Từ bỏ - Sao cứ mải miết hướng về vạch đích, mặc kệ chiếc chân gãy?
Văn hóa - Ngày đăng : 10:27, 05/04/2024
Từ bỏ - Sao cứ mải miết hướng về vạch đích, mặc kệ chiếc chân gãy?
Vì sao những vận động viên chạy marathon, sau khi biết mình bị chấn thương, vẫn tiếp tục chạy bất chấp cơn đau cho đến khi họ về đích với chiếc chân gãy?
Những câu chuyện kỳ quái
Siobhan O’Keeffe đã tập luyện suốt 4 tháng để chuẩn bị cho giải London Marathon năm 2019 và hy vọng sẽ về đích trong khoảng 5 tiếng đồng hồ. Chạy được khoảng 6km trên đường đua, cô bắt đầu thấy đau cổ chân, và cơn đau ngày càng tồi tệ. Dù thế, cô vẫn tiếp tục chạy, ngó lơ những dấu hiệu mà cơ thể đang cố gửi đến cho cô. Sau khi chạy được thêm 6km nữa, xương mác ở cẳng chân cô gãy đôi.
Vì sao lại có kiểu người hứng chịu cơn đau ngày càng tăng mà vẫn tiếp tục chạy cho đến khi gãy chân như O’Keeffe? Nhưng câu chuyện như vậy thậm chí còn lạ lùng hơn nữa. Đội cứu thương khuyên cô ngừng chạy nhưng cô lại chối từ. Cô chạy nốt quãng đường 30km còn lại trong cơn đau thấu trời xanh và hoàn thành chặng đua trong 6 giờ 14 phút 20 giây.
Có thể bạn cho rằng đây là một câu chuyện kỳ quái, lạ lùng và có một không hai, nhưng thực sự nó không hiếm thấy như bạn nghĩ. Cũng trong ngày hôm đó, trong chính giải chạy marathon, cũng ở mốc 12km, một người chạy khác, Steven Quayle giẫm phải một chai nước bị vứt bừa trên đường và té ngã, khiến bàn chân phải, bắp vế và hông anh bị thương. Cơn đau ngày càng khủng khiếp. Đến mốc 26km, anh phải nhờ sự trợ giúp y tế ở lều chăm sóc vật lý trị liệu, và đã dừng đến 4 hoặc 5 lần như thế nữa trước khi hoàn thành chặng đua trong 3 giờ 57 phút 33 giây.
Bốn tuần sau đó, tại giải Edinburgh Marathon, Mike Lewis-Copeland bị nứt xương mác khi chạy được 26km. Cơn đau ấy không giống bất cứ điều gì anh từng trải qua, nhưng anh vẫn cố tập tễnh kéo lê chiếc chân ấy chạy nốt 16km cuối cùng và hoàn thành chặng đua trong 4 giờ 30 phút.
Trước đó 5 năm, tại giải London Marathon năm 2014, Graham Colborne cũng có trải nghiệm tương tự như Steven Quayle: Mới chạy được 12km thì bị vấp một chai nước, gãy xương bàn chân, rồi chạy nốt quãng đường còn lại trong cơn đau không tả xiết.
Chỉ cần tra cứu chút ít trên Google, bạn sẽ tìm thấy những câu chuyện khác, cũng diễn ra tại giải London Marathon. Vào năm 2012, Darren Oliver bị gãy chân khi mới chạy được hơn 1km và đã cắn răng chịu cơn đau dữ dội để chạy nốt hơn 40km còn lại. Trong giải marathon năm 2021, Angie Hopson đã thấy đau ngay lúc bắt đầu. Được khoảng 10km, chịu không nổi nữa, cô phải dừng lại, nhưng cô chỉ ngừng trong chốc lát. Cô đã chạy hết 32km còn lại, và mãi hôm sau mới phát hiện mình đã hoàn thành chặng đua với một cái chân bị gãy.
Nhiều chấn thương kiểu này đã xảy ra cho những vận động viên chạy bộ đường dài đầy tâm huyết. Khi tiếp tục chạy trong đau đớn như thế, họ không những đang gây nguy hiểm cho sức khỏe của mình hoặc khiến chấn thương trở nên nghiêm trọng hơn, mà còn đang liều lĩnh với khả năng tập luyện và tham gia các giải chạy trong tương lai.
Vì sao những vận động viên này lại bất chấp cơn đau cho đến khi việc tiếp tục chạy đồng nghĩa với một bộ phận cơ thể nào đó bị gãy? Và hơn nữa, sau khi biết mình bị chấn thương, vì sao họ vẫn tiếp tục chạy, làm tăng thêm nguy cơ không thể tham gia vào giải chạy khác sau đó?
Dễ cắt nghĩa, bởi vì phía trước họ có một vạch đích. Xét tới việc trực giác của chúng ta có thể sai lầm thế nào trong một tình huống mà lẽ ra ta sẽ từ bỏ nếu hoàn cảnh đã cho thấy rõ ràng là ta nên làm vậy, thì những vận động viên trên có thể giúp ta hiểu được tại sao trực giác lại sai. Một khi bạn đã xuất phát, bạn chỉ được tính là thành công nếu băng qua vạch đích. Khi phải đối diện với lựa chọn cắn răng chịu đau để chạy tiếp hay bỏ cuộc giữa chừng, thì ngay cả một chiếc chân gãy cũng không thể khiến ta từ bỏ.
Được ăn cả, ngã về không
Lợi ích của việc đặt ra mục tiêu cho bạn động lực để bền bỉ khi gặp trắc trở. Tuy nhiên, không có nghĩa là nó không có những mặt trái. Hẳn bạn cũng đã đoán được, những vạch đích xác định rõ ràng sẽ đi kèm với lời cảnh báo: Coi chừng, bạn có thể leo thang cam kết.
Maurice Schweitzer từ trường Wharton, và Lisa Ordonez, khi đó đang làm việc ở Đại học Arizona, cùng một số học giả khác, đã chỉ ra hàng loạt hệ quả tiêu cực của việc đặt ra mục tiêu, một vài hệ quả trong số đó ngăn cản hành vi từ bỏ một cách sáng suốt. Cụ thể, họ lưu ý đến bản chất “được ăn cả, ngã về không” của các mục tiêu, sự cứng nhắc của chúng và việc theo đuổi chúng sẽ khiến ta phớt lờ các cơ hội khả dĩ khác như thế nào.
Thứ khiến cho mục tiêu trở nên hiệu quả là chúng giúp bạn tập trung vào vạch đích và thúc đẩy bạn tiếp tục. Nhưng mặt khác, chính mục tiêu cũng khiến bạn cương quyết không từ bỏ khi tình huống trở nên xấu cũng bởi vì chúng làm cho bạn tập trung vào vạch đích và thúc đẩy bạn tiếp tục. Vì sao? Một phần vì chúng được xếp vào loại “được ăn cả, ngã về không”. Để hiểu được vì sao bản chất “được ăn cả, ngã về không” của các mục tiêu có thể ngăn cản sự tiến bộ và thúc đẩy leo thang cam kết, hãy xem xét thí nghiệm tư duy sau đây.
Bạn thấy tình huống nào tồi tệ hơn? Khi bạn chưa bao giờ tập chạy marathon, chưa bao giờ xuất phát, chưa bao giờ về đích. Trường hợp thứ hai, bạn quyết định sẽ thử sức với nó, bạn rèn luyện, bạn xuất phát và phải từ bỏ khi mới chạy được có 25km. Trực giác của tất cả chúng ta đều mách bảo rằng trường hợp thứ hai khiến ta cảm thấy tệ hơn. Lý do là vì nếu không thử sức, không xuất phát, thì việc không chạm được vạch đích không phải là thất bại, vì vốn dĩ bạn chưa bao giờ xem nó là một mục tiêu.
Một khi đã đặt ra mục tiêu, chúng ta luôn lấy nó làm điểm chuẩn để đo lường bản thân. Khi tham gia giải chạy marathon, nếu không chạy được 42km thì bạn sẽ thất bại. Đây là cách mà mục tiêu làm trầm trọng thêm hiện tượng leo thang cam kết, vì mọi điểm dừng khi chưa đến vạch đích đều là kết quả không thể chấp nhận đối với chúng ta. Những gì đang diễn ra xung quanh hay với cơ thể chúng ta đều không quan trọng. Chúng ta không muốn cảm thấy mình là kẻ thua cuộc. Chúng ta sẽ tiếp tục tiến về vạch đích cho đến khi gãy chân.
Sự tiến bộ trên đường cũng đáng được công nhận, nhưng chúng ta lại xem nhẹ nó, bởi lẽ mục tiêu là thứ có bản chất “được ăn cả, ngã về không”, là có tất cả hay không có gì, là có hoặc không. Mọi thành tích cục bộ đều không được ghi nhận. Tóm lại, bản chất “được ăn cả, ngã về không” của các mục tiêu có thể cản trở sự tiến bộ, gây ra leo thang cam kết và ngăn chúng ta xem sự tiến bộ trên đường là một thành công. Khi có một mục tiêu “có tất cả hoặc không có gì” như thế, bạn gần như chỉ có hai lựa chọn: đừng bao giờ bắt đầu, hoặc theo đuổi nó bằng mọi giá.
Mỗi khi cần phải quyết định, dù là bắt đầu một cuộc đua, leo lên một đỉnh núi, hay bắt đầu một công việc kinh doanh, một mối quan hệ tình cảm, chúng ta đều phải đưa ra quyết định dù không thể nắm hết thông tin trong một thế giới có quá nhiều sự ngẫu nhiên. Đối với hầu như mọi điều mà ta chọn thực hiện hoặc tin tưởng, ta đều có thể chọn đổi ý hoặc ra đi ở một thời điểm nào đó trong tương lai. Thời điểm ấy, thường thì chúng ta đã nắm bắt được nhiều thông tin hơn so với lúc lựa chọn ban đầu.
Nhưng phương án từ bỏ chỉ hữu dụng nếu bạn thực sự sử dụng nó. Vấn đề là chúng ta lại không dùng đến nó. Một khi đã bắt đầu, chúng ta luôn tự đặt mình vào tâm thế đang chịu tổn thất. Nếu chưa đạt được mục tiêu, thì mọi tiến bộ trên đường đi đều gần như không có ý nghĩa gì.
Tâm lý này khiến ta cứ mải miết hướng về vạch đích, mặc kệ cái chân gãy.