Sạt lở bờ sông Ngàn Phố, dân mất đất sản xuất
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 07:20, 31/03/2024
Sạt lở bờ sông Ngàn Phố, dân mất đất sản xuất
Khoảng 5 năm trở lại đây, sông Ngàn Phố đoạn qua xã Sơn Tây, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) thay đổi dòng chảy gây sạt lở nghiêm trọng, cuốn trôi nhiều diện tích đất sản xuất tại thôn Kim Thành.
Dẫn chúng tôi băng qua bãi ngô, men theo bờ sông Ngàn Phố thuộc khu vực bãi Bè, thôn Kim Thành (xã Sơn Tây), ông Nguyễn Đình Đông, Trưởng thôn Kim Thành chỉ tay về phía bờ bên kia và nói: “Trước đây bờ sông bên này nằm về phía xa kia. Từ chỗ chúng ta đang đứng ra đến bờ sông cũ khoảng 100m, xưa đều là các thửa đất trồng ngô. Nhưng rồi dòng sông cứ chảy lấn dần về bên này gây sạt lở liên tục. Hiện tượng lấn dòng và cuốn trôi đất mạnh nhất là từ khoảng 5 năm trở lại đây, mỗi năm dòng sông ăn sâu vào bãi ngô khoảng 10 - 15m”.
Theo ông Đông, những năm qua, hàng chục héc ta đất nông nghiệp tại khu vực bãi Bè đang bị dòng nước “nuốt” dần trước sự bất lực của người dân xã Sơn Tây. Họ chỉ biết rằng sông thì luôn có bên lở, bên bồi; nếu ở bên lở thì phải tìm cách khắc phục để giảm đến mức thấp nhất sự xói lở. Nhưng trong trường hợp này, với tốc độ “ngoạm” đất của dòng sông Ngàn Phố như vậy, từ người dân đến chính quyền vẫn chưa tìm được phương án khả thi.
Ông Trần Xuân Mai (thôn Kim Thành, xã Sơn Tây) cho biết: “Ngày xưa gia đình tôi có 1 sào đất ở bãi Bè này. Qua mấy năm sông thay đổi dòng chảy gây sạt lở, đến giờ đất của tôi bị cuốn trôi mất khoảng một phần ba rồi. Cứ theo đà này thì dòng chảy sẽ ngày càng lấn sâu vào bãi trồng ngô và chúng tôi sẽ mất hết đất sản xuất ở đây”.
Về phương án khống chế sự xói lở bờ sông để giữ đất, trưởng thôn Kim Thành nói: “Chúng tôi đề nghị các cơ quan nhà nước có thẩm quyền nghiên cứu, xem xét, hỗ trợ xây kè chống sạt lở để đảm bảo cho bà con có đất sản xuất lâu dài”.
Ông Cao Văn Đức, Chủ tịch UBND xã Sơn Tây cho biết, sự việc bờ sông bị xói lở, đất sản xuất của dân bị cuốn trôi đã được nhắc đến trong nhiều cuộc tiếp xúc cử tri. Người dân và chính quyền xã cũng đã đề nghị cấp trên có phương án hỗ trợ khắc phục nhưng đến nay chưa có câu trả lời.
“Xây kè chống sạt lở cần nguồn kinh phí rất lớn, năng lực của xã không thể làm nổi nên phải chờ cấp trên hỗ trợ. Về phía xã thì chúng tôi lên phương án trồng tre để chống xói lở, nhưng vẫn phải xem xét thêm về tính khả thi mới thực hiện. Hiện dòng sông cứ lấn dần vào bãi ngô, hướng về khu nhà dân nên bà con ngày càng lo lắng”, ông Đức nói.