Bộ GTVT nói gì về trách nhiệm ở cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi?
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 18:49, 02/12/2019
Kiểm soát thịt lợn từ Thái Lan và Campuchia
Trả lời báo chí về cung – cầu thịt lợn trong thời gian tới tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 2.12, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết Bộ luôn coi thịt lợn là những mặt hàng thiết yếu cần phải đảm bảo thị trường, nhất là trong dịp cuối năm và dịp Tết cổ truyền. Vì vậy, Bộ luôn theo dõi sát thị trường, cung-cầu mặt hàng thịt lợn nói riêng và thực phẩm nói chung nhằm có những tham mưu ổn định thị trường.
Theo ông Hải, do dịch tả lợn châu Phi nên nguồn cung trong nước bị giảm, giá thịt lợn trong nước tăng cao. Đến giờ phút này nếu không cẩn trọng, tới dịp Tết và cả sau Tết thì vẫn là vấn đề rất lớn, không chỉ ảnh hưởng tới đời sống của người dân mà còn đến cả CPI, sự ổn định của nền kinh tế. Với Trung Quốc, giá thịt lợn tăng 100% vào tháng 9-10, ảnh hưởng đến 1% của GDP Trung Quốc.
Ông Hải cũng cho biết, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trong cuộc họp cũng đã có chỉ đạo đề nghị Bộ NN-PTNT tính toán cân đối cung cầu, bù đắp thiếu hụt, nhất là nhu cầu tăng cao trong những ngày lễ, tết để cùng với Bộ Công Thương có phương án nhập khẩu thịt lợn ở các nước có thương mại hai chiều với nước ta.
Trước hết, trong nhiệm vụ đảm bảo về cung cầu, Bộ đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, nhất là Bộ NN-PTNT, với các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM- những nơi chăn nuôi nguồn lợn lớn nhất của Việt Nam như Đồng Nai, Hà Nam và một số tỉnh, thành phố khác để nắm được tình hình.
Ông Hải cũng cho biết một trong những biện pháp nữa là đã chỉ đạo Chi cục Quản lý thị trường các địa phương, nhất là các địa phương biên giới ở phía bắc và cả phía tây nam để ngăn chặn việc đưa lợn sang nơi khác, ảnh hưởng đến giá cả và thịt lợn ngày càng thiếu hụt.
“Quan trọng hơn nữa là chúng ta cũng kiểm soát lợn từ Thái Lan và Campuchia vào Việt Nam, mặc dù chúng ta thiếu nhưng cần lưu ý là 24 quốc gia chúng ta cho phép nhập khẩu thịt lợn vào Việt Nam lại không có hai quốc gia này. Vì vậy dễ gây nguy cơ mất an toàn thực phẩm và lại có khả năng mang dịch bệnh vào trong nước”, ông Hải nói.
Thứ trưởng Hải cũng cho hay, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương, hiệp hội, kể cả các doanh nghiệp để nắm bắt được tình hình trong nước, cung-cầu, với các biện pháp phù hợp đảm bảo nguồn cung trong nước.
Trước khi có số liệu chính thức từ Bộ NN-PTNT thì chúng tôi cũng đã phối hợp với các doanh nghiệp để đảm bảo được lượng lợn nhập khẩu ở các nước và ưu tiên theo chỉ đạo của Chính phủ với các nước đã ký hiệp định thương mại với Việt Nam để đảm bảo nguồn cung về thịt lợn nói chung từ nay đến Tết và cả sau Tết.
Trách nhiệm Bộ GTVT thế nào ở cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi?
Báo chí cũng hỏi đại diện Bộ GTVT và Bộ Công an về cao tốc Đà Nẵng- Quảng Ngãi khi Bộ Công an có bắt giam các cá nhân có liên quan đến dự án này. Ngoài ra, dự án còn được đưa vào diện theo dõi của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng.
Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho hay, đối với dự án cao tốc Đà Nẵng-Quảng Ngãi , cơ quan của Bộ Công an cũng đã có ý kiến. “Chúng tôi sẽ phối hợp cùng cơ quan chức năng trong quá trình điều tra vụ án cũng như trong quá trình sửa chữa, khắc phục”.
Theo ông Đông, dự án này sử dụng vốn ODA và vốn vay của Ngân hàng Thế giới và theo quy định đầu tư, Bộ GTVT là cơ quan quyết định đầu tư và Tổng công ty Phát triển đường cao tốc là chủ đầu tư dự án. Trong dự án này có vay lại phần vốn ODA của Chính phủ vay và sẽ tổ chức thu phí để hoàn trả phần vốn vay này.
Theo quy định về trách nhiệm của các tổ chức cá nhân liên quan đến việc quản lý đầu tư, quản lý chất lượng xây dựng công trình tại Luật Xây dựng và các văn bản pháp luật hướng dẫn của Luật Xây dựng, Bộ GTVT có trách nhiệm quyết định đầu tư và kiểm tra tổ chức quản lý chất lượng công trình đầu tư của nhà thầu. Còn ở đây chủ đầu tư là Tổng công ty Phát triển đường cao tốc là cơ quan quyết định từ thiết kế kỹ thuật, dự toán, tổ chức chọn thầu, quản lý thực hiện.
Bộ GTVT chịu trách nhiệm gì thì đó là quyết định đầu tư, chủ quản đầu tư, tổ chức thực hiện quản lý đầu tư, tổ chức kiểm tra, đôn đốc chỉ đạo thực hiện. Liên quan đến những khiếm khuyết, hư hỏng thì Bộ đã đang và rất quyết liệt chỉ đạo chủ đầu tư, chỉ đạo nhà thầu tư vấn khắc phục những hư hỏng khiếm khuyết trên phạm vi của dự án này.
Ông Đông cũng chia sẻ, thực tế Bộ sẽ dùng cơ quan tham mưu để xác định rõ trách nhiệm. Giai đoạn này là giai đoạn đang được bảo hành công trình nên trách nhiệm thuộc về chủ đầu tư và trách nhiệm của các nhà thầu công trình.
“Quan điểm của chúng tôi là phải khắc phục triệt để và đảm bảo ổn định công trình đúng thiết kế và khai thác lâu dài. Chúng tôi sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chức năng chỉ đạo quyết liệt chủ đầu tư cũng như các nhà thầu khắc phục sớm nhất. Mặc dù Tổng Công ty Phát triển đường cao tốc từ tháng 9.2018 đã chuyển về Ủy ban Quản lý vốn nhà nước nhưng trách nhiệm là Bộ quản lý chuyên ngành và cơ quan quyết định đầu tư, chúng tôi sẽ thực hiện theo đúng pháp luật để chỉ đạo chủ đầu tư hoàn thành việc sửa chữa, khắc phục dự án này”, ông Đông nhấn mạnh.
Lam Thanh