Trao chứng nhận giáo sư, tiến sĩ mà không cần công trình nghiên cứu?
Giáo dục - Ngày đăng : 13:53, 28/03/2024
Trao chứng nhận giáo sư, tiến sĩ mà không cần công trình nghiên cứu?
Gần đây xuất hiện tổ chức có tên gọi Hội đồng thương mại và công nghệ toàn cầu Ấn Độ (GTTCI), hoạt động “chui” tại Việt Nam, thường xuyên mời gọi thành viên tham gia và đóng tiền để nhận bằng tiến sĩ… danh dự.
Tự giới thiệu là tổ chức có thành viên trên toàn cầu, được thành lập với sứ mệnh thúc đẩy ngoại giao nhân dân, hợp tác khoa học, công nghệ, thương mại… giữa Ấn Độ và các quốc gia trên toàn cầu; nhưng trên thực tế, Hội đồng thương mại và công nghệ toàn cầu Ấn Độ (GTTCI) là tổ chức có rất ít thông tin tại Việt Nam.
Nghiêm trọng hơn, GTTCI thậm chí còn liên kết với một số trường đại học “ma” để thực hiện việc trao chứng nhận giáo sư, tiến sĩ danh dự cho nhiều cá nhân tại Việt Nam, thu về nguồn lợi “khủng”.
Tài trợ hàng nghìn USĐ để trở thành giáo sư, tiến sĩ danh dự?
Thời điểm tháng 12.2023, trên nhiều phương tiện thông tin đại chúng rầm rộ xuất hiện hàng loạt các thông tin về việc, có tới 52 cá nhân tiêu biểu của Việt Nam vinh dự được “sắc phong” danh hiệu giáo sư, tiến sĩ danh dự của trường Đại học Apolos (Hoa Kỳ) và trường Đại học Quốc tế mở và trực tuyến Cambridge (Canada).
Được biết, lễ sắc phong danh hiệu này nằm trong khuôn khổ “Diễn đàn Khoa học và Kinh tế toàn cầu”, diễn ra vào ngày 21.12.2023 tại Thủ đô New Delhi (Ấn Độ). Diễn đàn do một tổ chức có tên là Hội đồng thương mại và công nghệ toàn cầu Ấn Độ (Global Trade &Technology Council of India - GTTCI) tổ chức.
Qua tìm hiểu cho thấy, điều kiện để được sắc phong danh hiệu giáo sư, tiến sĩ danh dự của các trường đại học mang tầm cỡ quốc tế như đã nêu trên vô cùng đơn giản, đó là những khách mời “may mắn” chỉ cần bỏ ra số tiền vài nghìn USD để nộp cho ban tổ chức là xong.
Điều này đồng nghĩa với việc, để trở thành giáo sư, tiến sĩ tại các trường đại học quốc tế như Apolos và Quốc tế Cambridge, những cá nhân người Việt Nam không cần phải tham gia bất cứ khoá học, khoá đào tạo nào của những trường đại học này, cũng không cần có bất kỳ công trình nghiên cứu khoa học nào cả; chỉ cần có tiền và đồng ý chi tiền để tham dự diễn đàn là đủ.
Trước đó, ngày 16.10.2023, GTTCI đã gửi đi hàng loạt thư mời với chủ đề “Lời mời nhận Học vị Tiến sĩ danh dự” do người tự xưng là Tiến sĩ Gupta – Chủ tịch sáng lập GTCCI ký tới hàng loạt cá nhân tại Việt Nam. Trong đó, nêu ra việc GTTCI công nhận sự cống hiến xuất sắc và đóng góp đáng kinh ngạc của người nhận được thư mời, không chỉ ở Việt Nam mà còn trên toàn cầu.
Nội dung bức thư thậm chí còn mời những cá nhân này đến tham dự buổi lễ tốt nghiệp đại học diễn ra vào tháng 12.2023 tại Thủ đô Newdelhi (Ấn Độ); dù có những người trong số họ còn chưa từng nghe qua tên, hay biết đến bất kỳ thông tin gì của trường đại học thuộc “top trường đại học tốt nhất trên thế giới” được nêu trong thư.
“Đại học Maryland State đã chọn thể hiện sự cam kết xuất sắc của quý vị bằng cách trao tặng Học vị Tiến sĩ danh dự. Chúng tôi rất vui mừng mời quí vị tham dự buổi lễ tốt nghiệp trọng đại, sẽ đánh dấu mốc quan trọng này trong hành trình của quí vị”, trích nội dung thư mời tham dự lễ sắc phong.
Kèm theo bức thư mời nói trên, là một phiếu đăng ký tham dự chương trình, với tổng kinh phí khách mời tham dự phải nộp là 6.800 USD (khoảng 170 triệu đồng); với 02 hình thức thanh toán là nộp tiền mặt hoặc chuyển khoản.
Nếu thanh toán tiền mặt thì nộp tiền mặt trực tiếp tại văn phòng của GTTCI tại Việt Nam; nếu chuyển khoản thì chuyển vào số tài khoản cá nhân mang tên bà Đặng Thị Thanh – Trưởng đại diện văn phòng GTCCI.