Phát hiện có thể tăng tỷ lệ sống sót của người mắc ung thư tuyến tụy, căn bệnh khiến Steve Jobs qua đời

Nhịp đập khoa học - Ngày đăng : 22:24, 31/03/2024

Lần đầu tiên các nhà khoa học Trung Quốc đã xác định được hai dấu hiệu protein có thể dự đoán độ nhạy của hóa trị với bệnh ung thư tuyến tụy, khám phá được kỳ vọng sẽ cải thiện tỷ lệ sống sót tổng thể cho những người mắc một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất.
Nhịp đập khoa học

Phát hiện có thể tăng tỷ lệ sống sót của người mắc ung thư tuyến tụy, căn bệnh khiến Steve Jobs qua đời

Sơn Vân {Ngày xuất bản}

Lần đầu tiên các nhà khoa học Trung Quốc đã xác định được hai dấu hiệu protein có thể dự đoán độ nhạy của hóa trị với bệnh ung thư tuyến tụy, khám phá được kỳ vọng sẽ cải thiện tỷ lệ sống sót tổng thể cho những người mắc một trong những căn bệnh nguy hiểm nhất.

Ung thư tuyến tụy không có triệu chứng rõ ràng ở giai đoạn đầu khi cơ hội chữa khỏi là lớn nhất, dễ nhầm lẫn với một số bệnh lý tiêu hóa khác dẫn đến việc chẩn đoán chậm trễ. Tỷ lệ sống sót trung bình sau 5 năm mắc ung thư tuyến tụy là dưới 10%.

Một nghiên cứu của Trung Quốc đã tuyển chọn 1.171 bệnh nhân mắc ung thư biểu mô tuyến tụy (PDAC). Đây là loại ung thư tuyến tụy phổ biến nhất, chiếm hơn 95% tổng số trường hợp, và được theo dõi lâu dài.

PDAC gây ra khoảng 466.000 ca tử vong trên toàn thế giới mỗi năm và được dự đoán sẽ trở thành nguyên nhân thứ hai gây tử vong liên quan đến ung thư vào năm 2030.

Nhóm nghiên cứu Trung Quốc đã giải trình tự proteome (bộ protein hoàn chỉnh được biểu hiện bởi một tế bào) và transcriptome (mô tả tập hợp bộ phiên mã mRNA được tạo ra trong một loại tế bào hoặc mô nhất định) của 191 bệnh nhân trong hơn 3 năm theo dõi. Điều này cho phép họ xây dựng thành công mô hình tiên lượng ung thư tuyến tụy và sau đó báo cáo việc xác định hai dấu ấn sinh học protein quan trọng: NDUFB8 và CEMIP2.

Nghiên cứu được đồng chủ trì bởi các nhà khoa học và bác sĩ từ Bệnh viện Ruijin, một phần của Trường Y dược thuộc Đại học Giao thông Thượng Hải, và Bệnh viện Trường Hải ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc). Bài viết về nghiên cứu này được xuất bản chính thức trên tạp chí Nature Medicine gần đây.

Để xác nhận tính hợp lệ của các dấu hiệu sinh học nêu trên, nhóm nghiên cứu đã thử nghiệm thêm phát hiện của họ tại những trung tâm y tế ở Pháp và Trung Quốc với ba nhóm bệnh nhân riêng biệt, mỗi nhóm có hơn 200 người tham gia. Các tác giả nói quá trình này “đã nâng cao tính chắc chắn và khái quát hóa những phát hiện của chúng tôi”.

Fan Jia, bác sĩ cấp cao tại Bệnh viện Trung Sơn (liên kết với Đại học Phúc Đán ở Thượng Hải), nói nghiên cứu này được cho là “lần đầu tiên sử dụng nền tảng phân tích protein để khám phá các dấu ấn sinh học liên quan đến điều trị PDAC”.

Không tham gia vào nghiên cứu, Fan Jiacho cho biết những phát hiện này “đánh dấu một kỷ nguyên mới trong chẩn đoán và điều trị chính xác bệnh ung thư tuyến tụy”.

phat-hien-co-the-tang-ty-le-song-sot-cua-nguoi-mac-ung-thu-tuyen-tuy-can-benh-khien-steve-jobs-qua-doi.jpg
Phát hiện của nhóm nghiên cứuTrung Quốc “đánh dấu một kỷ nguyên mới trong chẩn đoán và điều trị chính xác bệnh ung thư tuyến tụy” - Ảnh: Shutterstock Images

Trong cùng bài viết về nghiên cứu, hai chuyên gia khác trong lĩnh vực này là Li Min và Liu Mingyang lưu ý rằng khoảng 60% bệnh nhân ung thư tuyến tụy đã bị di căn tại thời điểm chẩn đoán ban đầu và 30% lan sang một phần của tụy hoặc các cơ quan lân cận.

Họ nói: “Điều này đã tước đi cơ hội chữa khỏi bệnh của họ thông qua phẫu thuật và khiến họ không có lựa chọn tối ưu là điều trị toàn diện dựa trên hóa trị”.

Li Min là nhà nghiên cứu tại Trường Y khoa thuộc Đại học Oklahoma và là Chủ tịch Hiệp hội Tụy Mỹ, còn Liu Mingyang đến từ Bệnh viện Ung thư thuộc Viện Khoa học Y tế Trung Quốc.

Những năm gần đây, người ta biết rõ rằng ung thư tuyến tụy là một khối u có tính dị biệt cao, nghĩa là có thể xuất hiện khác nhau ở mỗi bệnh nhân.

Li Min và Liu Mingyang cho hay: “Làm thế nào để dự đoán chính xác hiệu quả của hóa trị và tối ưu hóa danh mục điều trị cho bệnh nhân là trọng tâm và điểm đau đầu của nghiên cứu ung thư tuyến tụy hiện nay”.

Huyền thoại Steve Jobs qua đời vì ung thư tuyến tụy

Ung thư tuyến tụy, thường được gọi là “vua của các bệnh ung thư”, đã cướp đi sinh mạng của Steve Jobs (người đồng sáng lập Apple) vào năm 2011.

Huyền thoại Steve Jobs sinh ngày 24.2.1955, mất hôm 5.10.2011 vì căn bệnh ung thư quái ác này. Đây là sự mất mát đáng tiếc của giới công nghệ khi thời điểm đó, Apple đang ngày càng có ảnh hưởng với dòng sản phẩm iPhone.

Trước đó, Steve Jobs thừa nhận với nhà báo Walter Isaacson, người viết cuốn tự truyện của ông, rằng đã không làm theo lời khuyên từ bác sĩ.

Khi đi khám sỏi thận vào năm 2003, Steve Jobs được phát hiện mắc bệnh ung thư tuyến tụy. Tuy nhiên, loại ung thư của ông nằm trong số 5% trường hợp phát triển chậm, có thể chữa trị nếu phẫu thuật. Thế nên, các bác sĩ đã khuyên ông đi phẫu thuật càng sớm càng tốt.

Người thân và gia đình cũng khuyên Steve Jobs phẫu thuật và hóa trị. Dù vậy, ông đã trì hoãn việc phẫu thuật trong 9 tháng và cố gắng tìm cách điều trị khác. Quyết định này đã khiến Steve Jobs qua đời trong khi căn bệnh có thể chữa được.

"Tôi không muốn cơ thể bị mổ phanh ra. Tôi không muốn mình bị xâm phạm kiểu đấy", Steve Jobs kể lại với Walter Isaacson.

Trong 9 tháng đó, Steve Jobs sử dụng những phương cách như ăn chay, châm cứu, thảo dược, thông đại tràng và nhiều hình thức chữa bệnh không theo tây y. Có thời điểm ông còn tìm đến những người chữa trị bằng thôi miên.

Phải đến năm 2004, Steve Jobs mới chấp nhận phẫu thuật để bỏ khối u. Sau đó, ông chia sẻ thông tin tới toàn bộ nhân viên Apple.

"Tôi có một thông tin cá nhân muốn chia sẻ và muốn các bạn nghe từ chính tôi. Tôi mắc phải một dạng ung thư tụy rất hiếm, nằm trong số 1% số ca có thể chữa khỏi nếu phẫu thuật sau khi phát hiện kịp thời, như trường hợp của tôi", Steve Jobs viết trong email.

Dù Steve Jobs tỏ ra lạc quan, sức khỏe của ông không hoàn toàn bình thường. Năm 2006, ngoại hình gầy gò khác thường của Steve Jobs tại Hội nghị nhà phát triển của Apple khiến nhiều người nghi ngờ về sức khỏe của ông. Thời điểm này, đại diện Apple cho biết Steve Jobs vẫn rất khỏe.

Năm 2008, Steve Jobs trông còn gầy hơn. Một năm sau, ông vắng mặt trong sự kiện công bố sản phẩm của Apple. Steve Jobs cho rằng ông gầy đi vì một vấn đề liên quan đến hormone. Dù vậy, đến đầu năm 2009, ông không thể làm việc tiếp và phải nghỉ một thời gian.

Tháng 6.2009, tờ Wall Street Journal tiết lộ Steve Jobs vừa ghép gan tại bang Tennessee (Mỹ). Sau khi phủ nhận, bệnh viện cuối cùng thừa nhận Steve Jobs đã được ghép tạng và còn cho biết ông "là bệnh nhân nặng nhất trong danh sách chờ".

Đến lúc đó, Steve Jobs chọn cách chữa trị ngược hẳn với thời gian đầu. Ông đã được giải mã toàn bộ gien để tìm ra cách chữa hiệu quả nhất, đến Thụy Sĩ để được can thiệp bằng phương pháp xạ trị. Tuy nhiên, 9 tháng là thời gian dài với bệnh ung thư và khi Steve Jobs chấp nhận phẫu thuật thì tế bào ung thư đã di căn.

Steve Jobs quay lại làm việc sau 6 tháng, nhưng đến tháng 1.2011 thì ông lại phải nghỉ phép. Tháng 8.2011, Steve Jobs nhường vị trí Giám đốc điều hành Apple cho Tim Cook.

"Tôi luôn nói rằng khi không thể làm trọn nhiệm vụ và đáp ứng yêu cầu ở vị trí Giám đốc điều hành Apple, tôi sẽ tự mình nói ra. Đáng tiếc là ngày đó đã đến", Steve Jobs viết trong email thông báo cho nhân viên.

phat-hien-co-the-tang-ty-le-song-sot-cua-nguoi-mac-ung-thu-tuyen-tuy-can-benh-khien-steve-jobs-qua-doi1.jpg
Chậm trễ phẫu thuật là lý do Steve Jobs qua đời vì bệnh ung thư tuyến tụy - Ảnh: Getty Images

Theo cuốn tự truyện, Steve Jobs vẫn rất khó tính vào giai đoạn cuối đời. Ông phải chọn lựa tới 67 y tá mới tìm ra được 3 người ưng ý, song đến lúc đó thì ông đã quá yếu.

Steve Jobs mất tại căn nhà của mình ở thành phố Palo Alto, bang California (Mỹ). Trước khi qua đời ở tuổi 56 tuổi, Steve Jobs gầy gò và già hơn so với tuổi thực của mình vì căn bệnh ung thư, khác xa hình ảnh người đàn ông cường tráng trước đây.

Trong cuộc sống, Steve Jobs nổi tiếng là người có tư duy khác biệt. Tại Apple, ông là người tạo ra các sản phẩm thay đổi thế giới như máy tính Mac, iPhone và iPad. Khả năng thiên tài của Steve Jobs đến từ bản chất chính xác, đòi hỏi cao và tư duy kì lạ. Song bi kịch là ông lại sử dụng chính những suy nghĩ đó để đối đầu với căn bệnh ung thư của mình.

Về vấn đề sức khỏe của chính mình, Steve Jobs đã dựa vào bản năng thay vì lời khuyên của các bác sĩ. Ông đã để căn bệnh ung thư di căn trong 9 tháng trước khi quyết định phẫu thuật.

Walter Isaacson cho rằng Steve Jobs đã quá phụ thuộc vào ý chí, tin tưởng bản thân khi đối đầu với căn bệnh ung thư.

"Tôi nghĩ rằng Steve Jobs cảm nhận nếu ta cứ từ chối một điều gì đó, không muốn nó tồn tại thì mình có thể tạo ra loại suy nghĩ ma thuật. Cách nghĩ đó từng giúp ông ấy thành công trong quá khứ", tác giả cuốn tự truyện nói trong một cuộc phỏng vấn với đài CBS.

Một số bác sĩ cho rằng sự chậm trễ phẫu thuật là lý do tại sao Steve Jobs qua đời.

“Ông ấy mắc một loại ung thư tuyến tụy có thể điều trị và chữa khỏi được. Về cơ bản, ông ấy đã tự sát”, Barrie Cassileth, bác sĩ ung thư tại bệnh viện Memorial Sloan-Kettering, kể.

Sơn Vân