Google kiện 2 nhà phát triển ở Trung Quốc lừa đảo tiền điện tử bằng 87 ứng dụng trên Play Store
Thế giới số - Ngày đăng : 19:15, 04/04/2024
Google kiện 2 nhà phát triển ở Trung Quốc lừa đảo tiền điện tử bằng 87 ứng dụng trên Play Store
Google cáo buộc hai nhà phát triển ứng dụng ở Trung Quốc tải 87 ứng dụng lên Play Store để lừa đảo tiền điện tử của nhiều người.
Google cáo buộc họ sử dụng Play Store (cửa hàng ứng dụng của hãng) để cung cấp các ứng dụng giao dịch tiền điện tử gian lận và nền tảng đầu tư mà thực chất chỉ lấy tiền của người dùng. Những ứng dụng này được sử dụng trong một loại lừa đảo thường được gọi là pig butchering (mổ lợn) theo cách nói về việc vỗ béo lợn trước khi giết thịt.
Thuật ngữ pig butchering được sử dụng để mô tả một loại lừa đảo trong ngành công nghiệp tiền điện tử. Trong trường hợp này, pig butchering ám chỉ việc lừa dối và lôi kéo nạn nhân vào đầu tư tiền điện tử thông qua các kỹ thuật lừa đảo trực tuyến, thường là qua các tin nhắn lừa tình hoặc thông qua các kênh truyền thông xã hội.
Thuật ngữ này có nguồn gốc từ hình ảnh về việc làm béo con lợn trước khi giết mổ. Nạn nhân thường bị dụ dỗ làm cho họ tin rằng đang làm giàu hoặc kiếm được lợi nhuận nhanh chóng thông qua việc đầu tư vào tiền điện tử. Tuy nhiên, cuối cùng họ sẽ mất tiền khi nhận ra rằng đã rơi vào một chiêu trò lừa đảo.
Theo Google, hai nhà phát triển ứng dụng ở Trung Quốc và Hồng Kông (đặc khu hành chính thuộc Trung Quốc) đã tải lên Play Store 87 ứng dụng lừa đảo khác nhau để thực hiện âm mưu của chúng, thu hút hơn 100.000 người tải chúng xuống.
Dựa trên khiếu nại của nhiều người dùng, Google cáo buộc rằng mỗi người bị mất từ 100 USD đến hàng chục ngàn USD. Theo Google, các ứng dụng do hai nhà phát triển này và các đồng phạm của chúng tải lên Play Store đã được sử dụng trong các phiên lừa đảo ít nhất kể từ năm 2019.
Google cho biết đây là hai nhà phát triển đầu tiên trong số các công ty ngang hàng thực hiện hành vi này. Gã khổng lồ công nghệ Mỹ đã đóng 87 ứng dụng trên Play Store sau khi xác định chúng là lừa đảo.
Halimah DeLaine Prado, Tổng cố vấn của Google, cho biết trong một tuyên bố: “Vụ kiện là một bước quan trọng trong việc buộc những kẻ xấu này phải chịu trách nhiệm và gửi thông điệp rõ ràng rằng chúng tôi sẽ tích cực truy đuổi những kẻ tìm cách lợi dụng người dùng của mình”.
Google cho biết cũng bị thiệt hại bởi trò lừa đảo này vì nó đe dọa “tính toàn vẹn” của cửa hàng ứng dụng, phải chuyển hướng các nguồn lực để phát hiện và gây gián đoạn hoạt động. Công ty Mỹ thông báo phải chịu thiệt hại kinh tế hơn 75.000 USD để điều tra vụ lừa đảo đó.
Theo đơn kiện của Google, cách thức hoạt động của trò lừa đảo như sau: Hai nhà phát triển sẽ tạo các ứng dụng đầu tư và trao đổi tiền điện tử giả mạo, trình bày sai sự thật với Play Store rằng chúng là các ứng dụng đầu tư hợp pháp và nêu sai các chi tiết như vị trí để chúng có thể được tải lên. Sau đó, hai nhà phát triển hoặc đồng phạm của chúng sẽ dụ người dùng đến các nền tảng này thông qua sự kết hợp các tin nhắn lừa đảo lãng mạn và video trên YouTube. Dù loại lừa đảo này thường được gọi là pig butchering, Google cho biết trong một phần chú thích cuối đơn kiện của mình rằng họ không áp dụng hoặc tán thành thuật ngữ này.
Theo đơn kiện của Google, các tin nhắn ban đầu mà chúng gửi có vẻ quen thuộc với bất kỳ ai nhận được tin nhắn rác, chẳng hạn "Tôi là Sophia, bạn có nhớ tôi không?" hoặc "Lúc nào tôi cũng nhớ bạn, bố mẹ bạn thế nào Mike?". Nếu nhận được phản hồi, kẻ lừa đảo buộc sẽ cố gắng bắt đầu cuộc trò chuyện và cuối cùng chuyển nó sang một nền tảng như WhatsApp, trước khi thuyết phục “con mồi” tải xuống một trong những ứng dụng lừa đảo trên Play Store và đầu tư tiền vào đó.
Hai nhà phát triển hoặc đồng phạm của họ đôi khi cũng thuyết phục nạn nhân rằng có thể kiếm tiền hoa hồng bằng cách tự rao bán các ứng dụng với tư cách là đối tác của nền tảng.
Theo Google, khi “con mồi” sử dụng các ứng dụng này, hai nhà phát triển đã khiến nền tảng trông có vẻ thuyết phục bằng cách hiển thị số dư và lợi nhuận từ các khoản đầu tư. Vấn đề duy nhất là người dùng hầu như không thể rút tiền. Google cho biết đôi khi các ứng dụng sẽ cho phép họ rút một số tiền nhỏ hoặc sẽ yêu cầu khoản phí hoặc số dư tối thiểu để rút tiền, cuối cùng lừa đảo một số tiền lớn hơn nhiều.
Google cáo buộc hai nhà phát triển ở Trung Quốc vi phạm điều khoản dịch vụ của mình và vi phạm đạo luật Racketeer Influenced and Corrupt Organizations (RICO).
Google đang yêu cầu tòa án ngăn chặn hai nhà phát triển tiếp tục phạm tội gian lận và trao cho hãng một số tiền bồi thường thiệt hại chưa được tiết lộ.
RICO là đạo luật liên bang của Mỹ được ban hành vào năm 1970. Nó được thiết kế để chiến đấu chống lại hoạt động tội phạm có tổ chức và tham nhũng. RICO cung cấp các công cụ pháp lý mạnh mẽ để truy cứu trách nhiệm pháp lý với các tổ chức tội phạm tổ chức và các cá nhân tham gia vào các hoạt động bất hợp pháp như rửa tiền, gian lận, buôn bán ma túy cùng các hoạt động khác có tổ chức và phức tạp.
Theo RICO, các cá nhân và tổ chức có thể bị truy tố và bị truy cứu trách nhiệm pháp lý nếu tham gia vào một mô hình liên tục hoặc thường xuyên của hoạt động tội phạm, gọi là "mô hình tội phạm RICO". RICO cũng cung cấp cho các cơ quan thụ lý công cụ để thu hồi các tài sản mà có thể đã được sử dụng hoặc là kết quả của hoạt động tội phạm.
Ngoài việc áp dụng trong các vụ án hình sự, RICO cũng có thể được sử dụng trong các vụ án dân sự, cho phép các cá nhân và tổ chức bị tổn thất do hoạt động tội phạm RICO để đệ đơn kiện.