Minh chứng thiên đường - Bộ não là một cơ chế kỳ diệu

Văn hóa - Ngày đăng : 14:19, 31/03/2024

Bond không phải là người duy nhất cảm thấy khó lòng chấp nhận được tình trạng dở dở ương ương của tôi trong suốt những ngày đầu khi tôi mới tỉnh lại. Một ngày sau hôm tôi tỉnh lại, Phyllis gọi và nói chuyện với Eben IV trên máy tính qua Skype.
Văn hóa

Minh chứng thiên đường - Bộ não là một cơ chế kỳ diệu

Hạ Vĩ 31/03/2024 14:19

Bond không phải là người duy nhất cảm thấy khó lòng chấp nhận được tình trạng dở dở ương ương của tôi trong suốt những ngày đầu khi tôi mới tỉnh lại. Một ngày sau hôm tôi tỉnh lại, Phyllis gọi và nói chuyện với Eben IV trên máy tính qua Skype.


Chưa trở lại hoàn toàn

“Chào cha! Cha thế nào rồi ạ?”, thằng bé vui vẻ nói.

Trong một phút sau đó, tôi chỉ nhe răng cười rồi nhìn chằm chằm vào màn hình. Nhưng cuối cùng, khi tôi bắt đầu mở miệng thì Eben lại càng bối rối hơn. Tôi nói chậm kinh khủng, và những lời tôi nói ra đều chẳng có nghĩa. Về sau, Eben kể lại với tôi: “Cha nói nghe như xác sống - giống như một người nghiện ma túy đang bị hoang tưởng nặng”. Thật không may, vì thằng bé đã không được báo trước về khả năng tôi có thể bị chứng rối loạn tâm thần ICU.

Dần dần, chứng hoang tưởng của tôi giảm bớt, suy nghĩ và lời nói của tôi cũng trở nên rõ ràng hơn. Hai ngày sau khi tỉnh lại, tôi được chuyển về Khu Chăm sóc Thần kinh Giảm nhẹ. Các y tá ở đó đưa cho Phyllis và Betsy mấy cái giường xếp nhỏ để họ có thể ngủ bên cạnh tôi.

Nhưng vấn đề duy nhất là tôi không ngủ. Cả đêm tôi không để họ ngủ, huyên thiên đủ thứ chuyện, về Internet, về các trạm không gian, về những gián điệp hai mang của Nga, và những thứ nhảm nhí tương tự. Phyllis cố thuyết phục các y tá rằng tôi bị ho, hy vọng họ sẽ cho tôi một ít sirô ho để cả ba có thể ngủ yên trong ít nhất một, hai tiếng. Tôi giống như một đứa trẻ sơ sinh chưa thể ngủ đúng giờ giấc vậy.

Những lúc yên ắng hơn, Phyllis và Betsy giúp kéo tôi từ từ về lại với cuộc sống trên trái đất. Họ nhắc lại đủ thứ chuyện từ thời thơ ấu của chúng tôi, và mặc dù chuyện nào tôi cũng nghe như thể mới nghe lần đầu, những chuyện đó vẫn khiến tôi thích thú. Họ càng nói, tôi càng cảm thấy một điều gì đó quan trọng bắt đầu le lói bên trong tôi - đó là sự nhận ra rằng bản thân tôi thật sự đã ở đó và trải nghiệm những sự kiện này.

Sau đó vài ngày, tôi bắt đầu có những cuộc hội thoại thi thoảng vô cùng mạch lạc với các vị khách đến thăm và lại một lần nữa, thật đáng kinh ngạc khi thấy những sự kết nối này bộc phát ra một cách tự động mà không cần chút nỗ lực nào từ tôi. Như một chiếc máy bay phản lực đang ở
chế độ lái tự động, bộ não của tôi, như có một sự thỏa thuận nào đó, đã thích nghi được với những khung cảnh thuộc về đời sống con người đang càng lúc càng trở nên quen thuộc này. Tôi đang tận mắt chứng kiến một chân lý mà tôi đã biết quá rõ khi còn là một bác sĩ giải phẫu thần kinh: bộ não là một cơ chế thật sự kỳ diệu.

Tất nhiên, câu hỏi không nói ra trong tâm trí của tất cả mọi người, kể cả tôi là: Tôi sẽ hồi phục đến mức nào? Sự chờ đợi ngày này qua ngày khác hành hạ tất cả mọi người, đặc biệt là Holley - với nỗi lo sợ rằng tiến trình hồi phục kỳ diệu của tôi sẽ đột nhiên dừng lại, và cô ấy chỉ còn lại bên mình một phần của “tôi” mà cô ấy từng biết.

Nhưng ngày qua ngày, “tôi” càng lúc càng trở về nhiều phần hơn. Ngôn ngữ. Ký ức. Nhận thức. Cái cá tính hay đùa nghịch mà mọi người đã luôn nhìn thấy ở tôi cũng quay trở về. Chiều thứ Hai, Phyllis sờ tay lên trán tôi và tôi giật nẩy người.

“Á”, tôi thét lên. “Đau!”

Rồi, sau khi khoái chí nhìn vẻ kinh hãi của mọi người, tôi mới nói: “Giỡn thôi mà”. Tất cả mọi người đều kinh ngạc trước tốc độ hồi phục của tôi, trừ chính tôi. Tôi, cho đến lúc này, không có manh mối nào để xác định liệu tôi đã thật sự gần kề với cái chết đến mức nào. Khi lần lượt từng người trong gia đình và bạn bè trở lại với cuộc sống của họ, tôi chúc họ mạnh khỏe và vẫn vô tư chẳng biết gì về bi kịch mà mình vừa thoát được chỉ trong gang tấc.

Tôi sôi nổi, hào hứng đến độ một trong các bác sĩ thần kinh, khi đưa ra đánh giá về việc có nên cho tôi vào khu phục hồi chức năng hay không, đã khẳng định rằng tôi “quá hưng phấn”, và rằng có lẽ não của tôi đã bị tổn thương.

23261486-8845-49f0-b4fe-aa011d26d2ec.jpeg

Ngay cả khi đó, tôi vẫn biết một điều mà càng lúc càng nhiều người xung quanh tôi cũng dần chấp nhận. Dù theo hay không theo nhận định của các bác sĩ, tôi chẳng ốm đau hay bị một tổn thương nào ở não cả. Tôi hoàn toàn ổn. Thực chất - dù cho đến thời điểm ấy chỉ có mình tôi biết điều này - đây là lần đầu tiên trong suốt cuộc đời của mình, tôi hoàn toàn và thật sự “ổn”.

Khi tôi hiểu mình thật sự là ai

"Thật sự ổn” - dù đúng là tôi vẫn còn nhiều việc phải làm ở phương diện “phần cứng” của mọi thứ. Một vài ngày sau khi được chuyển vào khu điều trị phục hồi chức năng ngoại trú, tôi gọi điện tới trường cho Eben IV. Thằng bé có nói đến việc nó đang viết một bài luận cho một trong các khóa học về thần kinh của mình. Tôi tình nguyện giúp, nhưng ngay sau đó đã thấy hối hận vì quyết định này. Việc tập trung vào chủ đề khó hơn tôi tưởng nhiều, và các thuật ngữ mà tôi tưởng là đã hoàn toàn trở lại lúc này đột nhiên lại chẳng chịu hiện ra trong đầu tôi. Tôi bàng hoàng nhận ra rằng mình vẫn còn phải đi một quãng đường dài.

77e84a2a-1f70-45bb-bf0f-c7002938b32a.jpeg

Nhưng dần dần, phần đó cũng quay về với tôi. Một ngày kia, tôi thức dậy và thấy mình sở hữu cả một địa cầu kiến thức khoa học và y học mà một ngày trước đó tôi hoàn toàn mù tịt. Đây là một trong những khía cạnh kỳ lạ nhất trong những trải nghiệm đã qua của tôi: mở mắt ra vào buổi sáng và thấy mình lại sở hữu đầy đủ và thậm chí nhiều hơn trước các kiến thức căn bản và kinh nghiệm thực tiễn của cả một đời học hành và nghiên cứu.

Trong khi kiến thức về khoa học thần kinh của tôi len lỏi quay về một cách chậm rãi và e dè, thì ký ức về những gì đã xảy ra trong một tuần tồn tại bên ngoài cơ thể của tôi trở lại trong trí nhớ của tôi với một sự quả quyết và sáng tỏ lạ thường. Những gì đã xảy ra bên ngoài thế gian có sự liên quan mật thiết với cảm giác an lạc tột cùng mà tôi đã có lúc tỉnh dậy, và trạng thái đầy ân phúc mà cho đến giờ phút này vẫn còn nguyên vẹn trong tôi.

Tâm trạng hưng phấn cuồng nhiệt của tôi là do tôi đã trở về với những người mình yêu thương, nhưng cũng là vì - nói một cách dễ hiểu nhất có thể - đây là lần đầu tiên trong đời tôi hiểu mình thật sự là ai, và thế giới mà chúng ta đang sống này là gì.

Một cách mê say - và vô tư - tôi hăng hái chia sẻ những trải nghiệm này với mọi người, đặc biệt là với các bác sĩ đồng nghiệp. Rốt cuộc thì, những gì tôi trải qua đã làm thay đổi những niềm tin bấy lâu của tôi về khái niệm bộ não, về ý thức, thậm chí về cuộc sống - nó bao hàm ý nghĩa gì, và không bao hàm ý nghĩa gì. Ai mà lại không nóng lòng muốn nghe những khám phá này của tôi chứ?

Nhưng hóa ra lại có khá nhiều người không muốn nghe. Đặc biệt là những người có bằng cấp y khoa. Xin đừng hiểu lầm, các bác sĩ rất vui mừng cho tôi. “Điều đó thật tuyệt, Eben à”, họ nói, hệt như cái cách mà trong quá khứ tôi đã phản hồi với vô số bệnh nhân của mình khi họ cố nói cho tôi nghe về những trải nghiệm ở những thế giới khác khi họ đang trải qua cuộc phẫu thuật. “Anh đã bị ốm rất nặng. Não của anh chứa toàn mủ. Chúng tôi còn không tin nổi là anh lại có thể ở đây và nói về chuyện này. Chính anh cũng biết là bộ não có thể có những hoang tưởng khó lường khi nó bị tổn thương đến thế.”

Tóm lại, thật khó để họ hiểu được những gì mà tôi đang cố hết sức để chia sẻ. Nhưng mà, làm sao tôi có thể trách họ được? Xét cho cùng thì trước đây, ngay cả tôi cũng chẳng thể nào hiểu được.

Hạ Vĩ