NASA thiết lập thời gian chuẩn cho Mặt trăng
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 10:35, 03/04/2024
NASA thiết lập thời gian chuẩn cho Mặt trăng
Theo Reuters, Nhà Trắng vào ngày 2.4 đã chỉ đạo Cơ quan Hàng không - Vũ trụ Mỹ (NASA) thiết lập tiêu chuẩn thống nhất về thời gian (giờ) chuẩn cho Mặt trăng và thiên thể khác.
Người đứng đầu Văn phòng Chính sách khoa học - công nghệ Nhà Trắng (OSTP) Arati Prabhakar đề nghị NASA làm việc với các cơ quan chính phủ để đến cuối năm 2026 đưa ra kế hoạch thiết lập Thời gian phối hợp Mặt trăng (LTC).
Lực hấp dẫn cùng nhiều yếu tố trên Mặt trăng và thiên thể khác không giống với Trái đất, nên giờ cũng không tương đồng. LTC sẽ cung cấp tiêu chuẩn tính toán thời gian cho tàu vũ trụ lẫn vệ tinh vốn luôn đòi hỏi độ chính xác cực cao lúc thực hiện sứ mệnh ngoài không gian.
Theo Giám đốc liên lạc và định vị không gian NASA Kevin Coggins: “Đồng hồ chúng ta dùng trên Trái đất chuyển động với tốc độ khác khi ở trên Mặt trăng. Hãy nghĩ đến đồng hồ nguyên tử (tính thời gian theo trạng thái nguyên tử) tại Đài quan sát hải quân Mỹ. Chúng là “nhịp tim” của quốc gia giúp đồng bộ hóa mọi thứ. Bạn sẽ muốn có “nhịp tim” như vậy ở Mặt trăng”.
Bà Prabhakar viết trong bản ghi nhớ rằng với một người trên Mặt trăng, đồng hồ dùng trên Trái đất dường như mất trung bình 58,7 micro giây mỗi ngày. Vài biến đổi định kỳ khác càng khiến thời gian sai lệch hơn nữa.
NASA đang triển khai chương trình Artemis đưa phi hành gia trở lại Mặt trăng, đồng thời thiết lập căn cứ khoa học tại đây phục vụ sứ mệnh tiến lên sao Hỏa. Chương trình quy tụ hàng chục công ty tư nhân cùng tàu vũ trụ. Nếu không có tiêu chuẩn giờ thống nhất thì rất khó đảm bảo dữ liệu truyền giữa các tàu vũ trụ, giữa Trái đất với vệ tinh, căn cứ, phi hành gia được an toàn và đồng bộ. Sai lệch thời gian còn có thể gây nên sai sót trong lập bản đồ hoặc định vị.
Trên Trái đất, hầu hết đồng hồ cùng múi giờ đều dựa trên Giờ phối hợp quốc tế (UTC). OSTP nhấn mạnh Mặt trăng cũng cần tiêu chuẩn tương tự.
Cũng theo bản ghi nhớ, tiêu chuẩn thống nhất do Mỹ đặt ra có lợi cho tất cả quốc gia du hành vũ trụ. Tuy nhiên, để tiêu chuẩn này trở thành quy chuẩn quốc tế thì cần các nước ký thỏa thuận chấp nhận.