành CNTT nhập học hằng năm tại các trường cao đẳng và đại học trong nước khoảng 50.000 - 57.000 người (dựa trên báo cáo tuyển sinh).

Theo ông Danh, số lượng sinh viên ngành IT trung bình tốt nghiệp hằng năm khoảng 16.000 người, tuy nhiên hầu như phải đào tạo lại ít nhất từ 3 - 6 tháng để đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp. Hiện nay, có khoảng 73% công ty IT Việt Nam có kế hoạch tuyển dụng để mở rộng năm 2024. Dự kiến số lượng nhân sự mà các công ty còn thiếu trong năm để đảm bảo sự phát triển và cạnh tranh trên thị trường lên tới 170.000 người.

“Sự phát triển mạnh mẽ của AI tạo ra nhiều cạnh tranh khốc liệt, những thảo luận trái chiều, quan điểm của người lao động cũng có sự đa dạng tùy thuộc nhóm ngành nghề, cấp bậc. Để thích ứng, người lao động nên trau dồi kiến thức chuyên môn, kỹ năng mềm trong lĩnh vực của mình; không ngừng cập nhật xu hướng ngành để tạo ra thay đổi, sáng tạo đột phá, cá nhân hóa; không ngừng tìm hiểu AI và ứng dụng vào công việc, với mục tiêu trở thành trợ lực cho bản thân”, bà Nguyễn Ngọc Anh Thư, đại diện TopCV Viet Nam nói.

Trong năm 2023, khảo sát cho thấy khoảng 41% doanh nghiệp ở hai thành phố lớn là TP.HCM và Hà Nội đạt 100% chỉ tiêu tuyển dụng. Tiềm năng, nhu cầu tuyển dụng ở cả hai thị trường lao động chính này vẫn rất lớn như kinh doanh - bán hàng (chiếm 39,3%) và IT (chiếm 13,2%) vẫn tiếp tục là những nhóm ngành “khát nhân lực”.

Tú Viên