Nhiều quy định đang làm trầm trọng thêm tình trạng độc quyền trên thị trường
Thị trường và chính sách - Ngày đăng : 06:08, 27/12/2019
Cần chuyển phương pháp quản lý “chọn cho” sang “chọn bỏ”
Theo VCCI, Hiến pháp 1992 quy định: “Công dân có quyền tự do kinh doanh theo quy định của pháp luật.” Đến Hiến pháp 2013, điều này được đổi thành: “Mọi người có quyền tự do kinh doanh những ngành nghề mà pháp luật không cấm”. Sự thay đổi này có ý nghĩa chuyển từ cơ chế “chọn cho” sang “chọn bỏ”.
Tinh thần chuyển từ “chọn cho” sang “chọn bỏ” của Hiến pháp đã được cụ thể hóa trong rất nhiều các văn bản quy phạm pháp luật, theo đó, các văn bản chỉ liệt kê những hoạt động mà doanh nghiệp bị cấm kinh doanh, chứ không còn liệt kê những hoạt động mà doanh nghiệp được kinh doanh. Tuy nhiên, năm 2019 vẫn tồn tại một số quy định mang tính “chọn cho” được xây dựng và ban hành.
Ví dụ Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT về Danh mục thức ăn chăn nuôi theo tập quán được phép lưu hành tại Việt Nam. VCCI cho rằng phương pháp quản lý này được đánh giá vừa không phù hợp với Hiến pháp, vừa không hợp lý.
Phương pháp quản lý này sẽ dẫn đến nguy cơ cơ quan nhà nước chỉ cần “quên” hoặc không biết đến một loại thức ăn chăn nuôi theo tập quán nào đó là người dân và doanh nghiệp không được phép kinh doanh loại hàng hóa đó.
Trên thực tế, Thông tư 02/2019/TT-BNNPTNT đã bỏ quên khá nhiều loại thức ăn chăn nuôi theo truyền thống mà người dân hay sử dụng như bèo tây, cây chuối… dẫn đến lo ngại là liệu việc người dân sử dụng, buôn bán các loại thức ăn chăn nuôi này có phải là bất hợp pháp?
Hơn nữa, phương pháp này còn có thể gây cản trở tự do sáng tạo, sáng kiến của người dân và doanh nghiệp. Ví dụ như khi người dân phát hiện ra một loại thức ăn chăn nuôi mới thì sẽ không được phép đưa vào kinh doanh.
Theo VCCI, vấn đề quản lý bằng phương pháp “chọn cho” không chỉ dừng lại ở mặt hàng thức ăn chăn nuôi mà còn áp dụng với nhiều mặt hàng khác thuộc phạm vi quản lý của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn như giống vật nuôi tại Thông tư 01/2018/TT-BNNPTNT ban hành Danh mục giống vật nuôi được sản xuất, kinh doanh tại Việt Nam.
Ví dụ như việc nuôi và kinh doanh giống như trùn quế. Theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chăn nuôi thì việc kinh doanh giống vật nuôi không có trong danh mục có thể bị xử phạt từ 40 đến 50 triệu đồng. Như vậy, việc rất nhiều cá nhân đang bán giống trùn quế hiện nay là vi phạm pháp luật và có thể bị xử phạt.
Nguy cơ độc quyền ở nhiều lĩnh vực
Một trong những nguyên tắc quan trọng khi xây dựng các chính sách kinh tế là cần thúc đẩy cạnh tranh, tăng cơ hội lựa chọn cho người sử dụng dịch vụ hoặc mua bán hàng hóa và hạn chế tối đa nguy cơ để nảy sinh độc quyền. Tuy nhiên, thực tiễn xây dựng pháp luật trong năm 2019 thì có nơi có lúc nguyên tắc này vẫn chưa được nhiều cơ quan soạn thảo chú trọng, thậm chí có quy định còn làm trầm trọng thêm tình trạng độc quyền trên thị trường.
Vị dụ được VCCI chỉ ra là nguy cơ độc quyền về dịch vụ thông tin tín dụng. Theo đó, dịch vụ này rất tiềm năng tại Việt Nam, nhưng hiện nay mới chỉ có một công ty thông tin tín dụng được thành lập. Một trong những nguyên nhân được chỉ ra là các điều kiện pháp lý để xin phép thành lập công ty thông tin tín dụng là quá khó khăn và cao một cách bất hợp lý tại Nghị định 10/2010/NĐ-CP2.
Trong đó, đáng kể nhất là quy định công ty thông tin tín dụng phải được ít nhất 15 ngân hàng cam kết cung cấp thông tin và các ngân hàng này không có cam kết tương tự với công ty thông tin tín dụng khác.
Đây là vấn đề gây tranh luận lớn trong quá trình soạn thảo. Quy định như vậy sẽ khiến một nhà đầu tư muốn gia nhập thị trường dịch vụ thông tin tín dụng phải cùng một lúc thuyết phục được 15 ngân hàng hợp tác với mình.
“Nếu các ngân hàng đó đang hợp tác với công ty thông tin tín dụng khác thì phải phá bỏ hợp đồng hợp tác cũ và chuyển sang một nhà cung cấp dịch vụ mới. Trong khi, một ngân hàng cũng sẽ chỉ đồng ý phá bỏ hợp đồng với đối tác cũ và chuyển sang công ty mới khi biết chắc rằng có ít nhất 14 ngân hàng khác cũng làm điều tương tự”, VCCI nêu.
Do đó, quy định này sẽ khiến việc thành lập mới công ty thông tin tín dụng là điều bất khả thi và rất dễ dẫn đến nguy cơ độc quyền trong loại dịch vụ này.
Một ví dụ khác là hoạt động thẩm định phim. VCCI cho rằng quy định của Luật Điện ảnh hiện nay đang tạo ra cơ chế độc quyền về kiểm duyệt phim khi cả nước chỉ có duy nhất Hội đồng thẩm định phim quốc gia làm dịch vụ này. Một nhà sản xuất hoặc nhập khẩu phim buộc phải mang phim của mình đến Hội đồng mà không có sự lựa chọn nào khác.
Trong khi đó, nhìn sang lĩnh vực xuất bản thì cơ chế có sự cạnh tranh cao hơn rất nhiều. Hiện cả nước có khoảng 60 nhà xuất bản được cấp phép. Một tác giả viết sách có thể lựa chọn mang sách của mình đến cho nhà xuất bản này hoặc nhà xuất bản khác. Nhà xuất bản sẽ làm dịch vụ thẩm định, kiểm duyệt nội dung tác phẩm trước khi xuất bản đến với công chúng.
Do đó, VCCI cho rằng thay vì chỉ có một hội đồng để thẩm định, kiểm duyệt và cấp phép cho từng bộ phim, Nhà nước hoàn toàn có thể tạo một cơ chế cạnh tranh hơn. Nhà nước có thể cấp phép cho nhiều đơn vị làm dịch vụ thẩm định, kiểm duyệt phim khi đơn vị đó đủ điều kiện và tiến hành hậu kiểm đối với các đơn vị đó.
Các đơn vị này sẽ cạnh tranh với nhau trên thị trường để cung cấp dịch vụ thẩm định, kiểm duyệt phim cho các nhà sản xuất, nhập khẩu phim. Sự cạnh tranh giữa các đơn vị dịch vụ chắc chắn sẽ giúp tháo gỡ nhiều nút thắt cho thị trường giải trí điện ảnh của Việt Nam.
Một ví dụ khác là tôn trọng quyền lựa chọn nhà cung cấp tên miền. Điều 15 của Thông tư 24/2015/TT-BTTTT về quản lý và sử dụng tài nguyên internet quy định trường hợp khách hàng sử dụng tên miền muốn chuyển đổi từ nhà đăng ký tên miền này sang nhà đăng ký tên miền khác thì phải được sự đồng ý của nhà đăng ký cũ.
“Điều này sẽ rất khó xảy ra vì nhà đăng ký cũ đang được hưởng hoa hồng nên sẽ không có động lực để đồng ý cho khách hàng chuyển sang nhà đăng ký mới. Nếu bãi bỏ quy định này, bắt buộc nhà đăng ký cũ phải đồng ý thì sẽ làm tăng tính cạnh tranh trên thị trường, buộc các nhà đăng ký phải có dịch vụ tốt để giữ chân khách hàng”, VCCI nhận định.
Lam Thanh