Tiêu thụ điện cao kỷ lục, TP.HCM kêu gọi tiết kiệm điện
Theo dòng thời sự - Ngày đăng : 13:39, 09/04/2024
Tiêu thụ điện cao kỷ lục, TP.HCM kêu gọi tiết kiệm điện
Dù tháng 5 mới là đợt nắng nóng cao điểm, nhưng trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng lượng điện tiêu thụ tại TP.HCM đã lên tới 4,47 tỉ kWh.
Tại TP.HCM, theo quy luật thời tiết, quý 2 hằng năm là thời kỳ cao điểm nắng nóng, nhiệt độ nhiều khi lên 37 - 40 độ C, số giờ nắng nóng trong ngày cũng nhiều hơn, thậm chí cả vào ban đêm. Do vậy, nhu cầu sử dụng điện của mọi người cũng tăng lên, chủ yếu do sử dụng các thiết bị giải nhiệt, làm mát, đặc biệt là máy lạnh.
Từ đầu năm đến nay, theo tính toán của Tổng công ty Điện lực TP.HCM, lượng tiêu thụ bình quân là 78,13 triệu kWh/ngày, cao hơn 12,02% (tương đương 8,38 triệu kWh/ngày) so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngày 26.3 có số lượng tiêu thụ điện cao nhất tính từ đầu năm, lên tới 92,46 triệu kWh.
Tiêu thụ điện của khách hàng sinh hoạt chiếm 49,55% tổng số lượng tiêu thụ và có mức tăng 11,9%, tăng mạnh hơn nhiều so với nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt (tăng 7,32% và chiếm 50,45% tổng phụ tải).
Ông Nguyễn Văn Khánh, cán bộ phụ trách năng lượng của Công ty TNHH một thành viên Tổng công ty 28 chuyên về dệt may, cho biết trung bình mỗi tháng công ty trả 1,2 tỉ đồng tiền điện. Hai tháng nay, từ thay đổi công nghệ và dịch chuyển khung giờ sản xuất phù hợp, công ty đã tiết kiệm được khoảng 20% tiền điện. “Dịch chuyển thời gian sản xuất cao điểm - thấp điểm là cực kỳ quan trọng. Chúng tôi chủ động bố trí sản xuất lại. Tới giờ đó thì mình ngưng những máy công suất lớn mà không nằm trong những dây chuyền bắt buộc liên tục, sau đó hết giờ cao điểm thì mình đẩy cho tăng tải lên”, ông Khánh chia sẻ.
Dù chưa vào mùa nắng nóng cao điểm, nhưng trong 2 tháng đầu năm 2024, tổng lượng điện tiêu thụ tại TP.HCM đã đạt 4,47 tỉ kWh; tại 21 tỉnh phía nam (trừ TP.HCM) đã hơn 13,5 tỉ kWh, tăng tới 13,7% so với cùng kỳ năm 2023.
Khung giờ cao điểm sử dụng điện tại TP.HCM là từ 13 -16 giờ và 20 - 22 giờ 30 nên ngành điện có các giải pháp giảm tiêu thụ điện trong các khung giờ này.
Hệ thống điện TP.HCM hiện nay có độ dự phòng về công suất từ 40 - 60% tùy theo cấp điện áp, do đó đủ năng lực để đáp ứng nhu cầu phụ tải của TP theo tất cả các kịch bản tăng trưởng nhưng không loại trừ xảy ra quá tải cục bộ, phạm vi nhỏ, do nhu cầu sử dụng tăng đột biến trong cùng một thời điểm.
Ngoài ra, nguồn điện cung cấp cho TP.HCM chịu sự điều tiết chung của Trung tâm Điều độ hệ thống điện quốc gia, vì vậy để đảm bảo vận hành hệ thống được an toàn và chia sẻ với cả nước, TP tăng cường tuyên truyền vận động tiết kiệm điện và sẵn sàng các phương án điều tiết khi có yêu cầu của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN).
Ông Bùi Trung Kiên, Phó tổng giám đốc Tổng công ty Điện lực TP.HCM cho rằng: “Tháng 4.2024 dự báo lượng điện tiêu thụ tiếp tục tăng, tăng điện trong tiêu dùng khiến tiền điện sẽ cao. Do đó, phải thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện, dịch chuyển các thiết bị điện, phụ tải giờ cao điểm về giờ thấp điểm”.
Căn cứ vào dự báo thời tiết và thực tế sinh hoạt, sản xuất của TP.HCM, ngành điện TP dự báo lượng điện tiêu thụ sẽ tiếp tục tăng cao trong tháng 4 và 5 năm 2024. Trong đó, sẽ có một số ngày lượng điện tiêu thụ sẽ vượt trên 95 triệu kWh/ngày, lập kỷ lục mới về tiêu thụ điện tại TP.HCM.
Hiện ngành điện TP.HCM đang quyết liệt triển khai các giải pháp chuyên ngành để đảm bảo cung cấp điện, đồng thời, tiếp tục hướng dẫn, khuyến cáo khách hàng sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả để hạn chế thấp nhất làm tăng tiền điện trong các tháng cao điểm mùa hè. Các biện pháp tiết kiệm điện trong chiếu sáng công cộng, quảng cáo, trang trí ngoài trời… cũng bắt đầu được áp dụng với mục tiêu tối thiểu tiết kiệm 30% tổng điện năng tiêu thụ.
Một số giải pháp thực hiện sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả tại gia đình được Tổng công ty Điện lực TP.HCM khuyến nghị: tắt các thiết bị điện khi ra khỏi phòng, cắt hẳn nguồn điện nếu không sử dụng các thiết bị điện; chỉ sử dụng máy điều hòa nhiệt độ khi thật cần thiết và sử dụng ở chế độ, mức nhiệt độ phù hợp (chế độ làm lạnh từ 26 độ C trở lên); ưu tiên mua sắm các phương tiện, thiết bị điện hiệu suất cao hoặc thiết bị điện có dán nhãn năng lượng đạt mức hiệu suất cao; hạn chế tối đa việc sử dụng bóng đèn sợi đốt…
Đối với các hộ gia đình, ngành điện khuyến khích lắp đặt và sử dụng hệ thống điện mặt trời trên mái nhà tự dùng cho nhu cầu sử dụng tại chỗ, hệ thống đun nước nóng từ năng lượng mặt trời…
Về tuyên truyền tiết kiệm điện, nhiều ngày nay, Công ty Điện lực Gò Vấp cùng với UBND các phường xuống tận các khu phố tư vấn cho người dân cách dùng điện. Do liên quan trực tiếp đến chi tiêu nên gia đình nào cũng ủng hộ.
Bà Nguyễn Thị Minh Tâm, Chủ tịch UBND phường 13, quận Gò Vấp cho biết: “Kênh thông tin nào đến với người dân tốt nhất thì đơn vị điện lực đều chủ động phối hợp với phường làm công tác tuyên truyền tiết kiệm điện giúp nâng cao ý thức người dân, vì bây giờ chuyện này không của riêng ai mà phải kêu gọi chung, làm toàn địa phương thì mới hiệu quả”.
Trong nhóm khách hàng ngoài sinh hoạt, lượng tiêu thụ điện của nhóm công nghiệp và xây dựng chiếm 29,49% tổng lượng tiêu thụ, cũng tăng 6,2%. Điện lực Gò Vấp phối hợp, hỗ trợ doanh nghiệp dịch chuyển khung giờ sản xuất, đảm bảo an toàn và hiệu quả.
Ông Vũ Huy Tuấn, Phó giám đốc kỹ thuật Công ty Điện lực Gò Vấp, (Tổng công ty Điện lực TP.HCM) cho biết chỉ 2 tháng đầu năm, Gò Vấp tiết kiệm được 4,89 triệu kWh điện: “2 tháng đầu năm, lượng điện tiêu thụ cao nhất trên địa bàn quận là 3,9 triệu kWh/ngày. Đỉnh điểm nắng nóng theo tính toán, theo dõi của đơn vị thì sẽ rơi vào khoảng tháng 5. Đơn vị đã có sự chuẩn bị cung cấp điện cho đỉnh điểm này, cũng đã làm việc với 52 khách hàng lớn sử dụng trên 1 triệu kWh để họ tiết kiệm điện, sẽ dịch chuyển thời gian sử dụng điện sau giờ cao điểm”.