Sản xuất xe năng lượng mới của Trung Quốc tại Việt Nam
Khoa học - công nghệ - Ngày đăng : 17:58, 04/04/2024
Sản xuất xe năng lượng mới của Trung Quốc tại Việt Nam
Liên doanh Geleximco và Omoda&Jaecoo sẽ đầu tư xây dựng nhà máy sản xuất ô tô tại tỉnh Thái Bình trị giá hơn 800 triệu USD, công suất 200.000 chiếc/năm.
Ngày 4.4, thương hiệu xe năng lượng mới thời thượng quốc tế Omoda&Jaecoo (Trung Quốc) và Tập đoàn Geleximco đã chính thức ký kết hợp đồng liên doanh.
Sự kiện này không chỉ đánh dấu bước tiến quan trọng của Omoda&Jaecoo tại Đông Nam Á, mà còn là lần đầu tiên hãng xe năng lượng mới của Trung Quốc tới Việt Nam xây dựng nhà máy.
Hai bên đã lập kế hoạch xây dựng nhà máy tại tỉnh Thái Bình. Việc xây dựng sẽ được thực hiện theo 3 giai đoạn, tổng vốn đầu tư ước tính hơn 800 triệu USD.
Giai đoạn đầu dự kiến sẽ hoàn thành vào quý 1/2026. Trong quá trình xây dựng nhà máy, Omoda&Jaecoo sẽ tiếp cận thị trường Việt Nam bằng hình thức nhập khẩu xe nguyên chiếc, ra mắt thị trường vào cuối năm 2024; mẫu xe thuần điện thông minh crossover SUV OMODA E5 và mẫu xe việt dã công nghệ JAECOO 7 PHEV sẽ là những sản phẩm đầu tiên.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh: "Sản xuất và lắp ráp xe ô tô chạy bằng động cơ điện, và động cơ sử dụng nhiên liệu đốt kèm có nguồn gốc tự nhiên đang là xu thế tất yếu của thế giới, trong đó có Việt Nam, nhằm đạt mục tiêu trung hòa carbon vào năm 2050. Sau Hội nghị COP26, Chính phủ Việt Nam đã chỉ đạo, xây dựng hàng loạt những đề án, cơ chế chính sách nhằm khuyến khích phát triển các loại hình xe chạy bằng động cơ điện, động cơ đốt kèm nhiên liệu có nguồn gốc tự nhiên, trong đó có cơ chế chính sách khuyến khích những dòng xe như liên danh này phát triển".
"Vì vậy, việc thành lập liên doanh sản xuất lắp ráp dòng xe hơi động cơ điện và động cơ sử dụng nhiên liệu đốt kèm có nguồn gốc tự nhiên là xu hướng rất đúng, phù hợp với chủ trương và cơ chế chính sách của nước ta", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đánh giá và cho rằng đầu tư tại Việt Nam, liên doanh không chỉ khai thác thị trường 100 triệu dân trong nước, mà còn có cơ hội khai thác thị trường 5 tỉ người tiêu dùng thuộc các quốc gia trong các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới mà Việt Nam là thành viên.
"Ngay từ đầu, liên doanh cần có chiến lược, kế hoạch, lộ trình rõ ràng để khai thác, chế biến và sử dụng các nguyên vật liệu tại chỗ; có quy trình, lộ trình để nội địa hóa các linh kiện, thành phần và công đoạn sản xuất nhằm từng bước giảm chi phí sản xuất, giảm giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh. Đồng thời, cần minh bạch hóa về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm để được hưởng các cơ chế, biểu thuế ưu đãi. Đây cũng là cơ sở để chúng ta chống lại những vụ kiện về phòng vệ thương mại trong tương lai", Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên đề nghị.
Ông Ô Quốc Quyền - Tham tán công sứ (Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam) nhận định ô tô là ngành công nghiệp trụ cột quan trọng của công nghiệp hai nước. Việc mở rộng hợp tác giữa hai bên trong ngành công nghiệp ô tô chắc chắn sẽ tạo động lực mới cho hợp tác kinh tế và thương mại giữa hai nước và tạo ra những điểm tăng trưởng mới.
Trong những năm gần đây, công nghệ về xe năng lượng mới của Trung Quốc đã đạt đến đỉnh cao trên toàn cầu, thương hiệu Omoda&Jaecoo cũng đã có những bước đột phá trong lĩnh vực xe năng lượng mới của thế giới, không ngừng ra mắt các sản phẩm và công nghệ mới.
Tính đến năm 2024, khối lượng bán hàng tích lũy toàn cầu của thương hiệu Omoda&Jaecoo đã vượt quá 160.000 chiếc, thu hút sự đón nhận và ưa chuộng của giới trẻ ở gần 20 quốc gia và khu vực. Xe năng lượng mới của mẫu xe thuần điện đầu tiên, OMODA E5 đã được lãnh đạo cấp cao của chính phủ Indonesia, Malaysia, Thái Lan, Thổ Nhĩ Kỳ, Tây Ban Nha công nhận, trở thành "thế lực mới" trên thị trường ô tô toàn cầu.