Băng tan khiến Trái đất quay chậm hơn

Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:52, 29/03/2024

Trang Interesting Engineering dẫn một nghiên cứu mới cảnh báo tình trạng băng ở Greenland và Nam Cực tan chảy nhanh chóng không chỉ làm thay đổi hình dạng Trái đất mà còn ảnh hưởng đến vòng quay tự nhiên của nó, buộc con người phải trừ giây nhuận đầu tiên trong lịch sử.
Khoa học - công nghệ

Băng tan khiến Trái đất quay chậm hơn

Cẩm Bình 29/03/2024 10:52

Trang Interesting Engineering dẫn một nghiên cứu mới cảnh báo tình trạng băng ở Greenland và Nam Cực tan chảy nhanh chóng không chỉ làm thay đổi hình dạng Trái đất mà còn ảnh hưởng đến vòng quay tự nhiên của nó, buộc con người phải trừ giây nhuận đầu tiên trong lịch sử.

bang.jpg

Vòng quay Trái đất quy định thời gian con người sử dụng. Một vòng quay tương đương một ngày, nhưng hành tinh không phải chiếc đồng hồ cực kỳ chính xác. Vòng quay bị nhiều yếu tố ảnh hưởng, từ Mặt trăng, đại dương, khí quyển đến sự dịch chuyển của lõi chất lỏng.

Dù loạt yếu tố trên ảnh hưởng không đáng kể, con người vẫn cần điều chỉnh chuẩn thời gian cho đồng bộ với vòng quay. Giây nhuận có thể được cộng thêm hoặc trừ bớt khỏi hệ thống giờ quốc tế (UTC).

Trái đất quay chậm suốt nhiều thập niên qua nên từ năm 1972 đến nay con người đã cộng thêm tổng cộng thêm 27 giây nhuận. Giờ đây hành tinh đang tăng tốc, giới chuyên gia xác định nguyên nhân là quá trình vận động bên trong lõi Trái đất.

Tuy nhiên băng tan sẽ lại kéo chậm vòng quay. Khi băng biến thành nước và chảy về phía xích đạo, phần phình ở xích đạo to ra làm khối lượng bị tái phân phối. Interesting Engineering lấy ví dụ vận động viên trượt băng nghệ thuật quay chậm lại khi dang rộng cánh tay.

Theo nghiên cứu mới đăng trên tạp chí Nature, băng tan khiến UTC cần bị trừ một giây nhuận vào năm 2029. Khi đó một phút chỉ bằng 59 giây. Tiến sĩ Patrizia Tavella (Cục Trọng lượng và đo lường quốc tế) cho biết: “Giây nhuận chưa từng bị trừ bớt nên khó đoán trước làm vậy sẽ đem lại vấn đề gì”.

Hạ tầng số của con người dựa vào sự chính xác. Sàn giao dịch chứng khoán cũng như nhiều hệ thống khác cần thời gian chính xác đến mili giây. Thêm một giây không phải vấn đề lớn vì các hệ thống được lập trình để thích ứng với điều chỉnh này. Nhưng trừ một giây có thể đòi hỏi phải lập trình lại hệ thống, tạo ra rủi ro xảy ra lỗi đáng kể trên toàn thế giới.

Quan điểm con người làm thay đổi đặc điểm cơ bản của Trái đất khiến nhiều người ngạc nhiên. Nhà địa vật lý Duncan Carr Agnew (Đại học California) nhận định phát hiện tình trạng băng tan khiến Trái đất quay chậm hơn sẽ cho mọi người thấy đây thực sự là vấn đề lớn.

Cẩm Bình