Nhiều ý kiến góp ý cho dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 20:10, 08/04/2024
Nhiều ý kiến góp ý cho dự án Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ
Chiều 8.4, Đoàn đại biểu quốc hội (ĐBQH) TP.HCM tổ chức hội thảo góp ý dự án Luật Đường bộ và Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Hội thảo do ông Hà Phước Thắng, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM chủ trì và nhiều đại biểu đến từ các cơ quan, đơn vị khác nhau.
Theo ông Thắng, Đoàn ĐBQH TP đã tổ chức các đợt góp ý, nhận được những kết quả và hôm nay tiếp tục lấy ý kiến với dự thảo mới nhất. Mỗi một góp ý của các đại biểu đều có từ kinh nghiệm công tác, thực tiễn và kinh nghiệm giảng dạy để đưa ra những ý kiến góp ý cho hai dự thảo hoàn chỉnh. “Từ đó khi người dân, doanh nghiệp hay bất cứ một ai tiếp cận luật thực hiện một cách dễ dàng và áp dụng phù hợp sau khi được ban hành”, ông Thắng cho hay.
Góp ý về dự thảo Luật Đường bộ, các đại biểu cho rằng việc bảo vệ kết cấu hạ tầng của công trình đường bộ, phần đất của đường bộ, hành lang an toàn đường bộ và công trình phụ trợ phục vụ cho hoạt động đường bộ, chưa quy định về phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ đối với bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ. Do đó, đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ đối với bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ.
Về dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, các đại biểu cho rằng, theo Luật Giao thông đường bộ năm 2008, khi có tín hiệu đèn màu vàng mà phương tiện đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp. Tuy nhiên, dự thảo luật mới không còn quy định nội dung “trừ trường hợp đã đi quá vạch dừng thì được đi tiếp”. Do đó, cần xác định rõ khi có tín hiệu đèn màu vàng mà đã đi quá vạch dừng thì có vi phạm pháp luật không.
Về chính sách của Nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ, luật sư Trương Thị Hòa (Đoàn luật sư TP.HCM) cho rằng, cần bổ sung hợp tác quốc tế về trật tự an toàn giao thông đường bộ vì thực tiễn đã thể hiện sự hợp tác quốc tế về trật tự an toàn giao thông đường bộ rất cần thiết, đem lại nhiều hiệu quả thiết thực.
Đối với quy tắc chung, theo luật sư Hòa, cần có mức nồng độ cồn cố định. Chỉ cần có nồng độ cồn trong máu hoặc hơi thở và có chất ma túy hoặc các chất kích thích khác mà pháp luật cấm sử dụng là đã gây ảnh hưởng nghiêm trọng trong quá trình tham gia giao thông đường bộ.
Đối với dự thảo Luật Trật tự an toàn giao thông đường bộ, ông Trần Thảo, Trưởng khoa CSGT, Trường đại học Cảnh sát Nhân dân cho biết, cơ quan soạn thảo đã tiếp thu và sửa đổi quy định về trích 70% khoản tiền xử phạt vi phạm hành chính về trật tự an toàn giao thông đường bộ sau khi nộp vào ngân sách nhà nước và không thấp hơn 30% khoản tiền thu được từ đấu giá biển số xe sau khi nộp vào ngân sách trung ương theo quy định của pháp luật.
“Hiện tại, khoản 1 Điều 5 dự thảo về chính sách của Nhà nước về trật tự an toàn giao thông đường bộ chỉ còn quy định “Huy động, sử dụng các nguồn lực để bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ. Bảo đảm ngân sách, cơ sở vật chất, phương tiện, thiết bị hiện đại, các điều kiện bảo đảm và nâng cao năng lực thực thi nhiệm vụ của lực lượng trực tiếp bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường bộ” là phù hợp”, ông Thảo nói.