Sạt lở vào mùa khô ở ĐBSCL: Hệ lụy từ việc khai thác cát quá mức
Bảo vệ môi trường - Ngày đăng : 19:10, 03/04/2024
Sạt lở vào mùa khô ở ĐBSCL: Hệ lụy từ việc khai thác cát quá mức
“Hiện nay, tình trạng sạt lở diễn ra trong mùa khô khá phổ biến. Đây là hậu quả của việc tận thu cát ở đáy sông Tiền và sông Hậu trong thời gian dài”, thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện, chuyên gia độc lập về sinh thái ĐBSCL nhận định.
Cát sông được phân loại là vật liệu xây dựng thông thường theo Luật Khoáng sản năm 2010. Tuy nhiên, tình trạng khai thác cát trái phép ở Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) diễn ra thường xuyên do nhu cầu về cát xây dựng và cát san lấp của người dân, doanh nghiệp ngày càng lớn; trong khi đó, việc cấp phép khai thác cát bị hạn chế. Đây là nguyên nhân đáng báo động, góp phần gây ra tình trạng sạt lở nghiêm trọng đã và đang diễn ra khắp khu vực.
Việc khai thác, tận thu cát ở ĐBSCL khiến đáy sông Tiền và sông Hậu ngày càng sâu, trong khi lượng cát từ thượng nguồn sông Mê Kông đổ về ngày càng ít. Trong quá trình điều tiết tự nhiên, cát từ đáy những con sông nhỏ kết nối với sông Tiền, sông Hậu sẽ trôi ra sông lớn. Điều này làm xói mòn các nhánh sông nhỏ, xói lở bờ làm đồng bằng thay đổi hình dạng, hình thái. Khi ĐBSCL vào mùa khô, những bờ sông này sẽ sạt lở khi nước ở các con sông nhỏ rút xuống.
Trong 3 ngày đầu tháng 4 tại Cần Thơ và Hậu Giang đã có 4 điểm sạt lở. Sáng 3.4, tại khu vực 2 (phường Trà An, quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ), một vụ sạt lở đã xảy ra với chiều dài 54m, ăn sâu vào bên trong 14m. Sự việc gây ảnh hưởng đến 7 căn nhà liền kề trên đường Lê Thị Hồng Gấm.
Hai ngày trước, khu vực này đã xuất hiện các vết nứt và đến sáng 3.4 thì xảy ra sạt lở. Theo cơ quan chức năng, bờ sông Trà An là nơi thường xuyên bị sạt lở trong nhiều năm qua do nhiều hộ dân cất nhà ven sông, trong khi bờ sông có độ dốc khá cao và không có bờ kè bảo vệ.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, UBND phường Trà An đã vận động người dân trong khu vực có nguy cơ sạt lở di dời đến nơi an toàn, đồng thời huy động lực lượng chức năng hỗ trợ bà con vận chuyển tài sản, đồ đạc.
Cùng ngày, UBND phường Thuận Hưng (quận Thốt Nốt, TP.Cần Thơ) đã báo cáo nhanh về vụ sạt lở xảy ra tại kênh Cần Thơ Bé khiến 3 căn nhà rơi xuống kênh và ảnh hưởng đến 1 căn nhà khác. Rất may vụ việc không gây thương vong về người.
Trước đó vào ngày 2.4, trên tuyến Rạch Chanh thuộc khu vực Long Thành (phường Long Hưng, quận Ô Môn, TP.Cần Thơ) cũng xảy ra vụ sạt lở có chiều dài khoảng 25m, uy hiếp tuyến đường giao thông nông thôn.
Cũng trong ngày 2.4, trên địa bàn huyện Châu Thành (Hậu Giang) đã xảy ra sụp đất, sạt lở bờ kênh tại hộ bà Bạch Thị Mót ở kênh Mái Dầm thuộc ấp Phú Lợi A, xã Phú Hữu. Chiều dài sạt lở 35m, sâu vào bờ nơi rộng nhất khoảng 2m; diện tích mất đất khoảng 70m2. Vụ sạt lở làm mất ta luy lộ giao thông nông thôn, ước tính thiệt hại 100 triệu đồng.
Nhận được tin báo, Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn huyện Châu Thành đã xuống hiện trường phối hợp UBND địa phương điều động dân quân tự vệ, công an và các đoàn thể cùng người dân tham gia khắc phục, dọn dẹp điểm sạt lở.
Tính từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Hậu Giang đã xảy ra 10 điểm sụp đất, sạt lở bờ kênh với tổng chiều dài hơn 270m, diện tích đất hàng ngàn m2; ước tính thiệt hại hơn 1,9 tỉ đồng.
Thạc sĩ Nguyễn Hữu Thiện cho rằng trong thời gian tới ĐBSCL sẽ sạt lở nhiều hơn, ngay cả vào mùa khô. Nguyên nhân là do hiện nay cát từ thượng nguồn sông Mê Kông trôi về hạ nguồn càng ít, trong khi độ sâu của sông Tiền và sông Hậu ngày càng tăng nhiều hơn.
Ngoài ra, với đặc điểm địa chất non trẻ như ở ĐBSCL, việc khai thác cát sẽ tạo ra các hố sâu khổng lồ, làm đổi hướng dòng chảy dưới đáy sông và tạo ra những va chạm đủ lớn, các xoáy nước và sinh ra năng lượng tác động lên 2 bên thành bờ gấp nhiều lần so với mức bình thường.