3 hãng hàng không lớn Trung Quốc kéo dài chuỗi thua lỗ khi các đối thủ trỗi dậy sau dịch COVID-19

Kinh tế - đầu tư - dự án - Ngày đăng : 18:17, 07/04/2024

China Southern, Air China, China Eastern nhắm đến việc thoát khỏi tình trạng lỗ bằng việc mở rộng hoạt động quốc tế.
Kinh tế - đầu tư - dự án

3 hãng hàng không lớn Trung Quốc kéo dài chuỗi thua lỗ khi các đối thủ trỗi dậy sau dịch COVID-19

Sơn Vân {Ngày xuất bản}

China Southern, Air China, China Eastern nhắm đến việc thoát khỏi tình trạng lỗ bằng việc mở rộng hoạt động quốc tế.

Theo trang Nikkei, ba hãng hàng không quốc doanh lớn của Trung Quốc đang tụt lại phía sau vào thời điểm các đối thủ cạnh tranh trong nước và châu Á cải thiện đáng kể lợi nhuận sau khi dỡ bỏ các hạn chế đi lại vì đại dịch COVID-19.

China Southern Airlines, Air China và China Eastern Airlines gần đây đã ghi nhận tổng khoản lỗ ròng là 13,3 tỉ nhân dân tệ (1,87 tỉ USD) trong năm 2023, dù tổng doanh thu tăng hơn gấp đôi lên 427,6 tỉ nhân dân tệ khi mỗi hãng đều vượt qua con số trước đại dịch COVID-19. Cả ba công ty quốc doanh Trung Quốc này hiện đều lỗ ròng trong 4 năm liên tiếp.

Những khó khăn trong việc quay trở lại có lợi nhuận của China Southern Airlines, Air China, China Eastern Airlines trái ngược hoàn toàn với các đối thủ nội địa nhỏ hơn cũng như các hãng hàng không khác ở châu Á.

Hainan Airlines, Spring Airlines và Juneyao Airlines, ba hãng hàng không hạng hai niêm yết ở thành phố Thượng Hải (Trung Quốc), vẫn chưa báo cáo kết quả kinh doanh cả năm 2023 nhưng phát đi thông báo dự báo lợi nhuận nằm trong khoảng từ 300 triệu nhân dân tệ đến 2,4 tỉ nhân dân tệ. Điều đó sẽ cải thiện đáng kể so với khoản lỗ ròng tổng cộng 27,4 tỉ nhân dân tệ của Hainan Airlines, Spring Airlines và Juneyao Airlines trong năm 2022. Ngoài ra, con số này giúp họ vượt xa khoản lỗ của China Southern Airlines, Air China và China Eastern Airlines trong năm 2023, dao động từ 1 tỉ nhân dân tệ đến hơn 8 tỉ nhân dân tệ.

3-hang-hang-khong-lon-cua-trung-quoc-keo-dai-chuoi-thua-lo-khi-cac-doi-thu-troi-day-sau-dich-covid-19-2-.jpg
Máy bay của China Southern Airlines và China Eastern Airlines đang đỗ tại Sân bay Quốc tế Thủ đô Bắc Kinh - Ảnh: Takaki Kashiwabara

Kết quả kinh doanh trái ngược của các hãng hàng không có thể phản ánh bản chất của thị trường du lịch hậu COVID-19 ở Trung Quốc, vốn tập trung chủ yếu vào các chuyến bay nội địa hơn là chuyến quốc tế mà những công ty lớn thường trông cậy nhiều hơn để kiếm lợi nhuận.

Khi người tiêu dùng Trung Quốc có xu hướng ở gần nhà hơn trong bối cảnh nền kinh tế trì trệ, tổng số người nước ngoài nhập cảnh vào Trung Quốc năm 2023 chỉ bằng khoảng 1/3 so với mức trước đại dịch COVID-19 hồi năm 2019.

Chuyên gia Karen Li tại hãng dịch vụ tài chính J.P. Morgan phân tích trong một báo cáo gần đây: “Những điều chỉnh phức tạp đang diễn ra với nguồn lực chuyến bay của Trung Quốc, có sự thay đổi giữa các chuyến bay quốc tế và nội địa cũng như giữa các chuyến bay chở khách và hàng hóa hàng không, trong và sau đại dịch đã đặt ra những thách thức với thu nhập”. Do nhu cầu với các chuyến bay chở khách nội địa phục hồi nhanh hơn, Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc (CAAC) đã ưu tiên phân khúc dịch vụ đó.

Ở những nơi khác, các hãng hàng không lớn châu Á cạnh tranh với China Southern Airlines, Air China và China Eastern Airlines trên các tuyến quốc tế đang có những bước chuyển mình hoặc nhảy vọt lớn.

Japan Airlines dự kiến lợi nhuận ròng năm 2023 sẽ đạt 80 tỉ yên (530 triệu USD), cao hơn gấp đôi so với 2022. All Nippon Airways dự kiến lợi nhuận ròng năm 2023 đạt 130 tỉ yên, tăng 45%. Cả hai hãng hàng không lớn của Nhật Bản này đều có thể so sánh với China Southern Airlines, Air China và China Eastern Airlines ở chỗ họ khai thác các chuyến bay nội địa, một số trong đó mang lại ít lợi nhuận hơn so với tuyến quốc tế.

Cathay Pacific Airways ghi nhận lợi nhuận ròng đầu tiên kể từ năm 2019. Hãng hàng không hàng đầu Hồng Kông đã ghi nhận lợi nhuận ròng 9,06 tỉ đô la Hồng Kông (1,16 tỉ USD) trong năm 2023, sau khi lỗ 7,23 tỉ đô la Hồng Kông vào 2022. Đến cuối tháng 7, Cathay Pacific Airways dự kiến mua lại toàn bộ cổ phiếu ưu đãi đã phát hành những ngày đầu của cuộc khủng hoảng COVID-19 vào năm 2020 và do chính quyền Hồng Kông nắm giữ, tượng trưng cho sự đi lên của thành phố sau tình trạng khẩn cấp về đại dịch. Cần lưu ý Air China là cổ đông lớn của Cathay Pacific khi sở hữu 29,9% cổ phần.

Tại Đài Loan, China Airlines chứng kiến lợi nhuận ròng năm 2023 tăng 2,4 lần lên 6,81 tỉ Tân Đài tệ (212 triệu USD), còn Eva Airways đạt mức tăng gấp ba lần lên 21,59 tỉ Tân Đài tệ.

Trong khi nhiều yếu tố dường như đang kìm hãm China Southern Airlines, Air China và China Eastern Airlines, sự phục hồi chậm chạp của họ trên tuyến quốc tế được coi là trở ngại lớn. Dù tổng doanh thu tăng lên, tỷ trọng doanh thu từ hành khách quốc tế của ba hãng hàng không quốc doanh lớn Trung Quốc chỉ mới quay trở lại mức hơn 1/2 hoặc khoảng 2/3 so với năm 2019.

Mao Juan, người đứng đầu bộ phận tài chính của China Southern - có doanh thu lớn nhất trong ba công ty, chỉ ra rằng “việc nối lại các chuyến bay chở khách quốc tế tương đối chậm” là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng thua lỗ liên tục. Bà nói thêm rằng còn có một vấn đề cụ thể của China Southern là công ty ghi nhận khoản lỗ 2,3 tỉ nhân dân tệ khi đầu tư vào Sichuan Airlines.

Tuy nhiên, tình hình có thể đang được cải thiện cho ba hãng hàng không lớn của Trung Quốc.

Theo chỉ thị mới nhất về lịch trình chuyến bay mùa hè và mùa thu (có hiệu lực từ ngày 31.3), Cục Hàng không Dân dụng Trung Quốc sẽ phân bổ nhiều nguồn lực hơn cho các đường bay quốc tế.

Wang Zhen, người đứng đầu ủy ban quản lý tiếp thị tại China Southern, nói với các nhà đầu tư trong cùng phiên họp có sự tham dự của Mao Juan rằng hãng hàng không có trụ sở tại thành phố Quảng Châu đang “chủ động nắm bắt cơ hội phục hồi trên thị trường quốc tế và sẽ dần dần mở hoặc mở lại các đường bay quốc tế”.

Ông nói thêm rằng hơn 80% chuyến bay quốc tế của China Southern sẽ hoạt động trở lại trong giai đoạn hè thu này, kéo dài đến cuối tháng 10.

Tương tự, Wang Jian (Thư ký hội đồng quản trị của China Eastern) nói với các nhà đầu tư rằng hãng hàng không có trụ sở tại Thượng Hải đang tìm cách khôi phục các tuyến bay nước ngoài lên 90% mức năm 2019 trong mùa này.

Zhou Qimin, Phó chủ tịch kiêm Giám đốc tài chính của China Eastern, đang đặt hy vọng vào các chuyến bay quốc tế, kỳ vọng nhu cầu du lịch đến Bắc Mỹ và châu Âu sẽ tăng tốc trong năm nay, cùng với thị trường quê nhà.

Ông nói: “Chúng tôi sẽ điều chỉnh chiến thuật quản lý và năng lực vận hành kịp thời của mình một cách kịp thời để bắt kịp nhịp độ phục hồi nhanh chóng trên thị trường quốc tế”.

Lợi nhuận của China Southern Airlines, Air China và China Eastern Airlines dự kiến ​​sẽ có lãi trở lại vào năm 2024, dao động từ 6,1 tỉ nhân dân tệ đến 9 tỉ nhân dân tệ, theo dự báo đồng thuận thị trường do hãng QUICK-FactSet tổng hợp.

Về vấn đề mua sắm máy bay, China Eastern tiếp tục là hãng tích cực nhất trong ba công ty lớn nêu trên trong việc chuyển hướng sang máy bay nội địa từ Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc (COMAC).

Kế hoạch ba năm mới nhất của China Eastern đề ra việc bổ sung 26 chiếc máy bay phản lực C919 cho đến năm 2026. Điều đó sẽ nâng tổng số lên 30 chiếc C919 cho China Eastern, hãng hàng không duy nhất đến nay bắt đầu cung cấp dịch vụ thương mại bằng loại máy bay phản lực này. C919 là sản phẩm của COMAC để cạnh tranh với các dòng máy bay thân hẹp phổ biến Boeing 737 và Airbus A32.

Cả China Southern Airlines, Air China và China Eastern Airlines đều có ý định xây dựng đội máy bay phản lực dân dụng ARJ21 nhỏ hơn của COMAC. China Eastern và Air China mỗi hãng đã đặt mua 35 chiếc ARJ21. Trong khi China Southern đặt mua 40 chiếc ARJ21, dù kế hoạch bị trì hoãn một năm đến 2025.

Theo Zhou Qimin, dù các máy bay Boeing và Airbus tiếp tục là trụ cột trong tổng thể đội bay của China Eastern, công ty này sẽ "dần dần giới thiệu các máy bay C919 và ARJ21 được sản xuất trong nước".

Sơn Vân